Thị trường đang “khó chồng khó” đang khiến nhiều môi giới bất động sản lao đao vì thất nghiệp, phải chuyển nghề, thậm chí mất luôn “kế sinh nhai”.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ cuối tháng 4, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước. Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80 % các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian, môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận không phải chỉ khi dịch bệnh bùng phát mà từ trước đó, các sàn giao dịch bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch bệnh đến càng làm những khó khăn đó thêm trầm trọng.
Ông Đính cho biết từ khoảng giữa 2018, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của dòng tiền chảy vào ít dần. Sang năm 2019, vốn vào bất động sản tiếp tục hạn hẹp hơn. Thêm vào đó, cơ chế chính sách thủ tục dự án bất động sản được siết chặt hơn, nhiều chủ đầu tư lâm vào cảnh “mất việc” vì không thể ra được dự án mới. Từ đó, kéo theo các sàn giao dịch bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản cũng “đói việc” theo.
Từ cuối 2019 đến đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Lúc đó, nhiều người kỳ vọng sẽ sớm dập dịch được trong 6 tháng đầu năm, rồi lại hy vọng hết năm 2020 sẽ hết dịch. Thế nhưng, đến nay, không ai biết khi nào hết dịch, trở lại bình thường.
Ông Đính đánh giá dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra thiệt hại không nhỏ và ngành xây dựng, bất động sản cũng không thể tránh khỏi tác động xấu. Trong đó, hàng nghìn môi giới bất động sản đã phải bỏ nghề, hàng trăm doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa hoặc co cụm, hoạt động kiểu duy trì chờ thời.
Tuy nhiên, ông Đính lo ngại là trong các gói hỗ trợ của nhà nước, lĩnh vực xây dựng, bất động sản được xem là ngành xương sống của nền kinh tế nhưng không được ưu tiên hỗ trợ. Thế nhưng, người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản lại ít được hưởng ưu đãi. Do vậy, với điều kiện thị trường ít dự án như hiện nay, cộng thêm dịch bệnh COVID-19 kéo dài sẽ là thách thức không nhỏ đối với các môi giới bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước hầu như chưa có hỗ trợ riêng nào cho doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Vì vậy, để giúp ngành xây dựng, bất động sản vượt qua dịch COVID-19 thì cần thúc đẩy thông thoáng cơ chế chính sách, thủ tục hành chính khi triển khai dự án.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, từ khi có dịch bệnh COVID-19, các gói hỗ trợ chưa có cơ chế dành riêng cho xây dựng, bất động sản và người lao động trong lĩnh vực này. Trước đó, trong năm 2020, Bộ Xây dựng cũng có kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản nhưng đến nay, các chính sách này đã hết hiệu lực. Từ đầu năm 2021, ngành xây dựng, bất động sản tiếp tục không nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ về kinh tế.
Vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến.
Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội...Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình bất động sản mới nhằm cạnh tranh hơn như: secondhome, farmhome, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn.