Bộ Thông tin - Truyền thông đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, YouTube, Google, TikTok…), buộc họ phải xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại.

Nhiều kết quả đột phá trong đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc hại

Hoài Lam | 29/03/2023, 23:00

Bộ Thông tin - Truyền thông đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, YouTube, Google, TikTok…), buộc họ phải xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại.

Chiều 29.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về tổng quan hoạt động của ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2021-2022, định hướng phát triển giai đoạn 2023-2025.

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, trong thời gian qua, Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc xây dựng, ban hành những chủ trương, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số.

“Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, với tinh thần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị đã tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước”, Bộ TT-TT nêu.

Bộ TT-TT xác định chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, bởi vậy thể chế phải thay đổi trước để chuyển đổi số có thể phát huy hiệu quả; nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.

hue-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông

Do đó, Bộ TT-TT nghiên cứu, tổng kết để lên kế hoạch lập đề nghị xây dựng luật, xây dựng bản đồ thể chế số của Việt Nam theo các góc nhìn từ thời gian đến chiến lược mang tính dẫn dắt đến tiến độ xây dựng các luật, nghị định quan trọng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành thông tin và truyền thông là ngành về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ nhưng tất cả đều xoay quanh công nghệ số, là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đảng, Nhà nước đã xác định đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số tạo cơ hội để giải quyết các bài toán lớn kéo dài, các bài toán thiên niên kỷ của Việt Nam, tạo ra cơ hội để giải quyết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chuyển đổi số cũng tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo. Báo chí xuất bản và truyền thông đang dần hội tụ thành truyền thông số. Sứ mệnh là xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, tạo dựng sức mạnh tinh thần để phát triển đất nước”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Hùng cũng cho biết sẽ xây dựng và hoạch định thể chế số, mở đường cho chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết 16/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 có nội dung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo; nhấn mạnh công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số là nguồn lực cơ bản, đổi mới số là động lực cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc thực hiện các mục tiêu này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, có những nhiệm vụ chưa có tiền lệ và phức tạp; đòi hỏi sự đóng góp của ngành thông tin và truyền thông trong triển khai nhiều nhóm giải pháp quan trọng.

Ví dụ như đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia thông qua việc xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; mô hình kinh tế chia sẻ; giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số; đầu tư mạo hiểm; các phương thức thanh toán mới; hệ thống xác thực và định danh điện tử; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ…

hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội vui mừng trước tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm vừa qua là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 168 tỉ USD); tổng nộp ngân sách toàn ngành khoảng 4,3 tỉ USD); tổng số lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người…

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá Bộ TT-TT cũng làm rất tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin an ninh mạng đi đúng hướng, nỗ lực quét sạch “rác” trên không gian mạng.

“Bằng những biện pháp đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, lần đầu tiên Bộ TT-TT đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, YouTube, Google, TikTok…), buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xoá, chặn thông tin xấu độc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các chuyên đề mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, trong đó có chuyên đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, “Chuyển đổi số và phát triển bền vững, giải quyết các bài toán thiên niên kỷ”, “Chuyển đổi số và thể chế số”, “Chuyển đổi số và chủ quyền số”… Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhờ cuộc cách mạng chuyển đổi số, việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ sẽ có tính đột phá hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình
Sáng 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều kết quả đột phá trong đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc hại