Dù đã có quy định rõ ràng, nhưng tình trạng trục lợi chính sách, phân bổ nhà ở xã hội không đúng đối tượng vẫn xảy ra tại nhiều dự án ở TP.HCM.

Nhiều dự án nhà ở xã hội TP.HCM bị trục lợi, bán sai đối tượng

Hồ Đông | 17/08/2021, 11:21

Dù đã có quy định rõ ràng, nhưng tình trạng trục lợi chính sách, phân bổ nhà ở xã hội không đúng đối tượng vẫn xảy ra tại nhiều dự án ở TP.HCM.

Cố ý bán sai đối tượng

Hiện nay, dù đã có quy định rõ ràng về đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhưng trên thị trường vẫn xảy ra tình trạng nhiều người không thuộc đối tượng quy định vẫn mua được nhà loại này. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết ở TP.HCM, có 85 trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở. Ngoài ra 64 trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội.

Việc lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán chưa chính xác về khối lượng, đơn giá, chưa xác định rõ diện tích chung, riêng, phương án tài chính còn sai sót làm ảnh hưởng giá bán, cho thuê.

Bên cạnh việc mua, bán nhà sai đối tượng, kết quả của Kiếm toán Nhà nước cũng cho thấy chương trình nhà ở xã hội tại TP.HCM thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra, khi chỉ đạt 69% so với kế hoạch.

Không những vậy, TP.HCM lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội khi chưa có trong kế hoạch. Các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn các quận 9, 12 và Bình Tân cũng không xác định cụ thể vị trí khu vực để phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách còn một số bất cập như chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, cơ chế ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2, điều 9, Nghị định 100/2015/NĐ-CP chưa thống nhất với Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định việc cho phép nộp bằng tiền thay cho việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha là không phù hợp với quy định của khoản 2 điều 16, Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1, điều 118, Luật Đất đai năm 2013.

nha-o-xa-hoi.jpeg
Chương trình nhà ở xã hội tại TP.HCM chưa đạt mục tiêu đề ra

Trục lợi từ nhà ở xã hội

Tại TP.HCM, trong những năm gần đây, nhiều trường hợp có suất mua căn hộ nhà ở xã hội đã bán lại kiếm lời ngay khi mới được bàn giao, chưa đủ điều kiện giao dịch chuyển nhượng, thậm chí khi khu nhà chưa được xây xong.

Theo quy định, nhà ở xã hội là loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước, hoặc được sở hữu và quản lý bởi Nhà nước hay các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà ở giá rẻ được xây dựng để dành cho công chức chưa có nhà hay người thu nhập thấp.

Quy định cũng nêu rõ người được mua nhà ở xã hội không được bán lại trước 5 năm. Quy định là vậy song trên thực tế, hầu như không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nhiều người đã qua mặt cơ quan chức năng trong việc mua bán nhà ở ở xã hội bằng cách lập vi bằng, hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng ủy quyền, hoặc lập di chúc cho người mua.

Các điều khoản của hợp đồng ủy quyền căn nhà ở xã hội nêu rõ bên được ủy quyền (người mua) thay mặt bên ủy quyền nộp tiền mua nhà cho chủ đầu tư theo tiến độ. Người được ủy quyền cũng ký biên bản bàn giao căn hộ khi chủ đầu tư bàn giao, lập và ký các hợp đồng sinh hoạt như điện, nước với các cơ quan chức năng và thực hiện việc thanh toán tiền sử dụng các dịch vụ này…

Trên các trang giao dịch bất động sản, các dự án nhà ở xã hội được bán công khai, tràn lan như nhà ở thương mại. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán nhà ở xã hội tại TP.HCM” trên internet, không khó để bắt gặp các thông tin rao bán nhà ở xã hội. Điển hình như các dự án Felix Home (phường 6, quận Gò Vấp), dự án First Home Thạnh Lộc (phường Thạnh Lộc, quận 12), dự án Chương Dương Home (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), dự án HQC Plaza (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh)…

Điển hình như một căn hộ nhà ở xã hội diện tích 49m2 (1 phòng ngủ) của Jamona Apartment trên đường Đào Trí, quận 7 từng được rao bán giá 1,45 tỉ đồng. Còn ở quận 12, chung cư First Home Thạnh Lộc tọa lạc trên đường Vườn Lài nối dài có quy mô 14 tầng và 1 tầng hầm, xây dựng trên diện tích 5.000m2 với các loại căn hộ diện tích khoảng từ 43m2 đến 61m2 được rao bán với mức giá chênh lệch từ 300 triệu đến hơn 600 triệu đồng so với mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.

Tương tự, dự án Felix Homes nằm trên đường Nguyễn Văn Dung, quận Gò Vấp được nhiều khách hàng rao bán với giá chênh lệch từ 200 - 400 triệu đồng/căn.

Trong khi đó, những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội để sinh sống lại không có suất. Để được mua nhà ở xã hội, đối tượng mua nhà phải qua khâu xét hồ sơ rất gian nan, thậm chí phải bốc thăm để có đủ điều kiện mua.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm tra đối tượng mua hoặc đã có nhà ở xã hội cần được tiếp tục đẩy mạnh để tránh tình trạng người không có nhu cầu lại được mua giá rẻ, còn người cần nhà ở thật lại không thể với tới.

Bài liên quan
TP.HCM nêu 4 phương pháp thay thế ‘3 tại chỗ’ cho doanh nghiệp
Trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo 1 trong 4 phương án.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều dự án nhà ở xã hội TP.HCM bị trục lợi, bán sai đối tượng