Trên thị trường bất động sản, việc tích lũy quỹ đất của doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức, như nhận chuyển nhượng vốn góp tại công ty sở hữu dự án; tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá; hợp tác đối tác công - tư, đấu giá, đấu thầu, thực hiện dự án hợp đồng BT…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chi tiền gia tăng quỹ đất

ĐTCK | 13/07/2018, 13:54

Trên thị trường bất động sản, việc tích lũy quỹ đất của doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức, như nhận chuyển nhượng vốn góp tại công ty sở hữu dự án; tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá; hợp tác đối tác công - tư, đấu giá, đấu thầu, thực hiện dự án hợp đồng BT…

Vinhomes mua dự án Sân golf Củ Chi diện tích 200 ha, Netland chi hơn 60 tỉđồng sở hữu đất quận 1, TP.HCM, Hải Phát đàm phán mua lại 40% vốn Nhà nước tại Cienco 5, Novaland góp thêm hơn 5.480 tỉđồng vào Nova Mỹ Đình… Mục tiêu chính của các thương vụ này là gia tăng quỹ đất sở hữu.

Công ty cổ phần (CTCP) Vinhomes (VHM) đã thông báo chính thức về việc nhận chuyển nhượng hơn 32 triệu cổ phần CTCP Phát triển GS Củ Chi, trở thành cổ đông sở hữu 98% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Công ty Phát triển GS Củ Chi là đơn vị trực tiếp đảm nhiệm phát triển Dự án Sân golf Củ Chi, Tây Bắc TP.HCM. Trước đó, năm 2012, Tập đoàn C.T Group đã mua lại 95% cổ phần của Công ty Phát triển GS Củ Chi với giá trị khoảng 24 triệu USD.

Dự án Sân golf Củ Chi có tổng diện tích khoảng 200 ha, vốn đầu tư ban đầu là 42,6 triệu USD. Theo quy hoạch được phê duyệt, Sân golf Củ Chi có cơ cấu sử dụng đất gồm đất sân golf và cơ sở hạ tầng phụ trợ chiếm diện tích từ 140 - 150 ha; đất giao thông và cây xanh chiếm 43 - 47 ha; còn lại là khu nhà ở cho thuê trên diện tích khoảng 8 - 10 ha.

Chưa kể, Vinhomes cũng đã ký các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp để mua 97,69% cổ phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đô thị Đại học Quốc tế Berjaja Việt Nam từ các đối tác với tổng giá phí là 11.748 tỷ đồng.

Trong khi đó, HĐQT CTCP Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) đã có nghị quyết về việc góp thêm 5.481 tỷ đồng vào CTCP Địa ốc Nova Mỹ Đình, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 99,99%.

Hiện chưa có thông tin chính thức về quỹ đất hoặc dự án do Nova Mỹ Đình sở hữu, nhưng các thông tin trên thị trường cho rằng, nhiều khả năng đây là dự án lớn, có quy mô chục nghìn tỷ đồng sắp được ra mắt.

Vào tháng 5, NVL cũng đã góp hơn 1.058 tỉđồng vào CTCP Nova Nippon, nâng sở hữu tại công ty con này lên 107,8 triệu cổ phần, tương đương 99,98% vốn điều lệ.

Trên thị trường bất động sản, việc tích lũy quỹ đất của doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức, như nhận chuyển nhượng vốn góp tại công ty sở hữu dự án; tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá; hợp tác đối tác công - tư, đấu giá, đấu thầu, thực hiện dự án hợp đồng BT…

Đối với CTCP Đầu tư Hải Phát, mục tiêu trong vòng 5 năm tới, Công ty sẽ có được quỹ đất 10.000 hecta. Theo tiết lộ của lãnh đạo doanh nghiệp, trong năm 2019, ước tính các dự án đang triển khai và hợp đồng BT có thể mang về cho Công ty khoảng 450 hecta.

Hiện tại, Hải Phát cũng đang đàm phán để mua lại 40% vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) - chủ đầu tư dự án BT đường trục phía Nam với quỹ đất đối ứng gần 200 ha, chính là Dự án Mỹ Hưng - Thanh Hà giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư 17.075 tỉ đồng.

Mới đây, theo Nghị quyết HĐQT CTCP Bất động sản Netland (NRC), Công ty sẽ mua lại tài sản cố định ở số 3 Trần Nhật Duật, Quận 1, TP. HCM. Đây cũng là địa chỉ trụ sở chính của Công ty Bất động sản Danh Khôi, công ty con do NRC sở hữu 95% vốn.

Theo đó, NRC sẽ mua lại từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Anh, ông Nguyễn Thế Sơn và bà Đỗ Thị Lý với tổng giá chuyển nhượng hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, giá mua bán tài sản gắn liền với đất là 2,6 tỷ đồng và giá chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất gần 57,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, tiền mặt của NRC chỉ đạt hơn 10 tỉđồng, các khoản phải thu khách hàng hơn 40 tỉ đồng. Để có nguồn vốn đầu tư vào tài sản trên, HĐQT NRC đã thông qua việc vay Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - chi nhánh Gia Định 38 tỉ đồng, thời hạn 120 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Việc đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng cũng như các hợp đồng và văn bản khác liên quan đến khoản vay trên sẽ được ủy quyền cho Tổng giám đốc thực hiện.

CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (SCR) cũng vừa báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Cụ thể, Công ty huy động được hơn 713 tỉ đồng, trong đó dùng gần 195 tỉ đồng để tái cấu trúc nguồn vốn, nợ vay; còn lại 537 tỷ đồng để mua đứt Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư kinh doanh bất động sản Hùng Anh Năm.

Hùng Anh Năm đang là chủ đầu tư dự án 5.000 m2 tại đại lộ Võ Văn Kiệt, dự án tiềm năng với mặt tiền đắc địa. Hiện Công ty đã hoàn tất giai đoạn đền bù. Ngoài Hùng Anh Năm, SCR đang tích cực phát triển quỹ đất khoảng 1.500 ha bằng việc mua 79,82% vốn của CTCP Toàn Hải Vân, mua thêm 11% vốn CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ) và chi 367 tỉđồng để tăng sở hữu tại CTCP Khai thác và Quản lý khu công nghiệp Đặng Huỳnh lên 51%.

Phan Hằng/Đầu tư Chứng khoán
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều doanh nghiệp bất động sản chi tiền gia tăng quỹ đất