Tốc độ của các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang tăng chóng mặt khi hơn 50 công ty đa quốc gia, như Apple, Nintendo... đang gấp rút thoát khỏi Trung Quốc để tránh đòn trừng phạt thuế quan do Mỹ đưa ra, theo đánh giá của Nikkei Asian.

Nhiều công ty đa quốc gia hối hả rời Trung Quốc tránh thương chiến

Anh Tú | 19/07/2019, 14:02

Tốc độ của các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang tăng chóng mặt khi hơn 50 công ty đa quốc gia, như Apple, Nintendo... đang gấp rút thoát khỏi Trung Quốc để tránh đòn trừng phạt thuế quan do Mỹ đưa ra, theo đánh giá của Nikkei Asian.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm với đỉnh cao là mức thuế 25% được Mỹ áp với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy có một số dấu hiệu tích cực giữa hai nước sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật, Tổng thống Donald Trump vẫn đe dọa sẽ đánh thuế đối với khối hàng hóa trị giá 325 tỉ USD còn lại của Trung Quốc. Trước cuộc chiến ngày càng gay gắt, ngày càng có nhiều công ty công bố kế hoạch hoặc đang xem xét chuyển sản xuất khỏi ​​Trung Quốc.

Các nhà sản xuất máy tính cá nhân của Mỹ HP và Dell có thể chuyển tới 30% sản lượng máy tính xách tay của họ vốn sản xuất ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, theo Nikkei đưa tin. Trước đó, Nikkei cho biết Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của họ đánh giá tác động về chi phí khi chuyển 15% đến 30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Hãng game Nintendo của Nhật Bản cũng sẽ chuyển một phần khối lượng sản xuất máy chơi game từ Trung Quốc sang một nước láng giềng phía nam, theo Nikkei. Không chỉ các công ty nước ngoài, mà ngay cả các công ty Trung Quốc cũng tính rời khỏi quê hương để thoát khỏi hàng rào thuế quan của Mỹ.

Công ty điện tử đa quốc gia Trung Quốc TCL đang lên kế hoạch chuyển sản xuất TV sang một nước phía nam, trong khi nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc Sailun Tyre đang tính chuyển dây chuyền sản xuất sang Thái Lan, Nikkei đưa tin.

Cuộc chiến thương mại kéo dài dường như đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu vào ngày 15.7 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2/2019chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái - tỷ lệ thấp nhất trong 27 năm trở lại đây. Chính Tổng thống Trump tuyên bố sự tăng trưởng chậm hơn đó là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến thương mại khi nước này phải đối mặt với một cuộc di cư của các công ty.

“Các loại thuế quan của Mỹ đang có ảnh hưởng lớn đến các công ty muốn rời Trung Quốc sang các nước không chịu thuế. Hàng ngàn công ty đang rời đi. Đây là lý do tại sao Trung Quốc muốn thực hiện thỏa thuận”, ông Trump viết trên Twitter hồi đầu tuần.

Đáp lại tuyên bố của ông Trump, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng: “Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và gia tăng sự không chắc chắn và bất ổn, GDP của Trung Quốc vẫn tăng 6,3% trong nửa đầu năm nay. Tôi nghĩ rằng đây là một hiệu suất khá tốt. Đặc biệt khi bạn so sánh nó với các nền kinh tế lớn khác, bạn sẽ thấy nó tốt hơn hầu hết trong số đó.

Trung Quốc đáng ra có thể dùng đến các chính sách kích thích lớn để tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nhưng thay vì làm điều đó, chúng tôi duy trì tăng trưởng kinh tế chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi, hiện đại hóa trong công nghiệp. Chúng tôi đang tiếp thêm sinh lực cho tất cả các thành phần thị trường thông qua cải cách và đổi mới. Những gì chúng tôi muốn là một nền kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định.

Tốc độ tăng trưởng 6,3% đáp ứng kỳ vọng của thế giới đối với nền kinh tế Trung Quốc. Sau khi công bố dữ liệu ngày hôm 15.7, phản ứng của các thị trường lớn trên thế giới là khá vừa phải. Tôi cần nhấn mạnh rằng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong nhiều năm, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới là hơn 30%. Sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Trung Quốc là điều tốt cho thế giới. Nó cũng điều tốt cho nền kinh tế Mỹ.

Mỹ nói rằng Trung Quốc muốn thực hiện một thỏa thuận với họ vì kinh tế trì trệ. Cáo buộc như vậy là hoàn toàn sai lệch. Trung Quốc không phải là người duy nhất muốn ký kết thỏa thuận thương mại. Mỹ cũng muốn thế. Người dân Mỹ, đặc biệt là người tiêu dùng, phản đối mạnh mẽ cuộc chiến thương mại và thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc”.

Thực ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu vào tháng 3 cho tăng trưởng kinh tế là từ 6 đến 6,5% trong năm nay. Các số liệu vừa đưa ra vào ngày 15.7 có vẻ vẫn nằm trong phạm vi đó. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn sự tăng trưởng của Trung Quốc trong quý thường diễn ra vào tháng 4 và đầu tháng 5, khi niềm tin của công chúng cao hơn vì đợt cắt giảm thuế vào tháng 3 và khởi động kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng trọng điểm khi mùa xuân bắt đầu. Thời điểm thu hoạch tốt nhất đã trôi qua mà không gặt hái được nhiều.

Do vậy, trong thời gian tới mà Trung Quốc không giải quyết tốt các khó khăn, bao gồm cả việc duy trì nền sản xuất trong nước thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động ổn nhưng chỉ vì nhờ chính phủ Trung Quốc đang bơm một khoản tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi dòng tiền bơm đầu tư đó vơi đi thì cỗ máy kinh tế Trung Quốc sẽ vận hành ra sao để tiếp tục tiến lên phía trước là điều khó nói.

Anh Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều công ty đa quốc gia hối hả rời Trung Quốc tránh thương chiến