Ước tính khoảng 9.000 người dân Hồng Kông, chủ yếu là người già, đã xuống đường tuần hành vào hôm 17.7 để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với những người trẻ tuổi đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại dự luật dẫn độ tranh cãi, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Sau giới trẻ, đến lượt dòng người cao tuổi xuống đường biểu tình tại Hồng Kông

Hoàng Vũ | 18/07/2019, 12:11

Ước tính khoảng 9.000 người dân Hồng Kông, chủ yếu là người già, đã xuống đường tuần hành vào hôm 17.7 để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với những người trẻ tuổi đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại dự luật dẫn độ tranh cãi, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Được sự dẫn dắt bởi người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm năm 2014 Châu Diệu Minh (Chu Yiu Ming), ca sĩ kiêm nữ diễn viên nổi tiếng Diệp Đức Nhàn (Deanie Ip Tak-han) và đạo diễn điện ảnh Shu Kei, đám đông người lớn tuổi đã tuần hành từ vườn Chater ở trung tâm thành phố tới trụ sở của chính quyền đặc khu.

Hầu hết những người tham gia tuần hành này đều mặc đồ màu trắng. Họ mang theo biểu ngữ có dòng chữ: “Hãy ủng hộ các bạn trẻ. Hãy bảo vệ Hồng Kông”.

Ông Châu, người vẫn đang thụ án treo vì tội tham gia tổ chức phong trào Chiếm trung tâm năm 2014, cho biết cuộc tuần hành trên đã mở ra trang mới trong các phong trào xã hội của đặc khu.

"Đây là một phong trào quần chúng với mọi lứa tuổi cùng tham gia kêu gọi chính quyền hãy đáp ứng các nhu cầu của chúng tôi", ông Châu nói.

Ngoài ra, một nhóm các bà mẹ đã biểu tình bằng cách đứng nguyên một chỗ không thay đổi vị trí, đồng thời kêu gọi chính quyền Hồng Kông rút hoàn toàn dự luật dẫn độ.

Bà Yeung Po-hei (67 tuổi), một người gần đây đã thành lập "nhóm đầu bạc" và tổ chức cuộc tuần hành, cho biết: "Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới thành phố và chính quyền đặc khu, rằng chúng tôi, những cư dân lớn tuổi, hỗ trợ các bạn trẻ và ủng hộ các yêu cầu của họ".

Bà Yeung nói với SCMP rằng bà không có liên kết với bất kỳ đảng phái nào, và việc con trai bà tham gia biểu tình cũng không phải lý do chính khiến bà tổ chức cuộc tuần hành.

"Sự giận dữ của những người trẻ tuổi đã được khơi mào bởi một chính quyền vô tâm. Họ đã làm ngơ trước những yêu cầu của người dân sau khi hàng triệu người đã xuống đường biểu tình một cách ôn hòa", bà Yeung nhấn mạnh.

Khi được hỏi bà cảm thấy thế nào về bạo lực, Yeung nói: “Chắc chắn, chúng tôi muốn các cuộc tuần hành được bình yên. Nhưng nó đi kèm với điều kiện là chính quyền cần phải tránh xa các cuộc đụng độ bạo lực”.

Một người đồng tổ chức tuần hành khác, Tam Kwok-sun, cho biết ông không ủng hộ việc sử dụng bạo lực nhưng hiểu và cảm thông với những người đã dùng đến những cách như vậy. “Nguyên nhân của vấn đề nàynằm ởchính quyền, bởi họ đã không giải quyết được nhu cầu của công chúng”, ông nói.

Còn Patrick Liu, 65 tuổi, một người quản lý trong ngành viễn thông đã nghỉ hưu, cho biết: “Tôi hiểu một số thanh niên đã dùng đến bạo lực để thu hút sự chú ý nhiều hơn, sau khi họ thấy các cuộc biểu tình ôn hòa không còn có thể lay chuyển được chính quyền”.

Một trong những người ngồi xe lăn tham gia tuần hành, cụ Lo Siu-lan, 82 tuổi, cho biết bà ủng hộ tất cả những người trẻ tuổi đấu tranh cho quyền lợi của dân chúng và gọi họ là “những người nối nghiệp” của Hồng Kông.

Cựu điều tra viên của Ủy ban Độc lập chống tham nhũng Hồng Kông (ICAC) Stephen Char Shik-ngor cũng bày tỏ sự “vô cùng thất vọng” với chính quyền do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lãnh đạo.“Thật vô trách nhiệm khi đẩy cảnh sát sang phía đối diện với người dân và xé nát toàn bộ thành phố”, ông nói và kêu gọi bà Lâm rút hoàn toàn dự luật và thành lập một ủy ban độc lập để điều tra việc sử dụng vũ lực của cảnh sát trong việc đàn áp người biểu tình.

Đám đông cầm biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ mới của Hồng Kông trong các cuộc biểu tình trước đó - Ảnh: Internet

Được biếtdự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đã châm ngòi làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Hồng Kông suốt hơn một tháng qua. Đáng chú ý, số người biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông có lúc đã lên đếnđỉnh điểmmà theo các nhà tổ chức là tới 2 triệu người trong số7 triệu dân của thành phố này.

Trước áp lực của các cuộc biểu tình, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 9.7 đã tuyên bố dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”, đồng thời thừa nhận chính quyền đã “thất bại hoàn toàn” trong tiến trình thông qua dự luật.

Tuy nhiên, những nhượng bộ do bà Lâm đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục để làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình, vì không có yêu cầu chính nào của họ - bao gồm rút lại hoàn toàn dự luật, bỏ các cáo buộc chống lại một số người biểu tình và sự từ chức của bà Lâm, được đáp ứng.

Đáng chú ý, vào chủ nhật tuần trước (14.7), một cuộc biểu tình vào buổi chiều với sự tham gia của hàng chục ngàn người Hồng Kông đã kết thúc trong sự hỗn loạn tại một trung tâm mua sắm gần Sha Tin - khu vực những người Trung Quốc đại lục thường tới thăm, khiến 28 người bị thương, trong đó có 13 sĩ quan cảnh sát.

Hoàng Vũ (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau giới trẻ, đến lượt dòng người cao tuổi xuống đường biểu tình tại Hồng Kông