Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân vốn trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể. Cùng với đó là vấn đề thủ tục, năng lực đơn vị thi công, các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Nhiều Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng bị Thủ tướng phê bình vì chậm giải ngân vốn

Trí Lâm | 25/07/2017, 13:58

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân vốn trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể. Cùng với đó là vấn đề thủ tục, năng lực đơn vị thi công, các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Ngày 25.7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 13 bộ, cơ quan, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Các đơn vị này có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 15.6 mới chỉ ở khoảng 20%.

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn vốn NSNN năm nay là trên 357.000 tỉ đồng (gồm 307 tỉ vốn ngân sách, 50.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ). Số vốn trái phiếu năm 2016 chưa phân bổ được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2017 có thêm 16.500 tỉ đồng.

Tính đến ngày 15.6, tổng số vốn thanh toán là 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trái phiếu là 323 tỉ đồng, đạt 0,6% tổng kế hoạch vốn. Vốn ngân sách nhà nước là gần 85.000 tỉ, đạt 27,6% tổng kế hoạch vốn. Phần vốn trái phiếu từ năm 2016 chuyển sang cũng mới giải ngân được 217 tỉ đồng trên tổng số 16.500 tỉ đồng, đạt 1,3%.

Theo Bộ Tài chính, có 13 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, tính tới ngày 15.6 chỉ đạt dưới 20%. Sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân các đơn vị này đã có chuyển biến tích cực, một số đơn vị đạt trên 20%.

Cụ thể, tính tới ngày 17.7, tỷ lệ giải ngân các đơn vị này như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tỷ lệ giải ngân 13,3%), Bộ Ngoại giao (5,1%), Bộ Y tế (16%), Ngân hàng Nhà nước (5,8%), Ủy ban Dân tộc (61%), Thông tấn xã Việt Nam (8,5%), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (4,5%), Hà Nội (33,4%), TP. Hồ Chí Minh (26%), Đà Nẵng (24,7%), Bình Dương (20,9%), Bình Phước (28,1%), Tây Ninh (22,9%).

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, bên cạnh việc gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP, việc giải ngân chậm sẽ khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân.

“Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% GDP, chạm mức trần 65% Quốc hội đề ra. Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá… sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế. Việc huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ xong rồi không “tiêu” được, “chậm tiêu”, nằm lại ở ngân hàng là “luẩn quẩn”, báo cáo của Tổ công tác nêu rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và giao Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 13 bộ, cơ quan về giải ngân vốn đầu tư công

Do đó, Bộ trưởng Dũng chuyển lời phê bình của Thủ tướng tới các bộ, cơ quan, địa phương có vốn giải ngân chậm. “Thủ tướng rất gắt gao, liên tục nhắc tôi chuyển lời phê bình tới Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng của 13 đơn vị hôm nay”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể. Cùng với đó là vấn đề thủ tục, năng lực đơn vị thi công, các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

“Thậm chí Thủ tướng nói có hiện tượng (sau này sẽ kiểm tra) đó là đẩy tiến độ giải ngân lên rồi ứng vốn lấy tiền gửi ngân hàng, tức là tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền không vào đầu tư phát triển. Tất nhiên các bộ, ngành không có, vì nếu có thì tỷ lệ giải ngân đã tăng lên, nhưng có cái mẹo như vậy, hôm nay công khai, minh bạch, kiểm tra, nếu có thì không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Cùng với đó, có những đơn vị đã hoàn thành khối lượng rất lớn nhưng rất khắt khe trong ứng tiền, thanh toán, “chỉ có chúng ta với chúng ta thôi nhưng không ứng được”. Có những đơn vị không làm theo đúng quy định trong Luật Đầu tư công, phải lập dự án từ tháng 10.2016 nhưng tới tháng 5-6.2017 mới lập. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các bất cập, vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đề xuất điều chỉnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, trong đó có 13 đơn vị hôm nay, phải có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân quyết liệt. Nếu năng lực nhà thầu thi công không đáp ứng được thì thay thế nhà thầu. Nếu bộ phận cán bộ theo dõi năng lực không tốt hoặc có vướng mắc thì sắp xếp, thay thế cán bộ. Nếu do mặt bằng thì phải trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng.

“Tinh thần là thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, “không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục của chúng ta, do không chỉ đạo quyết liệt”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nếu tới tháng 10 này các đơn vị không giải ngân kịp thì Thủ tướng bắt buộc phải điều chuyển vốn. Trong năm 2016, một số bộ, ngành địa phương đã giải ngân chậm và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng xem xét rất kỹ khi giao vốn năm nay.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các đơn vị dự buổi kiểm tra giải trình rõ nguyên nhân chậm trễ, cam kết chịu trách nhiệm nếu tiếp tục giải ngân chậm. Còn nếu chậm trễ do thủ tục thì cũng báo cáo để các bộ, ngành giải quyết.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng bày tỏ: “Với những cán bộ gây vướng mắc, cứ đưa xuống địa phương làm thì mới hiểu thế nào là khổ chứ cứ ngồi phòng lạnh mà vẽ thủ tục, chỉ làm chậm đà tiến chung”.

Hoài Phong
Bài liên quan
TP.HCM tiếp tục hối thúc giải ngân đầu tư công
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, quận huyện, các ban quản lý dự án đôn đốc thực hiện đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng bị Thủ tướng phê bình vì chậm giải ngân vốn