Hàng loạt chính sách mới về thuế phí, công chức bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12.2021.

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12

Tuyết Nhung | 01/12/2021, 06:40

Hàng loạt chính sách mới về thuế phí, công chức bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12.2021.

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển... là hai trong số những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12.2021.

Ô tô sản xuất trong nước giảm 50% lệ phí trước bạ

Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, từ ngày 1.12 năm nay đến ngày 31.5 năm sau, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1.6.2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.

Đơn cử, theo quy định hiện tại thì mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.

Người gửi tiền nhận bảo hiểm đến 125 triệu đồng

Từ ngày 12.12.2021, Quyết định 32 về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Trong đó, tại Điều 3 quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng. Trước đó, theo Quyết định 21, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Nới điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 31 về tiêu chuẩn,điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Cụ thể, một trong những điều kiện để viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 là:

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02. (Trong khi đó, quy định hiện hành yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi/xét).

Bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng viên chức hạng IV

Từ ngày 15.12.2021, Thông tư 92 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực thi hành. Theo đó, bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV như sau:

- Dưới 100 thí sinh là 700.000 đồng/thí sinh/lần.

- Từ 100 - 500 thí sinh là 600.000 đồng/thí sinh/lần.

- Từ 500 thí sinh trở lên là 500.000 đồng/thí sinh/lần.

Việc bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV là phù hợp. Vì trước đó tại Nghị định 115 đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V, dẫn đến trường hợp viên chức hạng V có nhu cầu thi thăng hạng lên hạng IV.

Bỏ bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức

Nghị định 89 của Chính phủ có hiệu lực từ 10.12.2021, sửa đổi Nghị định 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. Như vậy, so với Nghị định 101 hiện hành sẽ không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức đối với các trường hợp còn lại được giữ nguyên so với hiện hành.

Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 18 quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển 6 hải lý và vùng biển liên vùng. Theo đó, mức thu tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm là 20.000 đồng/m3.

Mức thu tiền sử dụng khu vực biển để làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoáng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Mức thu tiền sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển; sử dụng khu vực biển để xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện; sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá; sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác: 7.500.000 đồng/ha/năm.

Đối với những hoạt động chưa có quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển theo quy định trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 3.000.000 đồng/ha/năm và không cao hơn 7.500.000 đồng/ha/năm.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15.12.2021 và có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30.3.2026.

Bài liên quan
Tài xế Go-Viet đình công phản đối chính sách mới
Hàng loạt tài xế hãng xe Go-Viet đã đổ về trụ sở tại Q.3 (TP.HCM) để đình công phản đối chính sách điểm thưởng mới mà hãng này vừa thông báo thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12