Những ngày qua, nhiều cửa hàng xăng dầu ở miền Tây đồng loạt đóng cửa, gây xôn xao dư luận.

Nhiều cây xăng đóng cửa: Xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng

Tuyết Nhung | 09/02/2022, 19:30

Những ngày qua, nhiều cửa hàng xăng dầu ở miền Tây đồng loạt đóng cửa, gây xôn xao dư luận.

Nhiều cây xăng đóng cửa

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tại An Giang, nhiều cây xăng trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Phú Tân, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú và huyện An Phú tạm ngừng hoạt động. Những đơn vị này đã xin phép trước với các ngành chức năng.

xang-dau.jpg
Nhiều cây xăng trên địa bàn An Giang bị kiểm tra - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Cụ thể, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, lực lượng Quản lý thị trường ghi nhận 7 trường hợp cửa hàng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động, gồm: 4 cửa hàng xăng dầu Trung Thắng (đến ngày 7.2 đã hoạt động lại 1 cửa hàng, còn 3 cửa hàng đóng cửa); 1 cửa hàng xăng dầu Thoại Giang; 1 cửa hàng xăng dầu thuộc Xà lang xăng dầu Năm Mới (đến ngày 7.2 đã hoạt động lại); 1 cửa hàng xăng dầu Trương Anh Kiệt.

Nguyên nhân những cửa hàng này tạm ngưng hoạt động là do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (thuộc hệ thống PVOil).

Trên địa bàn huyện Phú Tân có 5 trường hợp ngưng hoạt động gồm: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Nguyễn Văn Việt - thị trấn Chợ Vàm, DNTN xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ, DNTN xăng dầu Trần Thanh Bởi - thị trấn Phú Mỹ, DNTN xăng dầu Kim Hồng I - xã Hiệp Xương ngưng hoạt động vì sang nhượng cửa hàng. Cửa hàng dầu khí An Giang số 6 - Công ty TNHH MTV DV TM Vạn Vạn Phúc - xã Phú An ngưng hoạt động từ ngày 2.2.2022 đến nay. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đề nghị UBND xã Phú An lập biên bản hiện trạng, sau Tết Nguyên đán mời chủ doanh nghiệp làm việc.

Trên địa bàn huyện Châu Thành ghi nhận 5 trường hợp ngưng hoạt động gồm: Thanh Long 2, Bảy Mẫn, Út Tuyết, Nguyễn Văn Đến, Cửa hàng xăng dầu số 20 Út Rô với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Được biết, tất cả đều thuộc hệ thống PVOil. Trước đó, PVoil đã gửi thông báo cho đại lý với nội dung: “Kính gửi quý khách hàng! Do tàu xăng dầu không về kịp, Kho An Giang dừng cung cấp xăng 95 cho đến khi có thông báo mới, dầu Do và E5 vẫn cung cấp bình thường”.

Trên địa bàn huyện Châu Phú, lực lượng Quản lý thị trường An Giang ghi nhận 1 trường hợp ngưng hoạt động đó là Hộ kinh doanh xăng dầu Nguyễn Văn Que - thuộc hệ thống Petrolimex An Giang với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời.

Trên địa bàn huyện An Phú ghi nhận 5 trường hợp ngưng hoạt động gồm: 4 cửa hàng xăng dầu (Kim Lợi, Hồng Lợi, Hai Khanh, Cáo Hóa) thuộc hệ thống Công ty Trương Phát Thịnh (PVOil). Lý do: hết xăng, công ty hẹn chiều ngày 7.2 giao xăng; 1 cửa hàng xăng dầu (Trương Vũ) thuộc hệ thống Công ty xăng dầu Cửu Long (Petimex). Lý do đóng cửa là do nhân viên bị nhiễm COVID-19. Hiện nay đã hoạt động bình thường.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường. "Tất cả trường hợp vi phạm sẽ được chúng tôi nghiêm túc xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Hồ khẳng định.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh An Giang có 10 doanh nghiệp đầu mối, 7 doanh nghiệp là tổng đại lý, 9 doanh nghiệp là tổng đại lý ngoài tỉnh và 489 vửa hàng xăng dầu.

Trong thời gian qua, tình hình thị trường xăng dầu có nhiều biến động, trên địa bàn cả nước có tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu ngưng bán, găm hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết.

Nguyên nhân là gì?

Không chỉ An Giang, nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu tại Sóc Trăng, Đắk Nông, Long An, Cần Thơ... cũng đồng loạt treo biển hết hàng. Nhiều đơn vị cho biết là do mức chiết khấu xăng dầu xuống quá thấp khiến các đại lý bị lỗ.

Ngoài chiết khấu thấp, các đại lý, cửa hàng xăng dầu cho biết, nguồn cung cũng khan hiếm khi Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu chiếm khoảng 35% thị phần trong nước cắt giảm sản lượng.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu trên thị trường giảm còn do Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, từ đầu năm 2022, yêu cầu dự trữ bắt buộc với thương nhân đầu mối giảm xuống còn 20 ngày thay vì 30 ngày. Vì vậy, khi nguồn cung ứng giảm đột ngột, nhập khẩu mất thêm thời gian vận chuyển hàng về, nguồn hàng dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ đủ cung cấp ra thị trường khoảng 10 ngày.

Theo đó, các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm làm rõ bất cập của thị trường hiện nay, cũng như công bố rõ lượng tồn kho của doanh nghiệp đầu mối, kế hoạch đảm bảo nguồn hàng của họ, để doanh nghiệp phân phối có định hướng, kế hoạch kinh doanh rõ ràng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công Thương tuyệt đối không để thiếu xăng, dầu trong mọi hoàn cảnh. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý xăng dầu; có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn nguồn cung trong nước và nhập khẩu.

Trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Để tránh tình trạng găm hàng, lực lượng quản lý thị trường các địa phương cho biết hiện đang tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cửa hàng cố tình không bán xăng khi trong kho vẫn còn hàng.

Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tổng cộng 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải tổ chức kiểm tra đột xuất, xác minh làm rõ các nội dung, tình tiết liên quan và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.

Cục Quản lý thị trường Hà Giang vừa tiến hành kiểm tra, giám sát tổng cộng 11/11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Đội quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

"Ngày hôm nay (9.2), Đội Quản lý thị trường số 1 đã triển khai thực hiện việc giám sát, nắm bắt tình hình tại tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.Hà Giang và huyện Bắc Mê. Qua quá trình giám sát, đội đã kết hợp thực hiện tuyên truyền tới chủ, đại diện cửa hàng kinh doanh xăng dầu về việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và không găm hàng, đầu cơ hàng hóa trong quá trình kinh doanh", lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Giang cho hay.

Bài liên quan
Giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại
Từ 15 giờ chiều nay (25.12), giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 468 đồng/lít lên 22.550 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 494 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều cây xăng đóng cửa: Xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng