Từ tháng 9.2022, hàng chục bộ, cơ quan trung ương, địa phương có văn bản xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân.

Nhiều bộ ngành, địa phương không tiêu hết tiền, xin trả lại nghìn tỉ vốn đầu tư công

Lam Thanh | 22/10/2022, 12:21

Từ tháng 9.2022, hàng chục bộ, cơ quan trung ương, địa phương có văn bản xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội "về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023", cho thấy tiến độ giải ngân đang chậm, và hàng chục bộ ngành, địa phương xin trả lại hàng nghìn tỉ vốn đầu tư công do không có khả năng giải ngân.

Theo đó, giải ngân đầu tư công 9 tháng của cả nước đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 47,38%); trong đó vốn trong nước đạt 48,6% (cùng kỳ năm 2021 là 51,74%), vốn nước ngoài đạt 19,03% (cùng kỳ năm 2021 là 12,69%).

Báo cáo của Chính phủ nhận định, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công, nhất là những tháng đầu năm đã kéo dài trong nhiều năm, chuyển biến chưa đáng kể, nhất là các dự án sử dụng ODA.

Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội lưu ý tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân.

Theo đó, đã có hàng loạt tỉnh thành, bộ ngành trung ương đã có ‘đơn’ xin trả lại, xin giảm kế hoạch đầu tư vốn… với tổng số vốn lên đến cả chục nghìn tỉ đồng. Trong đó, có đơn vị xin giảm hơn hơn 2.000 tỉ đồng, có nơi xin trả lại số vốn tương đương hơn 90% kế hoạch được giao.

Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị trả lại 173 tỉ đồng, tương đương 26% kế hoạch được giao; Ủy ban Dân tộc đề nghị trả lại 52 tỉ đồng, tương đương 97,6% kế hoạch được giao.

dau-tuc-cong.jpg
Nhiều bộ ngành, địa phương xin trả lại chục nghìn tỉ vốn đầu tư công

Bộ Y tế đã có công văn xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 là 536 tỉ đồng, Bộ GD-ĐT đề nghị giảm 589 tỉ đồng; Bộ Xây dựng đề nghị giảm 167 tỉ đồng; Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị giảm 141 tỉ đồng; Bộ Ngoại giao đề nghị giảm 391,6 tỉ đồng. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị điều chỉnh giảm 98 tỉ đồng nguồn vốn ODA; tỉnh Khánh Hòa kiến nghị điều chỉnh giảm 171 tỉ đồng.

Đáng chú ý, TP.Hà Nội đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2.217 tỉ đồng do các dự án ODA nhiều khó khăn, vướng mắc, không giải ngân được trong năm 2022. Tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch 1.827 tỉ đồng bao gồm: vốn ODA 27 tỉ đồng, 1.800 tỉ đồng từ nguồn thu sử dụng đất. TP.Cần Thơ kiến nghị điều chỉnh giảm 1.450 tỉ đồng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị giảm 2.248 tỉ đồng…

Trước tình trạng này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin “trả lại” kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 do không có khả năng giải ngân; tổng hợp số liệu cụ thể, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN), giảm bội chi NSNN tương ứng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

“Tránh trường hợp Chính phủ trình tăng bội chi NSNN năm 2022, trong khi vốn đầu tư công không giải ngân được, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm lại chưa được tổng hợp kịp thời để đánh giá số liệu chi NSNN, bội chi NSNN sát thực tế hơn”, Ủy ban nêu.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiến hành đánh giá, tổng hợp số liệu thực hiện vốn ODA và có giải pháp đối với tình trạng giảm kế hoạch vốn từ nguồn này.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải bảo đảm phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công và khả năng giải ngân thực tế; bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, trong đó tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều bộ ngành, địa phương không tiêu hết tiền, xin trả lại nghìn tỉ vốn đầu tư công