Nhiệt độ tăng trung bình của Trái đất vượt qua 1,5°C so với thời tiền công nghiệp có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Mọi thứ sau đó sẽ thế nào?
Kiến thức - Học thuật

Nhiệt độ tăng thêm quá mốc 1,5°C, Trái đất sẽ ra sao?

Anh Tú07/12/2023 11:52

Nhiệt độ tăng trung bình của Trái đất vượt qua 1,5°C so với thời tiền công nghiệp có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Mọi thứ sau đó sẽ thế nào?

Với việc khắp nơi trên thế giới đang quay cuồng trong năm nay vì những thảm họa thời tiết chưa từng xuất hiện trong lịch sử, các quốc gia chịu áp lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với việc phải hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2018, một nhóm các nhà khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một báo cáo đặc biệt xem xét sự khác biệt giữa việc duy trì sự tăng nhiệt độ dưới 2°C và dưới 1,5°C. Họ phát hiện ra rằng mỗi phần nhỏ của sự nóng lên đều gây thêm hậu quả bất lợi cho hành tinh. Ngược lại, bất kỳ việc nào làm giảm nhiệt độ nóng lên cũng mang lại lợi ích cho nhân loại. Vì vậy, 1,5°C không chỉ là ngưỡng hay điểm bùng phát đối với Trái đất mà là mục tiêu thực tế đối với mỗi quốc gia.

Nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng mực nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt đã ý thức được hậu quả của sự biến đổi khí hậu này. Áp lực của họ lên cộng đồng quốc tế hiện đã biến mốc 1,5°C thành lời kêu gọi đoàn kết và hành động khẩn thiết.

Để giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không tăng quá 1,5°C vào năm 2100, thì ngay năm 2030, thế giới cần cắt giảm 43% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 2019. Tuy nhiên, ngay cả khi tính đến các cam kết trên giấy tờ mà thế giới đạt được hiện giờ, lượng khí thải toàn cầu vẫn có xu hướng tăng trong những năm tới. Đối với các nhà đàm phán về khí hậu, điều đó đặt ra một câu hỏi khó chịu: Việc duy trì mục tiêu này còn có ích gì nếu hầu hết các dấu hiệu cho thấy thế giới sẽ phớt lờ nó?

Việc đặt mục tiêu về biến đổi khí hậu luôn gây tranh cãi. Các quốc gia bị đe dọa do mực nước biển dâng cao muốn thiết lập "mức trần nhiệt nóng lên" thấp hơn so với các quốc gia phụ thuộc vào việc bán nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, còn có một sự bất công cơ bản đằng sau biến đổi khí hậu, đó là các quốc gia gây ra ít vấn đề nhất lại thường nằm trong số những quốc gia phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất.

Kể từ những năm 1970, các nhà khoa học và kinh tế học đã cố gắng tìm ra kết luận một cách khách quan nhất về mức độ nóng lên mà nhân loại có thể chịu đựng được. Nhìn vào lịch sử loài người trước cách mạng công nghiệp, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiệt độ của hành tinh này thay đổi nhưng chỉ trong một phạm vi hẹp nên họ không thể đưa ra một con số cụ thể mang tính thuyết phục cao cho tất cả.

Nhà kinh tế học William Nordhaus năm 1975 đã dự đoán: “Nếu nhiệt độ toàn cầu cao hơn nhiệt độ trung bình hiện tại hơn 2 hoặc 3°C, điều này sẽ khiến khí hậu nằm ngoài phạm vi vài trăm nghìn năm qua mà chúng ta đã quan sát”. Ông Nordhaus khi đó cũng lưu ý rằng có mối liên hệ giữa chi phí để kiểm soát biến đổi khí hậu, lợi nhuận từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những thiệt hại do hiện tượng nóng lên. Những điều tiên đoán đó hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay.

Để đạt được mục tiêu về khí hậu thì chúng ta phải cân bằng những sự đánh đổi này, cũng như dự đoán các yếu tố khác như tiến bộ trong công nghệ. Do vậy, đối với các nhà đàm phán về khí hậu, việc đưa ra một con số có thể bào chữa và chấp nhận được vẫn là một quá trình khó khăn. Sau nhiều thập niên phân tích và tranh cãi, thỏa thuận chung Copenhagen năm 2009 đã tạm đưa ra con số 2°C, rồi ngưỡng đó được điều chỉnh thành 1,5°C trong Thỏa thuận chung Paris 2015.

Nhưng ngay cả vào thời điểm có Thỏa thuận chung Paris, việc duy trì mức nhiệt độ tăng ở mức dưới 2°C là một chặng đường dài. Tám năm sau, với lượng khí thải toàn cầu vẫn tăng, kiểm soát mức tăng dưới 1,5°C gần như là không thể. James Hansen, nhà khoa học khí hậu của NASA trước đây cảnh báo: “1,5°C còn chập chờn hơn cả cái móc cửa hỏng và bất kỳ ai hiểu về vật lý đều biết điều đó”.

Mọi kịch bản được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC đưa ra trong báo cáo gần đây nhất đều cho thấy thế giới nhiều khả năng sẽ vượt mốc tăng 1,5°C. Dự báo lạc quan nhất là cuối cùng thế giới sẽ giảm xuống dưới mức giới hạn khi các “bể chứa carbon” tự nhiên hấp thụ khí thải và các công nghệ như thu giữ carbon dioxide trực tiếp từ không khí đi vào hoạt động.

Rachel Kyte, cố vấn cho các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 cho biết “Chúng ta đang cạn kiệt “ngân sách” carbon (khối lượng carbon có thể thải vào khí quyển để đảm bảo mục tiêu nhiệt độ tăng dưới 1,5°C) rất nhanh. Càng ngày càng có nhiều khả năng là chúng ta không thể đạt được mục tiêu 1,5°C. Chúng ta sẽ đi quá giới hạn rồi phải tìm cách quay trở lại”.

Nhưng Kyte lưu ý rằng đối với tất cả các cuộc thảo luận về nhiệt độ cụ thể, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu sẽ không bị mất đi nếu hành tinh của chúng ta thực sự nóng lên trên 1,5°C. Mỗi phần nhỏ của sự nóng lên mà chúng ta bớt được đều có lợi về lâu dài, mà việc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn và giảm ô nhiễm có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức.

Công thức cơ bản để hạn chế biến đổi khí hậu cũng giống như trong dự báo của Nordhaus vào năm 1975: giảm phát thải khí nhà kính, loại bỏ tác động của hiện tượng nóng lên và loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển. Tin tốt là chưa bao giờ có nhiều cách thức, phương tiện để hạn chế lượng khí thải như lúc này và chúng ngày càng rẻ hơn, tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiệt độ tăng thêm quá mốc 1,5°C, Trái đất sẽ ra sao?