Là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh thành công nhất thế giới, George Platt Lynes lại có chuyện đời đượm buồn. Phải giấu kín giới tính thật lúc sinh thời, nay, ‘huyền thoại’ về ông được gợi nhớ qua một series ảnh khỏa thân chưa từng công bố. Lynes đã gìn giữ chuỗi tác phẩm đặc biệt này như thứ ‘di sản’ nghệ thuật quý giá dẫu cũng đầy ngậm ngùi.

Nhiếp ảnh gia đồng tính George Platt Lynes: một ‘huyền thoại’ bị lãng quên

nhu y | 17/02/2019, 07:45

Là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh thành công nhất thế giới, George Platt Lynes lại có chuyện đời đượm buồn. Phải giấu kín giới tính thật lúc sinh thời, nay, ‘huyền thoại’ về ông được gợi nhớ qua một series ảnh khỏa thân chưa từng công bố. Lynes đã gìn giữ chuỗi tác phẩm đặc biệt này như thứ ‘di sản’ nghệ thuật quý giá dẫu cũng đầy ngậm ngùi.

Từ cuối thập niên 1920 đến tận khi qua đời năm 1955, George Platt Lynes được biết đến như cái tên tiên phong xuất chúng của bộ môn nhiếp ảnh nói riêng lẫn nghệ thuật đương đại nói chung.

Tác phẩm của ông xuất hiện tại sự kiện triển lãm ảnh đầu tiên của bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (MoMA) diễn ra năm 1932. Bên cạnh đó, Lynes từng tổ chức show trưng bày ở gallery mỹ thuật Julien Levy danh giá bậc nhất New York. Ảnh ông chụp có thời tràn ngập nơi nhiều tạp chí thời trang hàng đầu như Vogue và Bazaar.

Đáng nhớ hơn hết là bộ sưu tập ảnh vũ công trẻ ở trường múa ballet Hoa Kỳ, cùng chân dung không ít nhân vật văn hóa nổi tiếng do Lynes thực hiện. Những dự án tiếng tăm sử dụng kĩ thuật dựng - chụp táo bạo, đột phá, đã góp phần định hình nên kỉ nguyên nhiếp ảnh hiện đại.

Nghệ sĩ múa Jean Babilee, với tạo hình trong vở ballet kinh điển ‘L’Amour et son Amour’. Năm 1951.

Thế nhưng, dự án quan trọng nhất riêng với Lynes là một bộ sưu tập ảnh khỏa thân nam - thứ ông từng cất giữ như bí mật thú vị. Suốt quảng đời hoạt động nghệ thuật, cả bạn bè thân thuộc của Lynes đều không hay biết về những bức ảnh.

Vì xu hướng kỳ thị cộng đồng LGBT công khai lúc bấy giờ tại Hoa Kỳ, đi cùng bộ luật hình sự cấm đoán gắt gao hành vi tính dục đồng giới, Lynes - vốn là người đồng tính - phải chấp nhận giấu kín bộ sưu tập ảnh nude.

Những bức ảnh lôi cuốn, đa sắc thái ấy, tuy nhiên, lại giúp tạo dựng tình bạn đẹp giữa nhiếp ảnh gia và tiến sĩ Alfred C.Kinsey, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Giới tính, sau đổi tên thành Viện nghiên cứu Kinsey, trực thuộc đại học bang Indiana (thành phố Bloomington, Indiana, miền tây nước Mỹ). Trước lúc qua đời, Lynes gửi tặng 2,300 phim âm bản cùng 600 ảnh hoàn chỉnh đến Viện nghiên cứu.

Số tác phẩm trên là tâm điểm của một triển lãm đặc sắc hiện diễn ra ở bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis (thành phố Indianapolis, Indiana), tên gọi “Sensual/Sexual/Social: The Photogrphapy of George Platt Lynes” - kéo dài từ ngày 30.9.2018 đến 24.2.2019.

Triển lãm bao gồm một số ảnh khỏa thân gợi cảm chưa từng được giới thiệu, thuộc series bí mật của Lynes. Chúng là ‘chứng nhân’ ghi dấu một giai đoạn lịch sử nghệ thuật cũng như văn hóa Mỹ, khi rất nhiều nghệ sĩ đồng tính phải không ngừng chống chọi định kiến xã hội để nỗ lực tìm lấy sự tự do thể nghiệm.

Bứt phá bằng nhiếp ảnh

Lynes sinh năm 1907 tại New Jersey. Ông theo học trung học Berkshire tại Massachusetts, tốt nghiệp năm 1925.

Thời niên thiếu, Lynes đã có đam mê chụp ảnh nhưng mơ ước ban đầu của ông là trở thành văn sĩ. Vừa khởi nghiệp, ông xuất bản một tạp chí văn chương nhỏ và mở hiệu sách ở quê nhà New Jersey. Kinh doanh không mấy phát đạt, do đó, khi bất ngờ thừa hưởng vài thiết bị chụp ảnh từ một người bạn, Lynes quyết định nghiêm túc thử sức với việc cầm máy.

Trong nhóm bạn học ở Berkshire, Lynes quen biết ông bầu nghệ thuật Lincoln Kirstein, người lúc bấy giờ vừa tham gia đồng sáng lập Trường múa ballet Hoa Kỳ, tiền thân của trường đào tạo ballet New York nổi tiếng ngày nay. Gặp lại nhau, Kirstein lập tức đề nghị Lynes chụp ảnh quảng bá cho ngôi trường mới, một công việc ông đã gắn bó suốt 20 năm tiếp theo. Đó đồng thời là bước đệm để nhiếp ảnh gia người Mỹ xây dựng sự nghiệp.

Trái ngược hầu hết nghệ sĩ nhiếp ảnh đương thời, vốn chỉ tập trung chụp lại hình ảnh vũ công trong những buổi luyện tập hoặc trình diễn, Lynes chọn bối cảnh chụp đời thường, phía sau tấm màn sân khấu. Ông muốn người xem tập trung vào nét phản chiếu sáng tối trên khung ảnh, hòa quyện với vẻ uyển chuyển của cơ thể người diễn viên ballet. Kết quả, Lynes đã tạo ra nhiều sáng tác cho đến nay vẫn được đánh giá như những tác phẩm ảnh về ballet xuất sắc nhất từng có.

Biên đạo múa George Balanchine, ‘cha đẻ’ của nghệ thuật ballet ở Mỹ, người góp công lớn cống hiến cho trường múa ballet New York, viết về Lynes sau ngày ông qua đời, “Tôi xem Lynes là bậc thầy nhiếp ảnh với khả năng nắm bắt chất truyền cảm của vũ đạo ballet không giống bất kì ai khác. Những bức ảnh của ông là thứ tôi muốn trân trọng lưu giữ để truyền bá tới hàng trăm năm nữa".

Ảnh thương mại, tiêu biểu như ảnh thời trang, do Lynes thực hiện được đánh giá cao không kém. Ông bắt đầu nhận cộng tác với một số tạp chí thời trang từ năm 1933 để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, kỹ năng sáng tạo đa dạng trong phong cách dựng nền, chỉnh sáng, giúp Lynes tạo ra những shot ảnh cuốn hút lạ lẫm, và khiến ông dần trở thành đề cử được ‘săn đón’ trong giới thời trang - giải trí.

Lấy cảm hứng từ trường phái mỹ thuật siêu thực, trước ống kính, Lynes yêu thích đặt cạnh nhau những món vật, ý tưởng thoạt trông không hề ‘ăn khớp’ tuy nhiên lại mang đến ấn tượng giao hòa độc đáo khi ngắm nhìn tổng thể.

Tennessee Williams. Năm 1944.

Với lối sống bận rộn, sôi động, Lynes kết giao và từng chụp chân dung cho khá nhiều nhân vật văn hóa, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lan tỏa tại Hoa Kỳ thời bấy giờ, bao gồm biên kịch xuất chúng Tennessee Williams, họa sĩ kỳ tài Marc Chagall, nhà soạn nhạc Igor Stravinsky,..

Đam mê chôn giấu

Giữa tất cả thành công kể trên, dự án Lynes âm thầm phát triển và say mê lại là chuỗi ảnh khỏa thân nam.

Người mẫu qua ống kính của Lynes mang dấn ấn kế thừa nét đẹp nam tính cổ điển ở nghệ thuật Hy Lạp, biểu hiện nơi hình thể rắn rỏi và tư thế tạo dáng thuần túy mỹ học. Dẫu vậy, những bức ảnh không thiếu đi cảm nhận mềm mại và thu hút, một nhân tố mới mẻ thời bấy giờ khi nhắc đến sự gợi cảm đồng tính ái.

Nhân vật trước ống kính được Lynes chọn lựa thường là bạn bè, một số là nhân tình và trợ lý studio. Số khác là những người mẫu chuyên nghiệp.

Chụp ảnh khỏa thân nam giữa giai đoạn đầu thế kỉ 20, Lynes lẫn nhóm người mẫu của ông phải chấp nhận đối diện rủi ro không nhỏ, từ rắc rối pháp luật đến nguy cơ bị kỳ thị.

Nghệ sĩ múa Ralph McWilliams. Năm 1952.

Thế nhưng, bất kể thời cuộc, rào cản, với Lynes, đây là series ảnh ông rất mực yêu thích.

“Tôi tạo ra tác phẩm tuyệt vời nhất khi tôi làm việc hoàn toàn vì đam mê, khi không ai trả tiền để tôi cầm máy, khi tôi có thể tự do sáng tạo, khi tôi gặp gỡ những người mẫu khiến tôi hào hứng cộng tác,” Lynes viết trong một lá thư gửi nhà báo Monroe Wheeler năm 1948.

Mối duyên từ những bức ảnh

Cuối thập niên 1940, tiến sĩ Alfred Kinsey vừa phát hành tựa sách nghiên cứu giới tính “Sexual Behavior in the Human Male”. Sau đó ông tiếp tục bận rộn tìm kiếm, sưu tầm nhiều tài liệu, tác phẩm nghệ thuật đương thời phản ánh chủ đề tính dục.

Kinsey lần đầu biết đến Lynes thông qua nhà văn Glenway Westcott, một nhân tình và bạn tâm giao của nhiếp ảnh gia. Nghe Kinsey đề cập dự án nghiên cứu giới tính, Westcott gợi ý ngay về Lynes.

‘Một người mẫu vô danh’. Năm 1937.

Kinsey liên lạc, trao đổi cùng Lynes thông tin xoay quanh những bức ảnh, và từ đó, họ duy trì một tình bạn khắn khít. Lynes biết ơn Kinsey vì nỗ lực tích cực ‘bình thường hóa’ cách biệt giới tính thông qua nghiên cứu về hành vi tính dục. Ông thậm chí thấy phấn khởi khi được đóng góp một phần cho mục tiêu trên.

Luật bưu chính Comstock, nghiêm cấm chuyển phát bưu phẩm có nội dung ‘nhạy cảm’ trong phạm vi nội địa Hoa Kỳ, bấy giờ vẫn còn hiệu lực. Thế nên, hòng tránh phiền hà, Kinsey đôi lúc đích thân tìm tới New York, nơi Lynes sống, để trao tay tài liệu nghiên cứu và thảo luận những bức ảnh liên quan.

Khi Lynes được chẩn đoán mắc ung thư phổi năm 1955, ông đắn đo nghĩ về di sản nghệ thuật của chính ông. Lynes hủy một số phim âm bản và ảnh chụp thương mại ngay sau đó. Thứ duy nhất ông muốn gìn giữ là bộ sưu tập ảnh nude ông hoàn thành trong bí mật.

Kinsey đề xuất với Lynes về viện nghiên cứu giới tính, như một địa chỉ an toàn cho việc lưu trữ tác phẩm. Nhiếp ảnh gia chỉ đưa ra một điều kiện: danh tính toàn bộ nhóm người mẫu nam khỏa thân phải được giữ kín để đảm bảo họ không vướng phải bất kì hệ quả bất lợi nào trong tương lai. Kinsey đồng ý.

Ngày nay, viện nghiên cứu mang tên ông là nơi duy nhất lưu giữ trọn vẹn số tác phẩm ảnh nude đặc biệt của Lynes.

Ở khía cạnh nghệ thuật nhiếp ảnh, Lynes là bậc thầy tiên phong trong sử dụng sáng tạo nguồn sáng, không gian lẫn chủ thể chụp. Những ai xuất hiện trước ống kính của ông đều trở thành tâm điểm cuốn hút mắt nhìn. Thể hiện chủ thể tác phẩm với đầy đủ ấn tượng thanh nhã, mềm mại và bao dung - chính là thế mạnh cũng như nền tảng giúp làm nên ‘huyền thoại’ về ông.

Dẫu danh tiếng đôi phần mờ nhạt theo năm tháng, không chuyên gia nhiếp ảnh nào có thể bác bỏ sức hút - vị trí George Lynes tạo dựng trong lịch sử nhiếp ảnh. Nhờ viện nghiên cứu Kinsey và chuỗi sự kiện triển lãm ảnh quý hiếm tại bảo tàng nghệ thuật Indianapolis, những tác phẩm, nhất là series ảnh nude đặc biệt của ông sẽ được đón nhận chân thật, cởi mở hơn. Một cách để nhiếp ảnh gia người Mỹ ‘hoàn thiện’ đúng nghĩa khối di sản nghệ thuật đẹp nhất.

Như Ý (nguồn: The Conversation, Artsy)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiếp ảnh gia đồng tính George Platt Lynes: một ‘huyền thoại’ bị lãng quên