Ở xứ sở của điệu Tango mà không đi xem Tango là một thiếu sót lớn. Thế nên, bỏ qua sức hấp dẫn của một tour ngắm Buenos Aires từ trên cao trong đêm, tối cuối cùng tôi đi xem Tango Show.
Thể loại khiêu vũ kết hợp âm nhạc này có nguồn gốc từ những điệu nhảy của những người nô lệ gốc Phi vào cuối thế kỷ 19 từ vùng ngoại ô Buenos Aires. Sau đó Tango sớm phổ biến trong mọi cộng đồng, tới châu Âu vào đầu thế kỷ 20, rồi lan sang Mỹ với nhiều biến tấu từ điệu Tango Criollo nguyên thuỷ của Argentina.
Show Tango đêm ấy không dài, nhưng giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về xứ sở này. Bằng cách nào ư? Bằng ngôn ngữ cơ thể và những giai điệu. Âm nhạc luôn là sứ giả tài tình nhất, chạm vào trái tim ta một cách trực tiếp nhất, làm ta tan chảy hoặc… “falling in love”. Như cách tôi đã “ngã vào tình yêu” với Buenos Aires qua Café Tortoni, qua những giai điệu và vũ điệu Tango đêm đó. Cái thứ nhạc mê hoặc ấy chất chứa hoài niệm, ngập tràn cảm xúc, đầy kịch tính mà vẫn gợi cảm và cũng có gì hơi sên sến một cách dễ thương. Tango chính là tâm hồn của Argentina.
Những vũ điệu hôm ấy đưa tôi từ cung bậc này sang cung bậc khác của cảm xúc. Khi thì dồn nén, đau thương - nhớ về những nốt trầm trong đời người, khi thì mênh mang, phóng khoáng, rộn rã vui tươi – như những phút giây hạnh phúc trong đời. Điệu Tango đã từ Buenos Aires bôn ba khắp nơi trên thế giới, để giờ đây khi trở về trên sân khấu nhỏ ở quê hương, nó đã thể hiện hết chất phóng khoáng và pha trộn của mình.
Có những vũ điệu đặc trưng của Tango Argentina khi người “dẫn” đưa người “theo” trong tư thế “ đóng”- ngực kề ngực, thật gần. Cũng có những vũ điệu là sự pha trộn với Tango Pháp, Tango Bắc Mỹ, khi người “dẫn” đưa người “theo” trong tư thế “mở”. Âm nhạc cũng đôi khi trộn lẫn âm hưởng của Tango với chất Jazz hay Blue. Nhưng dù cho đó là gì, tôi vẫn luôn thấy trong Tango Argentina, trong cả vũ điệu lẫn âm nhạc, một sự ve vuốt đầy ngọt ngào, một ngôn ngữ của tình yêu.
Và… “Ta sẽ yêu nhau. Ta sẽ nhảy. Ôi, đó là đời !” Así son las cosas!
Ba ngày lang thang tại Buenos Aires thực sự quá ngắn để có thể hiểu về một nơi chốn chứ đừng nói gì là đủ để cảm nhận thật sâu như hằng mong muốn. Hơn thế nữa, các chuyến đi đã dạy tôi rằng: Cần phải đi chậm, càng chậm càng tốt. Đi chậm là điều kiện “cần” để bạn có thể đi sâu. Còn đi sâu tới đâu lại phụ thuộc vào bạn, là điều kiện “đủ”. Vậy nên, dẫu đầy tiếc nuối, dẫu đã “ bổ nhào vào tình yêu” với Buenos Aires theo một cách đầy bất ngờ với chính mình, nhưng tôi vẫn không thể dành thêm thời gian cho nơi này, vì thời gian gần ba tuần cho quốc gia rộng lớn này giờ đây đang trở nên quá ngắn đối với tôi, vẫn chưa đủ chậm đối với tôi.
Và vì, Patagonia đang vẫy gọi.
HS Trần Thùy Linh
(Còn tiếp)