Một trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói Tổng thống Mỹ nên ra thời hạn chót cứng rắn, buộc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un phải “vĩnh viễn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân” vào năm 2020.

Nhật đề nghị ông Trump buộc Triều Tiên 'vĩnh viễn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân'

26/04/2018, 18:14

Một trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói Tổng thống Mỹ nên ra thời hạn chót cứng rắn, buộc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un phải “vĩnh viễn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân” vào năm 2020.

Ông Kim Jong-un chỉ đạo ngành tên lửa Triều Tiên - Ảnh: KCNA

Báo Washington Times dẫn lời ông Katsuyuki Kawai, Cố vấn đặc biệt về đối ngoại của đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe, khẳng định Tổng thống Donald Trump “trước đây không có kinh nghiệm làm việc với Triều Tiên, nên thường tìm lời khuyên từ Thủ tướng Abe”.

Ông Kawai nói chuyện tại một hội thảo kín của tổ chức nghiên cứu Trung tâm vì một nền an ninh Mỹ mới ở Washington còn cho biết khi gặp ông Trump ở Mỹ hồi tuần trước, ông Abe nói ông Trump phải thể hiện “Mỹ ở vị trí mạnh mẽ hơn Chủ tịch Kim”, và việc Bình Nhưỡng giải giáp hạt nhân phải diễn ra trước khi ông Trump đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử có thể rất khó khăn.

Cảnh báo Triều Tiên rất giỏi đánh lừa

Theo Washington Times, đề nghị ra thời hạn chót của Nhật phản ánh việc Tokyo lo ngại những diễn biến ngoại giao quá nhanh, cả việc ông Kim sẽ có hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27.4 và với ông Trump vào đầu tháng 6 tới.

Ông Moon đã nói công khai mục tiêu chính của hai cuộc gặp là Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng trong riêng tư, ông cũng nói cuộc đàm phán có lẽ phải mất 2 năm mới có thể thành công.

Tờ báo Mỹ nói trên cho rằng nhiều người ở Mỹ chia sẻ nỗi lo của ông Abe về đường hướng của Hàn Quốc. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật có thể muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận “được ăn cả, ngã về không” với Bình Nhưỡng, nhưng các nguồn tin ở Hàn Quốc nói với Washington Times ông Moon muốn một cách tiếp cận chậm rãi, gồm cả việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên là một mục tiêu sẽ đạt được sau một thời gian.

Một quan chức cấp cao Hàn Quốc (giấu tên) gần đây nói với tờ báo Mỹ các cố vấn của Tổng thống Moon tin tưởng đã thuyết phục được chính phủ đi theo hướng giải quyết từ từ này, vì “sẽ dẫn đến việc đạt được mục tiêu chung là Triều Tiên giải trừ hạt nhân”.

Nhưng nhiều quan chức Nhật phản đối đường hướng của Hàn Quốc. Ông Kawai nói Thủ tướng Abe có thể là nhà lãnh đạo duy nhất có thể nói chuyện thẳng thắn, đã nói cho ông Trump biết rằng Triều Tiên rất giỏi về khả năng đánh lừa.

Ông Kawai nói: “Kim Jong-un hiểu rõ các nguy cơ, rằng nếu ông ấy bị phát hiện bày trò đánh lừa Tổng thống Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh, thì ông Trump có thể nổi cơn thịnh nộ, quyết định hành động quân sự và tấn công Triều Tiên”.

Trong khi đó, còn có nỗi lo ông Kim dùng chiến thuật cũ của Triều Tiên, là lôi kẻ thù vào các cuộc đàm phán kéo dài, đồng thời tìm nguồn viện trợ kinh tế mà Triều Tiên đang rất cần.

Vị cố vấn Nhật nói dù ông Kim có thể hứa giải giáp vũ khí hạt nhân vĩnh viễn, Bình Nhưỡng đã tính trước tiến trình này sẽ “kéo rất, rất, rất dài”, và “mục tiêu của Bình Nhưỡng trong tương lai gần chính là được nhận giúp đỡ kinh tế, trong khi vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Ông Kawai giải thích: Triều Tiên đã trải qua hàng chục năm kinh nghiệm đối phó các chính phủ Mỹ, nên họ cũng có thể tìm cách lợi dụng tình hình chính trị Mỹ, nhất là cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tháng 11 tới để tăng sức ép, buộc ông Trump phải nhanh chóng thỏa thuận. Ông nói: “Ông Kim hiểu ông Trump sẽ bị sức ép “đạt thành tích lớn để có thể khoe với cử tri của ông ấy”.

Kim Jong-un còn tính đường quay về Nga, Trung Quốc

Cố vấn Kawai còn nói ngoài việc ra thời hạn chót năm 2020, Tổng thống Mỹ chớ nên đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế, chỉ làm việc này sau khi xác minh Triều Tiên đã hoàn tất khâu giải trừ vũ khí hạt nhân. Chính phủ Mỹ còn phải chống lại yêu sách của Triều Tiên là rút 28.500 quân Mỹ khỏi Hàn Quốc, vì nếu Mỹ rút quân thì Triều Tiên sẽ có ưu thế đưa ra các điều kiện cho kế hoạch hai miền Triều-Hàn tái thống nhất.

Ông Kawai lưu ý rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên còn trong độ tuổi 30, để nói chiến lược của ông Kim là dựa theo bài bản của thế hệ đi trước: “Tư tưởng của Bình Nhưỡng là cứ chờ đối thủ nguy hiểm Trump phải rời khỏi vũ đài chính trị, và trong tương lai sẽ không có thêm vị Tổng thống Mỹ khó lường như ông Trump”.

Thực tế là địa chính trị Đông Bắc Á đang đẩy Triều Tiên, Trung Quốc và Nga vào thế đối đầu với Mỹ-Nhật-Hàn. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Kim sẽ giữ quyền lực trong chí ít 10 năm tới, trong khi ngôi lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn do dân bầu và sau vài năm sẽ có người khác kế nhiệm (chưa biết sẽ là ai).

Ông Kawai nói khi ông Tập sẽ là lãnh đạo Trung Quốc vĩnh viễn thì “ông Kim có thể bí mật hy vọng sẽ hiện diện của quân Mỹ ở Hàn Quốc sẽ là lực đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc”. Hồi tháng 3, ông Kim bất ngờ đến Bắc Kinh gặp ông Tập, sau khi ông cho biết ý định gặp Tổng thống Mỹ và ông Trump đã nhận lời đề nghị gặp.

Nhà phân tích địa chính trị Joonhyung Kim của Đại học Handong (Hàn Quốc) nói: “Lý do ông Kim gặp ông Tập là một chiến lược, nhằm duy trì quan hệ Triều-Trung, đề phòng cuộc đàm phán với Mỹ bị đổ vỡ”.

Chuyên gia Kim thuộc nhóm nhà phân tích làm cố vấn cho Tổng thống Moon, còn nói lãnh đạo Triều Tiên là “người thông minh”, hiểu rõ Mỹ đã tính chuyện nới lỏng viễn cảnh để ông Kim chấp nhận nói chuyện: “Ông ấy biết nếu Mỹ rút chân khỏi bàn đàm phán và không thỏa thuận gì cả, thì ông ấy có thể quay về Nga-Trung và đề nghị hai nhà lãnh đạo hai nước không tuân thủ các lệnh cấm vận Triều Tiên do Mỹ khởi xướng nữa”.

Ông Paik Hak-soon, một chuyên gia về Triều Tiên ở Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) nói Bình Nhưỡng rất giỏi trong nghệ thuật lôi kéo các đại cường vào chuyện kình chống nhau.

Ông Paik nói: “Thời Chiến tranh lạnh, Triều Tiên đã khiến Liên Xô và Trung Quốc đối đầu với nhau, để họ kiếm sự ưu đãi của cả hai bên. Nay không còn Liên Xô, và ai cũng biết sẽ có một đợt ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc đối với Triều Tiên. Từ lúc Liên Xô giải thể năm 1991, Triều Tiên đã bắt đầu phát triển chiến lược lập quan hệ ấm nồng với Mỹ, để Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, và cho Triều Tiên có không gian độc lập trong các quan hệ đối ngoại. Chiến lược này không bao giờ thay đổi”.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật đề nghị ông Trump buộc Triều Tiên 'vĩnh viễn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân'