Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) đã quay trở lại thương trường sau hơn 6 năm lận đận, khi phía Nhật muốn nông trường cung ứng, xuất khẩu rơm (thân lúa khô) dài hạn.

Nhật Bản muốn mua rơm của Việt Nam

Một Thế Giới | 18/11/2015, 15:38

Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) đã quay trở lại thương trường sau hơn 6 năm lận đận, khi phía Nhật muốn nông trường cung ứng, xuất khẩu rơm (thân lúa khô) dài hạn.

Ngày 18.11 tại Cần Thơ, đại diện Nông trường Sông Hậu và đại diện Hiệp hội XNK thịt bò Nhật Bản (J-BIX) có buổi làm việc và ký kết bản ghi nhớ hợp tác xuất nhập khẩu rơm. Hai bên thỏa thuận: J-BIX sẽ nhập khẩu rơm do Nông trường Sông Hậu cung ứng. Như vậy, sau hơn 6 năm kể từ khi chỉ hoạt động cầm chừng sau vụ án sai phạm tài chính tại Nông trường Sông Hậu (đã đình chỉ điều tra - PV), đến nay đây là lần đầu tiên nông trường này chính thức quay trở lại thương trường, hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài.

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ bày tỏ sự phấn khởi: “Sau khi ký biên bản ghi nhớ, thành phố chỉ đạo cho nông trường bắt tay ngay vào triển khai các công việc tổ chức thu gom hàng để cung ứng cho đối tác; đồng thời bàn bạc thêm để có thể triển khai thêm dự án nuôi bò tại nông trường, bằng nguồn vốn ODA của Nhật. Thành phố mong muốn hai bên xúc tiến các nội dung đã ký kết ghi nhớ, tạo bước khởi đầu để Nông trường Sông Hậu gầy dựng trở lại”.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết: Nông trường có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, tuy nhiên để đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật thì cần có những thiết bị thu rơm từ trên đồng về, rồi máy móc xử lý, nguồn vốn đào tạo nhân lực…

Theo ông Yutaka Aoyama, Phó chủ tịch J-BIX, hiệp hội này rất cần nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. “Mỗi năm chúng tôi cần tiêu thụ khoảng 220.000 tấn thức ăn cho đàn bò. Với thỏa thuận ghi nhớ này, khi chính thức bàn bạc thống nhất, chúng tôi sẽ cung cấp nguồn vốn, máy móc thiết bị cho bên Việt Nam, đồng thời cam kết đưa người sang VN để cùng nông trường đào tạo công nhân”, ông nói.

Cũng theo ông Yutaka Aoyama, sau bản ghi nhớ này, phía J-BIX sẽ bàn bạc thêm và tiến hành các ký kết cụ thể, chi tiết hơn về số lượng… 
“Đây là mốc quan trọng của nông trường sau nhiều năm hoạt động cầm chừng để chờ cơ cấu lại. Vấn đề cần thiết nhất hiện nay là sớm đi đến cụ thể hóa các điều khoản để bắt tay vào thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Phú nói. 
Nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến ngay trong vụ đông xuân 2015 - 2016, phía nông trường bắt tay vào thực hiện để có sản phẩm cung ứng cho đối tác.
Hồ Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản muốn mua rơm của Việt Nam