Chính phủ Nhật dự trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 14% lượng gạo tiêu thụ hằng năm ở Nhật Bản. Ngoài ra, các đơn vị tư nhân cũng đang trữ từ 1 triệu đến 3 triệu tấn gạo trong kho của họ.
Kiến thức - Học thuật

Nhật Bản lo dự trữ gạo trước nguy cơ do nắng nóng kéo dài

Anh Tú 18:49 29/04/2024

Chính phủ Nhật dự trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 14% lượng gạo tiêu thụ hằng năm ở Nhật Bản. Ngoài ra, các đơn vị tư nhân cũng đang trữ từ 1 triệu đến 3 triệu tấn gạo trong kho của họ.

gao.jpg
Một cửa hàng gạo tại Nhật Bản

Khi nông dân trồng lúa Nhật Bản chuẩn bị cho một vụ trồng trọt mới, nhiều người hy vọng rằng trong mùa hè năm nay, điều kiện thời tiết sẽ bớt khắc nghiệt như hồi năm 2023.

Gạo chất lượng cao bị phấn hóa

Ví dụ, tỉnh Niigata, thường được biết đến là khu vực trồng lúa hàng đầu của Nhật Bản, đã trải qua một trong vụ thu hoạch lúa thất bát nhất cả nước vào năm ngoái.

Toru Tanabe, một quan chức của thành phố Agano, than thở: “Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp đã dẫn đến các hạt bị “phấn” hoặc nứt nẻ”. Ông nhấn mạnh rằng việc giảm hàm lượng gạo không tương ứng với việc giảm hương vị nhưng nhiều người lo ngại rằng mùa hè ngày càng thiêu đốt ở Nhật Bản có thể có tác động tiêu cực đến năng suất và chất lượng.

Vụ thu hoạch trên đảo Tsushima của tỉnh Nagasaki cũng có nhiều hạt phấn hơn bình thường do nắng nóng và nông dân bày tỏ lo ngại về phản ứng của khách hàng. Yu Arikawa, thành viên của hội nông dân theo đuổi canh tác bền vững trên đảo, cho biết: “Liệu họ có nghĩ ‘Lúa năm nay kỳ lạ không?’”.

Năm ngoái là năm nóng kỷ lục ở Nhật Bản, góp phần khiến sản lượng lúa gạo chất lượng cao giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Những mùa hè nóng nực như vậy ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng; Nhật Bản đang chứng kiến xu hướng nhiệt độ cao liên tục trong những năm gần đây, trong đó giai đoạn 2019-2023 được xếp hạng là 5 năm nóng nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu của Nhật Bản mong muốn tìm hiểu những tác động mà sự nóng lên sẽ gây ra đối với cây lúa và những tác động đối với an ninh lương thực của đất nước mặt trời mọc.

Mặc dù các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu khó có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung gạo nói chung của Nhật Bản, nhưng nắng nóng khắc nghiệt vẫn đe dọa làm giảm chất lượng ngũ cốc và ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân.

Điều đó buộc nông dân phải thích nghi và việc giới thiệu rộng rãi các giống lúa chịu nhiệt được coi là chìa khóa để ngăn ngừa thiệt hại do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng một câu hỏi quan trọng vẫn là: Liệu người tiêu dùng có sẵn sàng hưởng ứng không?

Nhật lo an ninh lương thực

An ninh lương thực là đảm bảo để tất cả mọi người được tiếp cận với thực phẩm đầy đủ, an toàn và bổ dưỡng. Vấn đề này đang suy giảm mạnh trên toàn cầu do ảnh hưởng của nhiệt độ tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, gạo là nền tảng của an ninh lương thực ở Nhật Bản. Ngày nay, tỷ lệ tự cung tự cấp gạo của Nhật Bản là gần 100%, so với 38% về lương thực nói chung, tính theo calo. Do đó, Bộ gọi các biện pháp thích ứng để bảo vệ sản xuất lúa gạo khỏi tác động của biến đổi khí hậu là “không thể thiếu”.

Ryuhei Kanda, Phó trưởng Phòng ngũ cốc thuộc Cục trồng trọt của Bộ, giải thích: “Về mặt an ninh lương thực, chúng tôi cơ bản sẽ ổn ngay cả trong trường hợp xảy ra thảm họa, vì chính phủ vẫn duy trì dự trữ gạo”.

Người Nhật không lạ gì với thời tiết có ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa gạo. Năm 1993, một mùa hè mát mẻ bất thường đã khiến sản lượng thu hoạch lúa gạo của Nhật Bản giảm khoảng 1/4, khiến chính phủ lúc bấy giờ phải xuất 400.000 tấn từ kho dự trữ và buộc phải nhập khẩu khẩn cấp. Kanda cho biết, dựa trên kinh nghiệm đó, chính phủ hiện dự trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 14% lượng gạo tiêu thụ hằng năm ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Ngoài ra, các đơn vị tư nhân cũng đang trữ từ 1 triệu đến 3 triệu tấn gạo trong kho của họ.

Trớ trêu thay, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển - một loại khí nhà kính - thực sự có thể làm tăng năng suất cây trồng ở một số địa điểm. Năm 2018, các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia (NARO) ước tính rằng tổng sản lượng gạo của Nhật Bản có thể tăng khoảng 20% vào năm 2060-2080 do “tác dụng bón phân” của carbon dioxide đối với cây lúa.

Tuy nhiên, vào năm 2021, họ đã điều chỉnh lại dự đoán của mình dựa trên dữ liệu mới. Toshihiro Hasegawa, đồng tác giả của cả hai báo cáo và là nhà khoa học điều hành tại Viện Khoa học Môi trường Nông nghiệp của NARO, cho biết: “Kết quả thí nghiệm của chúng tôi chỉ ra rằng, khi nhiệt độ không khí tăng lên, tác động tích cực của nồng độ CO2 cao đến năng suất ngũ cốc sẽ giảm dần”.

Một số yếu tố khác, gồm độ ẩm, cũng ảnh hưởng đến năng suất lúa. Hasegawa lưu ý rằng điều quan trọng là phải hiểu biết chi tiết về các điều kiện khí tượng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo ở từng vùng để xác định các “điểm nóng” có nguy cơ cao.

Chất lượng thấp hơn, thu nhập thấp hơn

Mặc dù tình trạng ấm lên có thể không khiến kệ siêu thị trống rỗng trong tương lai gần nhưng nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng gạo.

Đặc biệt, nhiệt độ cao hơn được duy trì trong thời kỳ chín sớm có thể khiến hạt gạo có màu trắng phấn như những người nông dân ở Agano và Tsushima đã trải qua. Các hạt phấn rất dễ vỡ, dẫn đến hao hụt nhiều hơn trong quá trình xay xát và bị nhiều người chê là kém ngon (Bộ nông nghiệp khẳng định rằng việc sử dụng ít nước hơn một chút trong nồi cơm điện sẽ làm cho các hạt phấn có vị ngon hơn).

Tuy nhiên, theo Yuji Masutomi, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Thích ứng với Biến đổi Khí hậu Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Thích ứng Biến đổi Khí hậu thuộc Viện nghiên cứu môi trường quốc gia, việc giảm chất lượng từ gạo loại một xuống loại hai có thể đồng nghĩa với việc nông dân mất gần 10% thu nhập.

Một điều mà nông dân có thể làm là mua bảo hiểm trước những thiệt hại về cây trồng do khí hậu gây ra. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế tổng thể có thể rất đáng kể: Trong một bài báo năm 2019, Masutomi và các đồng nghiệp đã báo cáo rằng khoảng 1/3 diện tích trồng lúa ở Nhật Bản có thể bị giảm chất lượng hạt vào những năm 2040 nếu lượng khí thải nhà kính không giảm, dẫn đến thiệt hại hằng năm thiệt hại kinh tế 401,4 triệu USD.

Người ta cũng thấy rằng mức độ carbon dioxide trong khí quyển tăng lên làm cho gạo ít dinh dưỡng hơn, làm giảm hàm lượng protein, khoáng chất và vitamin.

Hasegawa cho biết: “Trong trường hợp của Nhật Bản, chúng ta hiện đang hấp thụ chất dinh dưỡng từ nhiều loại cây trồng và thực phẩm khác nhau. Do đó, việc gạo ít dinh dưỡng hơn sẽ không gây ra tình trạng thiếu chất dinh dưỡng”. Tuy nhiên, Hasegawa cho rằng đây có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia có truyền thống phụ thuộc nhiều vào gạo.

* Hạt trắng bạc (chalky kernels, chalkiness of grain) là những hạt mà nội nhũ có từ 1/2 thể tích trở lên có màu trắng như phấn gồm: Hạt bạc bụng (white belly), hạt bạc lưng (white back), hạt bạc lòng (white center)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản lo dự trữ gạo trước nguy cơ do nắng nóng kéo dài