Nhiều bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định muốn gắn bó với bệnh viện, vì nơi đây là niềm tự hào, nhưng thời gian gần đây môi trường làm việc đang gặp rất nhiều áp lực nặng nề, nhất là do cơ chế chính sách…

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy đang bị áp lực tâm lý nặng nề

Hồ Quang | 25/08/2022, 18:46

Nhiều bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định muốn gắn bó với bệnh viện, vì nơi đây là niềm tự hào, nhưng thời gian gần đây môi trường làm việc đang gặp rất nhiều áp lực nặng nề, nhất là do cơ chế chính sách…

Tại buổi làm làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy của Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vào chiều 25.8, BS.CK2 Bùi Phú Quang - Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện nhân viên y tế ở đây đang rất cần được trang bị máy móc để phục vụ bệnh nhân, phát triển bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh viện đang vướng về máy móc rất nhiều. Đa số các nhu cầu của nhân viên y tế về trang thiết bị y tế hiện nay không được bệnh viện đáp ứng.

nhan-vien-y-te-bneh-vien-cho-ray-dang-bi-ap-luc-tam-ly0nag-ne-hinh-anh-1(1).png
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy vào chiều nay (25.8) - Ảnh: PV

"Nói về tâm tư nguyện vọng thật sự anh em vẫn muốn phục cho Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu như có điều kiện, có máy móc, nhưng hiện nay nhu cầu chưa được đáp ứng”, bác sĩ Quang bày tỏ.

Chia sẻ về điều này, TS.BS Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy ai cũng muốn gắn bó với bệnh viện, tiếp tục làm việc tại đây, vì nơi đây là niềm tự hào. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhân viên y tế bị áp lực quá nặng, nhất là áp lực tâm lý do cơ chế, chính sách. “Chúng tôi đang cố gắng động viên anh em ở lại, nhưng không biết, nếu dịch bệnh COVID-19 quay trở lại thì sẽ còn bao nhiêu nhân viên y tế ở lại bệnh viện này”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Đề cập đến tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022 có 77 nhân viên y tế nghỉ việc. “Trong 8 tháng đầu năm 2022 số nhân viên nghỉ việc bằng với năm 2021. Đa số nhân viên y tế nghỉ việc là chuyển sang cơ sở y tế tư nhân, còn lại một số ít thì đi xuất cảnh ra nước ngoài”, bác sĩ Thức nói.

Về vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, bác sĩ Thức cho rằng, khi mua một thiết bị y tế rẻ tiền, cứ tưởng có lợi, nhưng nếu chúng ta nhìn ở một khía cạnh khác sẽ thấy mua một thiết bị y tế giá cao hơn, nhưng chất lượng tốt hơn làm thủ thuật rất tốt, chưa kể làm được những thủ thuật cao không bị tai biến, giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân. “Điều này góp phần giúp bệnh nhân xuất viện sớm, không tốn thời gian người nuôi bệnh và nhiều vấn đề khác kèm theo. Người bệnh khi được xuất viện sớm sẽ về lao động, sản xuất tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Điều này có lợi hơn nhiều”, bác sĩ Thức phân trần.

Qua đây, bác sĩ Thức kiến nghị với Bộ Y tế 4 vấn đề. Trong đó, cần bổ sung một chuyên viên chuyên sâu về đấu thầu mua sắm; chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; khẩn trương ban hành chi tiết về liên doanh, liên kết và xã hội hóa trong y tế. “ Bác sĩ đi học về mà không có máy thì chỉ 1 đến 2 năm là “lụt” tay nghề hoặc sẽ bỏ ra y tế tư”, bác sĩ Thức nói.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trước đó Bệnh viện Chợ Rẫy đã có kiến nghị 14 vấn đề vướng mắc đã được các đơn vị của Bộ giải đáp cơ bản thỏa đáng, và đề nghị bệnh viện yên tâm thực hiện.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã trao đổi nghiệp vụ với các bệnh viện liên quan đến những vướng mắc trong công tác đấu thầu. Hiện nay, việc thiếu thuốc, thiếu việc tư y tế chủ yếu liên quan đến quy trình đấu thầu. “Vụ Kế hoạch – Tài chính phải soạn thảo quy trình đấu thầu để trên cơ sở đó các cơ sở y tế yên tâm triển khai công việc”, bà Lan đề nghị.

Theo bà Lan, ngay cả Bộ Y tế có làm đấu thầu cũng vướng quy định. Dù thông tư quy định như thế nhưng mỗi người hiểu một kiểu. Nhiều khi cơ quan thanh tra lại ý kiến hoàn toàn ngược lại với chúng ta.

“Do đó, trong quá trình soạn thảo dự thảo quy trình đấu thầu nên có thêm sự tham vấn của kiểm toán, thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương... để xem quy trình này có chuẩn không. Nếu làm được như vậy sẽ giúp cho các bệnh viện yên tâm thực hiện”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho biết, Bộ Y tế vừa trình lên Chính phủ Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước mắt về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; giá mua sắm; thanh toán liên quan đến bảo hiểm xã hội... “Bộ Y tế sẽ làm hết sức mình để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế trong chức năng quyền hạn của mình”, bà Lan nhấn mạnh.

TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, hiện bệnh viện có khoảng 4.200 nhân viên, trong đó có 826 bác sĩ, 1.839 điều dưỡng, 107 dược sĩ, còn lại là các thành phần khác. Trong có 14 giáo sư - phó giáo sư, 280 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa 2, 1.776 người có trình độ từ đại học trở lên, 492 người có trình độ thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa 1…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trung bình mỗi ngày bệnh viện cấp cứu 300 bệnh nhân; khám và điều trị ngoại trú 4.5000 đến 5.000 bệnh nhân/ngày, trong đó khám bảo hiểm y tế chiếm hơn 48%; bệnh nhân điều trị nội trú trung bình mỗi ngày khoảng 2.300 bệnh nhân; số ngày điều trị trung bình là 6,7 ngày; bệnh nhân điều trị nội trú hơn 61.000; phẫu thuật hơn 20.000 trường hợp, trong đó phẫu thuật cấp cứu chiếm hơn 8.000 trường hợp.

Tỷ lệ hài lòng người bệnh trong 6 tháng đầu năm 2022 qua khảo sát tại đây cho thấy có đến 92,2% người bệnh nội trú hài lòng và 85,2% người bệnh ngoại trú hài lòng. Riêng nhân viên y tế hài lòng với hoạt động của bệnh viện dao động khoảng 83 đến 85,2%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy đang bị áp lực tâm lý nặng nề