Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Agitechnica Asia Live 2022, ngày 24.8 tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.

Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới

VKK-HB | 24/08/2022, 22:10

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Agitechnica Asia Live 2022, ngày 24.8 tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.

nn1.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam - Ảnh: HB

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: “Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Hiện nay, mức độ cơ giới hóa ở một số khâu trong một số lĩnh vực ngành có tỷ lệ khá cao như: trồng trọt đạt từ 70-100%, chăn nuôi đạt từ 55-90%.

Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí; 271 tổ chức nghiên cứu khoa học; 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; có 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Tuy nhiên, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng (lâm nghiệp, khai thác thủy sản) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.

nn2.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại hội thảo - Ảnh : HB

Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ: “TP.Cần Thơ có hơn 114.000ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 78.000ha trồng lúa, với hệ số sử dụng đất khoảng 2,88 lần/hàng năm. Sản lượng trên 1,3 triệu tấn lúa, đã cơ giới hóa trên 95% gieo sạ, bón phân 60%, thu hoạch lúa trên 90%.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp cả nước nói chung và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL chịu tác động lớn khi quá trình đô thị hóa nhanh. Lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến. Tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các vụ mùa. Do đó, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay vừa là điều kiện để giải phóng sức lao động, vừa đáp ứng nhu cầu bổ sung sức lao động cho nông nghiệp”.

Ông Hè phân tích thêm: “Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động rất lớn và rõ nét vào khu vực ĐBSCL, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng phải giải quyết những nhu cầu đặt ra như: giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn… Cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nền tảng là công nghệ 4.0, nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến hiện đại”.

thu-hoach-lua-o-vinh-long-vkk.jpg
Cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL - Ảnh: VKK

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay thì số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.

Theo ông Thịnh, trong lĩnh vực chăn nuôi gà, các khâu chuồng trại, cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng đạt trên 90%, xử lý môi trường đạt 55%. Còn lĩnh vực chăn nuôi lợn thì quy mô trang trại, chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động đạt 80%. Chăn nuôi trâu, bò đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây đạt 60%, sử dụng máy vắt sữa đạt 85%.

Đối với nuôi trồng thủy sản: các máy móc, thiết bị cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi...

0600_image002.jpg
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HB

Công nghệ chế biến nông sản nước ta đạt mức độ trung bình đến trung bình tiên tiến. Một số ngành hàng có công nghệ, thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như: công nghệ chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra…

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,9%, giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục 48,6 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu đạt 27,5 tỉ USD; nông sản đã xuất khẩu đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngày 20.7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Theo đó, mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thủy sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới