Theo luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, trừ trường hợp có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sao chụp tiền Việt Nam, thì mọi hành vi sao chép với bất kì mục đích nào cũng là vi phạm pháp luật.
Còn khoảng 10 ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường bao lì xì cũng vì thế mà càng nhộn nhịp. Đặc biệt, năm nay tại một số cửa hàng và mạng xã hội, loại bao lì xì in ảnh tờ tiền Việt Nam được quảng cáo rầm rộ.
Theo giới thiệu, mẫu bao lì xì này có kích thước 7,3x16,5cm, bỏ vừa các tờ tiền mệnh giá lớn nhất. Thiết kế hai mặt của bao lì xì giống hệt với những tờ tiền thật mệnh giá 100.000 - 500.000 đồng. Cùng với đó, cũng có nhiều loại lì xì chỉ in một mặt hoa văn đồng tiền, mặt còn lại in hình ảnh hoặc dòng chữ “Chúc mừng năm mới”.
Được biết, giá bán của loại lì xì này là 2.500 - 3.000 đồng mỗi chiếc, nếu mua với số lượng lớn thì giá còn giảm thêm.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ ngày 30 tháng 6 năm 2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam có quy định cấm “sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”.
Như vậy, trừ trường hợp có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được sao chụp tiền Việt Nam, thì mọi hành vi sao chép với bất kì mục đích nào cũng vi phạm pháp luật theo quy định này.
Cũng theo ông Hùng, khoản 4, 5, 6 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định: "Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật".
Cùng với đó là áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các Khoản 2, 3, 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, theo ông Hùng, đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Ngoài ra sẽ áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên quy định tại điểm b,c khoản 6 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP.
Luật sư này cũng khuyến cáo, mặc dù hiện nay pháp luật đã quy định khá rõ ràng về chế tài đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định. Tuy nhiên, do hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, cơ quan nhà nước còn buông lỏng quản lý, chưa siết chặt, xử phạt triệt để các cá nhân, tổ chức vi phạm nên tình trạng này vẫn còn diễn ra, đặc biệt là vào dịp Tết nguyên đán.
“Những người đang in ấn, phát hành, tiêu thụ các sản phẩm không đúng qui định của pháp luật cần hiểu rõ về các quy định của pháp luật để tránh bị xử phạt hoặc gây ra hậu quả không đáng có. Song song với đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tuyên truyền, vận động tại địa phương để nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho người dân”, ông Hùng nói.
Với quy định này, nhiều người cũng lo ngại việc chụp ảnh tiền đăng lên mạng xã hội có vi phạm hay không? Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng nếu việc chụp chỉ để đăng lên, không có mục đích vi phạm thì không bị xử lý, còn nếu đăng lên vì mục đích lừa đảo, có hành vi vi phạm pháo luật thì mới bị xử lý..
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM đề nghị chỉ đạo phối hợp bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo đó, để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam và việc sản xuất, mua bán bao lì xì sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đề nghị UBND TP có văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường, Sở Thông tin - Truyền thông và các ban ngành có liên quan… tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đúng mục đích.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khuyến cáo người dân cần lưu ý không mua bán các sản phẩm như cây tài lộc xếp bằng tiền Việt Nam hay bao lì xì, móc khóa có in hình tiền Việt Nam để tránh tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các cơ quan thuộc Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin -Truyền thông về việc phối hợp trong công tác bảo vệ tiền Việt Nam, sau khi thị trường xuất hiện việc rao bán bao lì xì có sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam với các loại mệnh giá.
Lam Thanh