Một trong những dấu son lịch sử của dân tộc ta là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây 235 năm. Đây là dịp để ôn lại vai trò tượng binh trong trận đánh trên cũng như trên thế giới.
Kiến thức - Học thuật

Nhân kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, bàn về vai trò tượng binh

Anh Tú 18:29 14/02/2024

Một trong những dấu son lịch sử của dân tộc ta là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây 235 năm. Đây là dịp để ôn lại vai trò tượng binh trong trận đánh trên cũng như trên thế giới.

Trong trận chiến trước cửa ngõ vào Thăng Long, đàn voi chiến của quân Tây Sơn đã đóng vai trò đảo ngược thế trận gây kinh hãi cho kỵ binh, bộ binh nhà Thanh. Đơn giản là voi đi đến đâu là thế trận quân Thanh tan đến đó.

Tượng binh Tây Sơn đã phá nát trận pháp quân Thanh

Theo mô tả của Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thì trận chiến thế này: Hồi trống canh năm sớm hôm sau. Nguyễn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Nguyễn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Quân Tây Sơn lại lùa voi xông đến: quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Quân Tây Sơn dùng những bó rơm to lớn để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Quân Tây Sơn đuổi đến đồn Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương đến quá nửa. Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long và tả dực Thượng Duy Thăng đều chết trận. Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa Sơn (tục gọi Đống Đa), bị một tướng khác của Tây Sơn đánh. Quân cứu không có, Nghi Đống phải tự thắt cổ chết. Toán thân binh của Nghi Đống cũng tự ải chết theo đến vài trăm người.

Cần nhớ, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục là do sử gia nhà Nguyễn viết nên với chiến công của quân đội Tây Sơn thì tuyệt nhiên không có ý tô vẽ thiên vị. Những ghi chép này cho thấy chính tượng binh Tây Sơn đã khiến quân Thanh vỡ trận.

Quân đội nhà Thanh vốn coi đội Bát kỳ trưởng thành trên thảo nguyên là tinh nhuệ nhất. Chiến thuật của quân đội nhà Thanh trong những trận quy mô thường là dùng tốc độ của kỵ binh để xé nát đội hình đối phương nhưng trong địa hình không phải thảo nguyên và trước bầy voi thì chiến thuật này vô dụng.

Trong trận đánh này, quân Tây Sơn đã dùng đúng bài là chiến thuật dùng voi đè ngựa nên mới có cảnh xin trích lại: Chính Nguyễn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Quân Tây Sơn lại lùa voi xông đến: quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy cố thủ.

Alexander Đại đế cũng ngán Tượng binh

voi2.jpg

Trong chiến tranh cổ điển, thời chưa có phương tiện cơ giới thì voi rất có lợi trong việc tấn công, phá đồn. Voi chiến không chỉ được sử dụng để giẫm đạp kỵ binh và bộ binh, mà chúng còn là những cỗ máy chiến đấu, được bảo vệ bởi áo giáp, với những lưỡi dao gắn chặt vào ngà để tăng tính sát thương khi voi đấu voi. Chúng được ví giống như xe tăng, thiết giáp khi thồ trên lưng cả một tháp pháo chứa nhiều xạ thủ ở trong. Từ đó, họ bắn tên và ném lao vào đội hình đối phương khiến việc tiếp cận voi từ mọi hướng đều nguy hiểm. Hơn hết là tiếng gầm rít của voi chiến có tác dụng khủng bố tinh thần đối phương và đặc biệt là ngựa nếu lần đầu tiếp xúc.

Mở rộng trên phạm vi thế giới, có lẽ sự xuất hiện đầu tiên của voi trong lịch sử chiến tranh phương Tây là ở trận Arbela năm 331 trước Công nguyên, khi Darius III điều khiển 15 con voi trong đội hình chiến đấu của quân Ba Tư chống lại Alexander Đại đế. Dù thiên tài quân sự Alexander giành chiến thắng nhưng ông đã nếm mùi nguy hiểm của tượng binh và bắt đầu tìm cách khắc chế.

Vào năm 326 trước Công nguyên, khi Alexander Đại đế đến sông Jhelum (Hydaspes), đạo quân của ông đã bị vua Porus đem quân ứng chiến. Trong trận chiến xảy ra sau đó ở vùng lân cận Chillianwalla, vua Porus đã tung đội thiết giáp với 200 voi ở tiền quân rồi bố trí sau một trăm bước là bộ binh, riêng kỵ binh và chiến xa được bố trí ở hai bên sườn để đảm bảo tính cơ động.

Nhưng vua Porus tính già hóa non. Nhìn thấy những con voi của vua Porus, Alexander nhớ tới bài học từ trận Arbela nên quyết định không tấn công trực diện mà dựa vào ưu thế về kỵ binh của mình, ông tấn công chính vào cánh trái của Porus.

Kỵ binh Macedonia của Alexander Đại đế không chỉ đông hơn gấp đôi mà còn tinh nhuệ hơn nên đã dễ dàng chọc thủng sườn đội hình quân của vua Porus và tan vỡ thế trận. Trong trận này, vua Porus đã khá chủ quan khi để tượng binh đi quá xa bộ binh và kỵ binh. Do vậy, khi bị đánh vu hồi từ cánh thì tượng binh không thể kịp thời ứng cứu. Thậm chí, khi tượng binh lui về phòng thủ thì lại còn làm rối trận pháp dẫn đến voi giày xéo lên cả đội hình quân nhà.

Nếu vua Porus không quá chủ quan khi chơi tấn công tất tay mà bố trí tượng binh phòng thủ ở 2 cánh, giữ cự ly đội hình tốt để yểm trợ cho các quân binh chủ khác thì kỵ binh của Alexander Đại đế chưa chắc đã xuyên thủng được hàng thủ tượng binh.

Dù thắng được trận này nhưng Alexander Đại đế đã bắt đầu thấy ngán ngẩm với những cuộc chiến với bầy voi. Sau chiến thắng trước vua Porus, Alexander Đại đế quyết định không dừng tiến quân về phương Đông nữa vì nhiều lý do, trong đó có một lý do được sử gia quân sự John Moore nhắc đến là sau này khi Alexander Đại đế phàn nàn về sự mệt mỏi vì chiến tranh và rằng đạo quân của ông đã đi đủ xa, vị vua vĩ đại nhất phương Tây tuyên bố rằng xa hơn về phía Đông vẫn còn những vị vua hùng mạnh hơn Porus, những người có bầy voi chiến mạnh hơn và đông hơn. Alexander Đại đế có lẽ không muốn nếm mùi thất bại vì càng tiến về phía đông, địa hình cho kỵ binh của ông không còn nữa mà thay dần bằng địa thế thích hợp với tượng binh.

Chính những con voi này có tác động quyết định đến tâm lý người Hy Lạp khi họ chứng kiến ​​những con bạo thú khổng lồ rầm rập tiến về phía trước theo âm thanh của vỏ ốc xà cừ và kèn trận. Chúng đã có tác động đáng kinh ngạc và khiến binh lính Hy Lạp hoang mang rằng tiến sâu hơn vào bán đảo Tiểu Á sẽ là một thảm họa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, bàn về vai trò tượng binh