Long kỵ binh là lực lượng xuất hiện trong lúc giao thời chiến tranh cổ điển và chiến tranh hiện đại. Dù vai trò lịch sử khá ngắn nhưng long kỵ binh vẫn tồn tại đến ngày nay.
Kiến thức - Học thuật

Năm rồng kể về ‘long kỵ binh’: Từ chân đất nhảy lên lưng ngựa tạo oai hùng

Anh Tú 09/02/2024 09:42

Long kỵ binh là lực lượng xuất hiện trong lúc giao thời chiến tranh cổ điển và chiến tranh hiện đại. Dù vai trò lịch sử khá ngắn nhưng long kỵ binh vẫn tồn tại đến ngày nay.

long-ky.jpg
Một chỉ huy long kỵ binh - Ảnh: Internet

Chúng ta thường nghe về lực lượng kỵ binh trong lịch sử và quân đội Mỹ thời hiện đại còn có sư đoàn kỵ binh bay. Nhưng long kỵ binh thì chắc ít người biết đến. Nhân dịp Tết con Rồng, xin kể lại về chuyện lực lượng xuất hiện trong lúc giao thời chiến tranh cổ điển và chiến tranh hiện đại.

Người Việt Nam gọi lính này là lính đầu rồng và có mô tả về chúng cách đây 100 năm. Nhân chuyến đi Pháp năm 1922 thì Phạm Quỳnh đã mô tả lính đầu rồng như sau: “Lính này mặc áo dạ đen nẹp đỏ, đầu đội cái mũ đồng bóng nhoáng có đuôi dài rủ xuống sau lưng, một tay cầm gươm vác vai, một tay cầm vỏ gươm kéo xuống đất, mà người nào cũng lực lưỡng cao lớn... Thứ lính này chỉ dùng về nghi vệ mà thôi”.

Nhưng thực tế long kỵ binh hay lính đầu rồng có phải thứ lính này chỉ để “làm kiểng” hay không? Hãy đọc lại lịch sử về binh chủng đặc biệt.

Các đơn vị long kỵ binh ban đầu là một lớp bộ binh cưỡi ngựa, sử dụng ngựa để di chuyển, nhưng khi chiến đấu thì xuống ngựa như bộ binh. Từ đầu thế kỷ 17 trở đi, long kỵ binh ngày càng được sử dụng như kỵ binh thông thường và được huấn luyện để chiến đấu bằng kiếm và súng cầm tay trên lưng ngựa. Vậy tại sao lại dùng loại đơn vị lai giữa bộ binh hay kỵ binh. Ấy là vì long kỵ binh mang lại khả năng cơ động cao hơn bộ binh thông thường nhưng lại chi phí rẻ hơn nhiều so với kỵ binh. Nên nhớ ngựa chiến dùng cho kỵ binh rất đắt trong khi ngựa thồ dùng cho lực lượng long kỵ binh lại dễ mua hơn nhiều.

Những đơn vị long kỵ binh đầu tiên không được tổ chức theo các phi đội như kỵ binh mà theo các đại đội như bộ binh. Các chỉ huy của họ mang hàm cấp bậc bộ binh, trong khi họ sử dụng người đánh trống (dùng để truyền hiệu lệnh trong bộ binh) chứ không phải người thổi kèn (dùng để truyền hiệu lệnh trong kỵ binh) để truyền đạt mệnh lệnh trên chiến trường. Được trang bị tính linh hoạt của bộ binh đã khiến long kỵ binh trở thành một đạo quân hữu ích, cơ động, càng dùng càng thấy tiện lợi.

Ở Anh, các đại đội long kỵ binh đầu tiên được nuôi dưỡng trong Chiến tranh Ba Vương quốc và trước năm 1645, họ phục vụ như những đội quân độc lập hoặc trực thuộc các đơn vị kỵ binh. Khi cải cách quân đội lần đầu tiên được Quốc hội Anh phê chuẩn vào tháng 1.1645, quân lực Hoàng gia có mười trung đoàn kỵ binh và trong mỗi trung đoàn kỵ binh lại có một đại đội long kỵ binh trực thuộc. Theo sự hối thúc của hiệp sĩ Thomas Fairfax, vào ngày tháng 3 năm đó, long kỵ binh được thành lập thành một đơn vị riêng biệt gồm 1.000 người, do Đại tá John Okey chỉ huy và ngay tháng 6 cùng năm, họ đã gây tiếng vang trong trận Naseby.

Được cung cấp ngựa kém hơn và trang bị đơn giản hơn, việc nuôi các trung đoàn long kỵ binh luôn rẻ hơn so với các trung đoàn kỵ binh đắt tiền. Vào thế kỷ 17, vua Gustav II Adolf đưa long kỵ binh vào quân đội Thụy Điển. Ông chỉ cung cấp cho mỗi người lính thuộc đơn vị này một thanh kiếm, một chiếc rìu và một khẩu súng hỏa mai, coi họ như "những nhân công trên lưng ngựa" chứ không phải là quân nhân chuyên nghiệp vốn được trang bị và đãi ngộ cực tốt. Nhiều quân đội châu Âu từ đó đã bắt chước và thành lập đơn vị vũ trang đa năng này. Long kỵ binh vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với bộ binh về ngoại hình và trang bị, khác biệt chủ yếu ở việc thay giày bằng ủng cưỡi ngựa và sử dụng mũ lưỡi trai thay vì mũ rộng vành để có thể đeo súng hỏa mai mà không bị vướng víu.

Khi đánh trận giáp lá cà, lực lượng long kỵ thường gặp bất lợi khi chống lại kỵ binh chính hiệu. Ngồi trên ngựa thì họ không thạo mà nhảy xuống đất thì bộ binh bao giờ cũng bị kỵ binh “bón hành”. Cũng dễ hiểu vì điều này giống như những cầu thủ đá sân nhỏ lại bắt sang sân lớn so tài với cầu thủ đá chuyên nghiệp. Do vậy, lực lượng long kỵ trong lịch sử đã không ngừng tìm cách cải thiện khả năng cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí và cả địa vị xã hội của mình. Đến Chiến tranh Bảy năm năm 1756, vai trò chính của họ trong hầu hết quân đội châu Âu đã chuyển từ chức năng bộ binh được trang bị sang thiết kỵ. Đôi khi họ được mô tả là kỵ binh 'trung tính', với chức năng nằm giữa các trung đoàn thiết kỵ và khinh kỵ, mặc dù đây là cách phân loại hiếm khi được sử dụng vào thời điểm đó.

Chức năng ban đầu của long kỵ binh là thực hiện nhiệm vụ trinh sát và cảnh giới về sau đã được chuyển cho kỵ binh hay khinh kỵ trong quân đội Pháp, Áo, Phổ và các quân đội khác. Chỉ riêng quân đội Đế quốc Nga, do có sẵn quân Cossack, long kỵ binh được giữ lại vai trò ban đầu lâu hơn.

Một ngoại lệ đối với quy tắc này là Quân đội Anh, từ năm 1746 trở đi đã dần dần định danh lại tất cả các trung đoàn "Horse" (kỵ binh) thành "Dragoons" (long kỵ binh) để tiết kiệm tiền lương. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1756, bảy trung đoàn khinh kỵ đã được huấn luyện về trinh sát, giao tranh và các công việc khác đòi hỏi sức bền theo các tiêu chuẩn của kỵ binh đương thời. Sự thành công của lớp kỵ binh mới này khiến tám trung đoàn long kỵ khác cũng được chuyển đổi sang thành kỵ binh từ năm 1768 đến năm 1783. Khi việc tái tổ chức này hoàn thành vào năm 1788, lực lượng kỵ binh Hoàng gia Anh có thêm bảy đơn vị Vệ binh long kỵ. Đó có thể coi là sự thừa nhận cho đẳng cấp của long kỵ binh tại Anh.

my.jpg
Long kỵ binh ở Mỹ - Ảnh: Internet

Vào cuối năm 1776, người khai sinh ra nước Mỹ George Washington nhận ra sự cần thiết của một nhánh quân đội Mỹ giúp gắn kết các lực lượng. Vào tháng 1.1777, bốn trung đoàn long kỵ binh trang bị nhẹ đã được thành lập. Họ tham gia vào hầu hết các trận đánh lớn trong Chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ, bao gồm trận chiến ở White Plains, Trenton, Princeton, Brandywine, Germantown, Saratoga, Cowpens và Monmouth, cũng như chiến dịch Yorktown.

Ở Mỹ, những người lính đầu rồng này nhận được sự tôn trọng. Quân đội coi họ là một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ có khả năng chiến đấu cả trên lưng ngựa và xuống ngựa. Những long kỵ binh ở Mỹ dù chủ yếu chiến đấu trên mặt đất nhưng vẫn được huấn luyện về chiến tranh trên lưng ngựa. Họ thường mang súng carbine như lính bộ binh nhưng cũng được trang bị súng lục và kiếm để cận chiến trên lưng ngựa.

Nhưng theo thời gian, với sự phát triển của lực lượng cơ giới, khi cả kỵ binh cũng hết uy lực trên chiến trường thì long kỵ binh, những chiến binh đầu rồng cũng lui vào lịch sử.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm rồng kể về ‘long kỵ binh’: Từ chân đất nhảy lên lưng ngựa tạo oai hùng