Sự thất bại của đồng yen trong việc thách thức vị thế của đồng USD là hệ quả tổng hợp của chính sách tiền tệ, sức khỏe nền kinh tế của Nhật Bản, và giờ đây Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi muốn đánh bại đồng bạc xanh của Mỹ.

Nhân dân tệ muốn thách thức USD: Hãy nhìn bài học của đồng yen

Nhàn Đàm | 01/10/2016, 12:45

Sự thất bại của đồng yen trong việc thách thức vị thế của đồng USD là hệ quả tổng hợp của chính sách tiền tệ, sức khỏe nền kinh tế của Nhật Bản, và giờ đây Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi muốn đánh bại đồng bạc xanh của Mỹ.

Khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang có những bước đi đầu tiên hướng tới việc trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu, thì nước láng giềng Nhật Bản hoàn toàn có thể cung cấp cho Trung Quốc một bài học về việc sẽ phải trả một giá đắt đến mức nào để thách thức và cạnh tranh với quyền lực của đồng USD.

Trên thực tế, đồng yen Nhật đã thách thức đồng USD từ rất sớm, khi đồng nội tệ của Nhật Bản trở thành một trong số những đồng tiền chủ chốt nhất trên thế giới vốn là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của nước này kể từ sau thế chiến thứ hai. Sức mạnh đồng yen lên đến đỉnh điểm vào năm 1991, khi nó đạt kỷ lục chiếm tới 8,5% dự trữ trên toàn cầu.

Nhưng vị thế này nhanh chóng biến mất cùng với sự suy giảm nền kinh tế Nhật, khiến cho đồng yen không những không còn có thể thách thức vị thế thống trị của đồng USD, mà còn nhanh chóng bị mất vị trí thứ hai vào tay đồng euro. Ở thời điểm hiện tại, đồng yen dao động ở vị trí thứ ba hoặc thứ tư trong số các đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, và chỉ còn chiếm khoảng 4% tổng lượng dự trữ trên thế giới, so với mức 64% của đồng USD và 1% của nhân dân tệ.

Sự thất bại của đồng yen trong việc thách thức vị thế của đồng USD là hệ quả tổng hợp của chính sách tiền tệ, sức khỏe nền kinh tế của Nhật Bản, và giờ đây Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi muốn đánh bại đồng bạc xanh của Mỹ. Cũng giống như Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản vào thời điểm thập kỷ 80 và đầu những năm 90 cũng phải đối mặt với một vấn đề cốt lõi: mức độ cởi mở cần thiết để thúc đẩy việc đưa đồng nội tệ của mình trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Nền kinh tế của cả Nhật Bản thời điểm đó lẫn Trung Quốc hiện nay đều có những đặc điểm chung, đó là tăng trưởng phần lớn dựa vào xuất khẩu và chính phủ vẫn muốn giữ khả năng can thiệp vào tỷ giá để hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu. Chính điều này khiến cho cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều hạn chế tối đa mức độ mở cửa của thị trường tài chính và tìm cách giám sát chặt chẽ cung tiền trong nền kinh tế.

Nói cách khác, nếu muốn trở thành đồng tiền chủ chốt được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, thì chính phủ quốc gia đó phải mở cửa thị trường tài chính, hạn chế can thiệp vào cung tiền. Arthur Kroeber, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh, bình luận: “Bài học chủ chốt là đồng tiền của bạn sẽ không thể trở thành đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu như đồng USD hay đồng euro, trừ khi bạn sẵn sàng duy trì một mức độ cởi mở cao của thị trường tài chính trong một khoảng thời gian rất dài”. Đối với cấu trúc kinh tế của Nhật Bản cách đây gần ba thập kỷ và kinh tế Trung Quốc hiện tại, điều này không phải là một việc dễ dàng thực hiện, và thậm chí có thể đem lại những rủi ro và nguy cơ rất lớn nếu được thực hiện một cách vội vã.

Thậm chí, tình cảnh mà đồng yen phải đối mặt khi muốn thách thức đồng USD cách đây gần ba thập kỷ cũng không quá khác biệt với những gì đồng nhân dân tệ hiện đang phải đối mặt. Kể từ sau thời điểm thế chiến thứ hai kết thúc, tỷ giá đồng yen rơi vào một tình trạng cứng nhắc và thiếu linh hoạt, bị quy định chặt chẽ bởi hệ thống Bretton Woods, trong đó quy định tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt nhất thế giới một cách khá cứng nhắc. Ở thời điểm đó, theo tỷ giá của hệ thống Bretton Woods, 1 USD đổi được 360 yen, và nó được duy trì trong nhiều năm, chỉ được nới lỏng một chút vào năm 1959 khi một biên độ giao dịch mới được thiết lập. Chính việc cố định tỷ giá đồng yen so với đồng USD này, là một trong những lý do hàng đầu khiến đồng nội tệ của Nhật Bản rất khó được quốc tế hóa một cách rộng rãi.

Đồng nhân dân tệ ở thời điểm hiện tại cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, dù không còn một hệ thống Bretton Woods nào để áp đặt một quy định tỷ giá cứng nhắc. Lý do chủ yếu xuất phát từ số dự trữ ngoại hối lên tới gần 4.000 tỉ USD của chính phủ Trung Quốc, nó đã trở thành một thứ tương tự như hệ thống Bretton Woods để buộc Bắc Kinh không thể quốc tế hóa một cách rộng rãi đồng nhân dân tệ, dù thực tế là họ cũng không thực sự muốn làm điều đó.

Dĩ nhiên, tình hình của Trung Quốc hiện tại không giống hoàn toàn với Nhật Bản cách đây gần ba thập kỷ. Sức mạnh và quy mô khổng lồ của kinh tế Trung Quốc hiện nay đang mang lại một số lợi thế cho nước này so với Nhật Bản trước đó. Hiện kinh tế Trung Quốc đang chiếm tới 18% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu dựa theo sức mua tương đương, là điều mà Nhật Bản chưa từng đạt được kể cả ở thời điểm phát triển mạnh mẽ nhất. Mặc dù đồng nhân dân tệ mới chỉ chiếm khoảng 1,1% dự trữ toàn cầu vào cuối năm 2014 theo khảo sát của Quỹtiền tệ quốc tế (IMF), thì mức tỷ lệ của đồng nội tệ Trung Quốc trong giỏ tiền dự trữ SDR ở thời điểm hiện tại đang là 10,9%, xếp thứ ba và cao hơn so với đồng yen và đồng bảng Anh.

Tuy vậy, những nguy cơ và rủi ro mà đồng nhân dân tệ phải đối mặt khi thách thức đồng USD đang rất giống những gì đồng yen phải trải qua cách đây gần ba thập kỷ. Lý do chủ yếu nhất khiến vị thế đồng yen suy giảm là cú sốc do vỡ bong bóng trong nền kinh tế Nhật những năm 1991-1992. Kinh tế Nhật suy trầm và giảm phát trong hai thập kỷ cũng là thời gian đồng yen sụt giảm vị thế nghiêm trọng. Hiện kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tương tự, khi bong bóng bất động sản, nợ xấu đang đe dọa có thể vỡ bất cứ lúc nào, và đẩy đồng nhân dân tệ đi theo vết xe đổ của đồng yen.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân dân tệ muốn thách thức USD: Hãy nhìn bài học của đồng yen