Trong số nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương, người ta thường nhắc đến "Thành phố buồn" - một tình khúc bất hủ về Đà Lạt.

Nhạc sĩ Lam Phương mất - 'Thành phố buồn' chắc sẽ buồn hơn!

Tiểu Vũ | 23/12/2020, 19:40

Trong số nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương, người ta thường nhắc đến "Thành phố buồn" - một tình khúc bất hủ về Đà Lạt.

Lam Phương - nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam, người sáng tác hàng trăm bản tình ca nổi tiếng đã mất lúc 6 giờ chiều 22.12 (theo giờ Mỹ) tại Fountain Valley, bang California. Ông hưởng thọ 83 tuổi.

Sau những đóng góp to lớn cho nền tân nhạc nước nhà, sau những thăng trầm trong đời sống cá nhân, nhạc sĩ Lam Phương đã rời xa cõi tạm để với cõi vĩnh hằng một cách nhẹ nhàng. Sự ra đi của ông là mất mát rất lớn của nền âm nhạc Việt Nam trong nước và hải ngoại.

lam-phuong-01-1.jpg
Nhạc sĩ Lam Phương - Ảnh: T.L

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20.3.1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc miền Nam với hàng trăm nhạc phẩm về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, thân phận của con người trong chiến tranh và những mất mát đau thương do biến cố lịch sử và thời cuộc.

Âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa của người miền Nam trước năm 1975. Các bài hát của ông hiện diện khắp nơi, từ thành phố cho đến làng quê, từ quán cà phê vỉa hè đến những phòng trà sang trọng. Người yêu mến nhạc của ông cũng thuộc đủ tầng lớp trong xã hội, từ người bình dân đến giới trí thức.

Mỗi tác phẩm của Lam Phương đều chứa đựng những câu chuyện từ chính cuộc đời của ông hoặc những gì ông đã chứng kiến, thấu hiểu. Cái nghèo, nỗi buồn, cô đơn trong sáng tác của ông đi vào lòng người nghe một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, tiêu biểu là những bài hát như: Kiếp nghèoBài tango cho em, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Cỏ úa, Biển tình, Chuyện buồn ngày xuân…

Năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương theo đoàn văn nghệ "Hoa tình thương" đi trình diễn ở Đà Lạt. Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, nhạc sĩ Lam Phương đã cảm nhận được hết được vẻ đẹp của thành phố cao nguyên này. Khi đứng bên khung cửa, ông nhìn thấy phía xa xa đồi núi sương khói che phủ cùng bóng của những cây thông già ẩn hiện trên những con đường quanh co. Chính những cảnh vật này là chất xúc tác để ông viết ca khúc Thành phố buồn không lâu sau đó.

Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương được Đài phát thanh Đà Lạt phát sóng lần đầu tiên vào năm 1970. Sau đó, bài hát xuất hiện nhiều nơi trên các phương tiện truyền thông và lan tỏa khắp miền Nam. Ca khúc phổ biến đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả nhưng chỉ nghe một đoạn là nhận ra. Thành phố buồn gắn với danh ca Chế Linh và qua nửa thế kỷ vẫn liên tục được ca sĩ trong và ngoài nước biểu diễn. 

Ca khúc này  cũng ghi nhận kỷ lục về số tiền thu về sau khi phát hành vào thời điểm đó. Trong cuốn Đà Lạt một thời hương xa, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên mô tả: "Bài hát trên không hẳn viết cho một nhân vật cụ thể nào như nhiều người đã suy diễn và thêu dệt. Nhưng số lượng xuất bản rất cao và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí đương thời tính toán được: khoảng 12 triệu đồng bản quyền - con số này quá lớn với một ca khúc!

Để dễ hình dung, một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng".

Thành phố buồn được lấy cảm hứng từ Đà Lạt, nhưng cái hay của nhạc sĩ Lam Phương là dù viết về Đà Lạt nhưng xuyên suốt ca khúc không có từ nào viết rõ là thành phố này. Bằng cách kể chuyện độc đáo, Lam Phương đã dẫn dắt người nghe đến với thành phố sương mù thông qua những ký ức đẹp đẽ về cuộc tình của hai người yêu nhau nhưng dở dang:

Thành phố nào nhớ không em?

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa

Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em

Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn

Nhưng rồi đôi trai gái đó đã chia tay để lại một Đà Lạt u buồn với những con đường đầy lá đổ và những khoảng trống của mất mát, chia xa:

Thành phố buồn lắm tơ vương

Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn

và con đường ngày xưa lá đổ

Giờ không em sỏi đá u buồn

Giờ không em hoang vắng phố phường...

Cũng như thân phận của người nhạc sĩ, bài hát Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương chịu nhiều thăng trầm theo biến cố thời cuộc. Sau năm 1975 bài hát này bị cấm lưu hành, mãi đến năm 2009 mới được cấp phép trở lại.

Cho đến nay, câu chuyện tình trong ca khúc Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương vẫn là một bí ẩn. Người ta không biết nhân vật trong bài hát của ông là ai, nên từ đó những tình tiết lãng mạn, ly kỳ cũng được thêu dệt thêm… Nhưng điều đó cũng không còn quan trọng bởi chuyện tình của họ đã trở nên quá quen thuộc trong bản tình ca bất hủ này.

Nhạc sĩ Lam Phương đã ra đi nhưng những ca khúc của ông chắc chắn sẽ ở lại rất lâu và còn mê hoặc nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Ông mất, từ đây "thành phố buồn" chắc sẽ buồn hơn!

Cùng nghe lại ca khúc Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương qua giọng ca Chế Linh:

Nhạc sĩ Lam Phương sinh ngày 20.3.1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang.

Năm 1947, ông đặt chân đến Sài Gòn và sau đó được người bác thứ tư cho đi học nhạc.

Năm 1952, ông công bố bản nhạc đầu tay Chiều thu ấy. Đến năm 1954, ông bắt đầu có tên tuổi với hai bài hát Kiếp nghèoChuyến đò vỹ tuyến.

Năm 1958, ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa và có nhiều sáng tác về người lính. Đến năm 1959 thì lập gia đình với nghệ sĩ kịch Túy Hồng.

Năm 1960, ông bắt đầu chuyển hướng viết tình ca với Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Em là tất cả… và trở thành một nhạc sĩ thành đạt; bắt đầu có cuộc sống khá giả về tài chính.

Năm 1963, ông chuyển hướng viết nhạc tình và là một trong những nhạc sĩ ăn khách bậc nhất miền Nam.

Năm 1965 - 1968, ông cùng nghệ sĩ Túy Hồng gầy dựng Ban Kịch Sống, đạt đến lên đỉnh cao nghệ thuật đại chúng trong sinh hoạt nghệ thuật Sài Gòn.

Năm 1970, ông sáng tác hàng loạt ca khúc trữ tình như: Thành phố buồn, Biển tình… Riêng Thành phố buồn đem lại thu nhập đến 12 triệu đồng.

Năm 1975, ông lên tàu Trường Xuân sang định cư Mỹ. Từ năm 1975 - 1978, ông làm thuê cho hãng Sears với các công việc lao động tay chân và cùng Túy Hồng dựng lại Ban Kịch Sống. 

Năm 1979, ông chia tay Túy Hồng và nhận tin mẹ mất. Năm 1980, ông qua Pháp “tị nạn ái tình” trước mất mát từ tình cảm gia đình. Từ năm 1981 - 1994, ông sống ở Pháp với nhiều nghề từ lao động tay chân đến quản lý nhà hàng và cũng là giai đoạn sáng tác nhiều bản tình ca nhất. Thời gian này, ông cưới người vợ thứ hai là Cẩm Hường.

Năm 1995, ông trở về Mỹ sau cuộc ly hôn lần hai. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác âm nhạc với các trung tâm Thúy Nga, Asia và đi lưu diễn ở nhiều nơi từ nước Mỹ đến châu Âu. Tháng 3.1999, ông bị tai biến mạch máu não và phải điều trị nhiều lần, sức khỏe sa sút cho đến ngày mất. 

Từ sau năm 1975 đến nay nhạc sĩ Lam Phương chưa trở về Việt Nam.

Đầu những năm 2010, nhạc của nhạc sĩ Lam Phương được nhiều đơn vị trong nước mua bản quyền để xin các cơ quan chức năng cấp phép phổ biến trong nước. Tính đến năm 2020, đã có 120/217 ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương được cấp phép biểu diễn trong nước.

Ngày 19.6.2017, lần đầu tiên một chương trình nhạc Lam Phương có tên là Lam Phương tuyệt phẩm được tổ chức tại Hà Nội. Trong chương trình này, 30 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Lam Phương được trình diễn trên sân khấu thủ đô nhưng nhạc sĩ không có mặt trực tiếp.

Bài liên quan
Cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương qua sách ‘Trăm nhớ ngàn thương’
“Trăm nhớ ngàn thương” là cuốn sách tư liệu viết về cuộc đời của nhạc sĩ tài hoa Lam Phương – tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Bài tango cho em, Thành phố buồn, Duyên kiếp, Khóc thầm, Mưa lệ, Kiếp nghèo…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Lam Phương mất - 'Thành phố buồn' chắc sẽ buồn hơn!