Từ khi còn là một cậu bé học tiểu học, một trong những cuốn sách tôi thích nhất, thích đến nỗi đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thấy chán, là cuốn Chú bé có tài mở khoá.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Người khát sống

1 | 04/03/2017, 11:02

Từ khi còn là một cậu bé học tiểu học, một trong những cuốn sách tôi thích nhất, thích đến nỗi đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thấy chán, là cuốn Chú bé có tài mở khoá.

Chẳng có gì khó hiểu cả, trong cuốn sách này có đủ những yếu tố để một đứa trẻ ham đọc phải say mê với nó: Một cốt truyện nhiều chất phiêu lưu với nhân vật chính là cậu bé bụi đời có tài mở tung mọi loại khoá, một cách kể chuyện cuốn hút, một cái kết có hậu như thường thấy trong các câu chuyện cổ tích.

Còn một điều nữa khiến tôi thêm yêu cuốn sách, đó là bối cảnh của những sự kiện xảy ra trong truyện chính là thành phố quê hương tôi, với biết bao hình ảnh vô cùng gần gặn: những ống khói nhà máy vươn cao trên nền trời, những hồi còi vào ca và tan tầm, những hàng phượng vĩ đỏ rực trong nắng hạ, những sân bóng đầy ắp tiếng reo hò, những bè gỗ phủ kín mặt sông Tam Bạc...

Phải thân thuộc với đất cát nơi này lắm thì mới có thể viết về nó sống động được như thế. Mãi về sau tôi mới biết, té ra tác giả của Chú bé có tài mở khóa - nhà văn Nguyễn Quang Thân - không sinh ra và lớn lên ở thành phố Cảng.

Ông là người Hà Tĩnh, mà lại là Hà Tĩnh của miệt rừng rú Hương Sơn, nơi khởi nguồn của con sông Ngàn Phố, nơi xưa kia cụ Phan Đình Phùng đã bền gan phất cao cờ nghĩa Cần Vương. Nghĩa là Hà Tĩnh... trăm phần trăm!

Nhưng có lẽ, không tính đến việc Nguyễn Quang Thân từng sống và làm việc ở Hải Phòng nhiều năm, chỉ riêng chuyện ông là người Hà Tĩnh – rộng ra, người xứ Nghệ – cũng đủ là lí do để ông hiểu và hợp với thành phố Cảng. Hải Phòng và Hà Tĩnh, hai vùng đất từng là những miền biên viễn trong suốt nhiều thế kỷ.

Cộng đồng cư dân ở hai vùng được hình thành từ nhiều nguồn đa tạp, họ phải bấm chặt chân vào đất để chịu đựng muôn vàn thử thách mà tồn tại trong cái tình thế miền biên viễn ấy.

Những cái tinh tế phiền phức trong nếp nghĩ nếp sống kiểu kinh kỳ nhạt đi, thay vào đó là cái khoáng đạt đến mức thô phác, cái can đảm đến mức liều lĩnh, cái chân thành đến mức thẳng băng. Và trên hết, là một phẩm chất đậm: tinh thần khát sống. Gặp Nguyễn Quang Thân ngoài đời thực, bây giờ, vẫn rất dễ nhận ra “bề nổi” của phẩm chất này.

Tuổi ngoại bảy mươi song ông vẫn đầy “phong độ”: vạm vỡ, cao lớn – chắc chắn ông thuộc loại cao lớn so với thế hệ của mình – ăn to nói khoẻ, cái bắt tay thật chặt và ấm nóng.

Chưa hết, ông còn là người mà chất erotic (hoa tình) trước tiên luôn “phát tiết” ở đằng miệng, và vì thế cũng luôn khiến chị em phụ nữ - bất kể già hay trẻ - khi trò chuyện với ông hầu hết đều phải... e lệ thẹn thùng.

Mà cũng chẳng phải chỉ erotic bằng con đường “khẩu thiệt” thôi đâu, bản thân “lịch sử tình ái” của ông với người bạn văn, bạn đời Dạ Ngân đã đủ là bằng chứng hiển hiện về một con người khát yêu, khát sống, dám đi tới cùng để dành lấy tình yêu lớn của đời mình. Gặp Dạ Ngân lần đầu tiên ở trại viết Vũng Tàu năm 1982, Nguyễn Quang Thân – khi ấy đã ở tuổi 46 và đã có một vợ ba con- mới biết rằng người đàn bà này mới đích thực là nửa kia của mình.

Tình yêu ào ạt say đắm khiến cho người chuyên viết văn xuôi như ông “không nín được”, phải bật ra những câu thơ tình nóng bỏng: “Cái cúc áo ấy vàng phải không em/ Nó không trắng, đen hay đỏ/ Nó màu vàng khoảnh khắc anh hôn em/ Nó vàng, nó không màu đỏ/ Phía trên chúng ta là tượng Phật ngồi/ Giữa anh và em là cái cúc áo/ Cột mốc biên giới mong manh mà anh đã dành trọn cuộc đời anh để vượt qua”. (Có lẽ, khi đã vượt qua “cột mốc biên giới – cái cúc áo” ấy rồi, ông có đủ lí do và sự dũng cảm để thay đổi tất cả, làm lại tất cả như chúng ta đều biết chăng?).

Đọc văn Nguyễn Quang Thân, cũng không khó để nhận diện chất erotic đặc trưng ấy: những cảnh “mây mưa, chăn gối” xuất hiện ở hầu khắp các truyện ngắn, tiểu thuyết của ông, với những chi tiết rất ấn tượng. Riêng tôi, tôi nhớ mãi hai chi tiết nằm ở hai tác phẩm.

Trong truyện ngắn Sông nước đời thường, ông cho người thanh niên làm nghề đò dọc nghêu ngao một câu ca: “Trăng lên khỏi núi mu rùa/ Cho anh đ... chịu đến mùa trả khoai”.

Trong tiểu thuyết Con ngựa Mãn Châu có nhân vật anh đánh xe ngựa tên Nuôi Tu, dù sắp chết vì đói (trong nạn đói năm 1945) nhưng vẫn cố dành chút sức tàn hòng “âu yếm” người con gái mà anh vẫn thầm thương trộm nhớ, mặc kệ cái sự thực sờ sờ là cô này cũng đang lả đi vì thiếu ăn!

Câu ca trong truyện ngắn là một câu ca dao của xứ Nghệ. Nhân vật anh Nuôi Tu “sắp chết vẫn còn ham” trong tiểu thuyết là một người xứ Nghệ chính tông. Vậy đấy, cái erotic mang chất Nghệ của Nguyễn Quang Thân. Nó không vòng vèo uốn lượn bằng lớp vỏ lịch thiệp tinh tế như ta thường thấy ở các vùng văn hoá trung tâm, kiểu Thăng Long hay Phú Xuân.

Nó mạnh mẽ, dữ dội, thậm chí dung tục. Song nó thật. Và nó như một khẳng định mạnh mẽ cho niềm ham sống, sự khát sống, nhu cầu tận hưởng thú vui trần thế mà đời sống mang lại của con người xứ Nghệ.

Người sao văn vậy, chỉ nói riêng ở phương diện này, Nguyễn Quang Thân chừng như đã làm được một cái nheo mắt giễu cợt trước lí thuyết của nhà văn Pháp Marcel Proust, khi ông này tuyên bố trong tiểu luận có tên Chống Saint Beuve, rằng: con người nhà văn trong đời thực và con người nhà văn trong tác phẩm chẳng mấy quan hệ gì với nhau.

Lại nhớ trước năm 1945, khi viết về hai nhà thơ lớn, hai danh nhân của xứ Nghệ là Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, nhà phê bình văn học Trương Tửu đã rất thường xuyên dùng thuyết địa lí - chủng tộc của Hippolite Taine để cắt nghĩa về cá tính và tác phẩm của hai vị này, trong đó, hồn vía của quê hương xứ Nghệ được coi như một trong những yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Điều đó có lẽ cũng đúng với Nguyễn Quang Thân. Ông yêu quê và ông luôn tự hào mình là người con của xứ Nghệ. Ngồi trong căn hộ ở khu tập thể Kim Giang và hít thở không khí Hà Nội, nhưng hễ có dịp là ông lại khoe với bạn bè về rừng núi Hương Sơn quê mình, về con sông Ngàn Phố chảy xuôi qua nơi chôn nhau cắt rốn của hàng loạt tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử văn hóa dân tộc: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện v.v...

Trong mảnh vườn nho nhỏ mà ông khéo thu vén để có được trên sân thượng nhà mình, ông trồng khá nhiều loại rau và cây gia vị được ông tận tay mang từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.

Ông nói với tôi rằng trong mảnh vườn này có những loại cây gần như đã bị tuyệt chủng ở quê gốc, như cây lá cách chẳng hạn, thậm chí người ở trong quê phải ra đây xin giống mang về để gây lại.

Thịt dê, nhất là dê núi Hương Sơn, mà ăn kèm với lá cách và tương gừng thì ngon phải biết. Người viết bài này đã có vài dịp may được thưởng thức món “hương túy” xứ Nghệ ấy trong bữa cơm gia đình ở nhà Nguyễn Quang Thân, thấm cái ngon, và cũng thấm luôn cả tấm tình tha thiết với quê hương của gia chủ.

Nói Nguyễn Quang Thân là người khát sống mà chỉ căn cứ vào cái chất erotic hừng hực của ông thì có lẽ còn chưa đủ. Ông khát sống, là khát một cuộc sống mà ở đó mọi vật đều được gọi bằng đúng tên của nó và được đặt vào đúng chỗ của nó. (Ông từng dịch một bài thơ của nữ thi sĩ Nga Akhmatova, trong đó có những câu mà dường như tác giả đã nói hộ lí tưởng sống của dịch giả: “Dù cái chết nhìn em tận mắt/ Em sẽ bỏ phiếu bầu như anh đã nhắc/ Cho cái cửa được là cái cửa/ Cho cái khoá được là cái khoá/ Cho con thú dữ dằn trong ngực em/ Được mãi là một trái tim”).

Nói cho đơn giản, đó là một cuộc sống tốt đẹp, ở đó xã hội tồn tại và vận hành trên những nguyên tắc tự do – công bằng – dân chủ, ở đó phẩm giá của con người được tôn trọng, ở đó những nhu cầu tự nhiên lành mạnh của con người được công nhận và những năng lực tích cực của con người được giải phóng.

Khát cuộc sống như vậy, ông ráo riết đấu tranh cho nó bằng tất cả sức mạnh của thứ vũ khí mà mình có: ngôn từ. Nhà văn Dạ Ngân có lần kể với tôi: “Có việc gì liên quan đến chính quyền địa phương là cô nhất quyết bắt ổng ở nhà, vì ra ngoải là ổng chỉ cãi nhau với người ta thôi, vừa mất thời gian, vừa hổng giải quyết được công chuyện của mình”.

Nói một chi tiết nhỏ như vậy để phần nào thấy được cái phẩm chất của một người phản biện xã hội trong Nguyễn Quang Thân. Phẩm chất này thể hiện rõ hơn nữa ở ông với tư cách một người viết báo. (Phải nói ngay rằng Nguyễn Quang Thân là một trong số ít những nhà văn ở ta có thể sống được bằng việc viết báo.

Viết báo gần như đã là công việc hàng ngày đối với ông). Dù là những bài báo chỉ ngắn chừng 4 – 500 chữ, theo kiểu “sổ tay nhà văn” hay “góc nhìn của nhà văn”, cho đến những bài bút ký dài hơi, ở đâu Nguyễn Quang Thân cũng bộc lộ một sự quan tâm mạnh mẽ của người trí thức đến những vấn đề nóng đang đặt ra trong đời sống xã hội, trong quá trình phát triển của đất nước.

Có những sự việc rất đỗi bình thường và cũng rất dễ trượt đi trong cái nhìn của nhiều người, thì với ông, đôi khi nó lại là đầu mối của những chuyện không bình thường một chút nào.

Tôi còn nhớ đã đọc một bài ông viết về nạn lâm tặc ở trên báo Thể thao&Văn hóa (không rõ số ra ngày nào, vì ông viết hàng tuần cho báo này). Trong đó ông đã chỉ ra những kẻ phá rừng “thứ thiệt”: chúng không phải đám đang cưa xẻ cây ở trên rừng, mà chính là các cơ quan công quyền. Trong phần lớn các cơ quan này, đâu cũng là gỗ, mà phải là gỗ quý.

Họ dùng tiền nào để “chơi sang” vậy? Và liệu các bộ phận mang chức năng ngăn chặn lâm tặc có ích gì không khi mà những cơ quan công quyền nọ vẫn nhơn nhơn với cái thói phú ông như thế? Bài báo toát ra những câu hỏi đầy phẫn nộ, sự phẫn nộ của một trí thức chân chính trước cái chướng mắt trong đời sống.

Tinh thần phản biện xã hội, sự trăn trở đau đáu của người trí thức trước những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của đất nước cũng chính là một chủ đề lớn trong văn Nguyễn Quang Thân.

Vào thời kỳ cao trào của văn học đổi mới (1986 – 1992), trong hai tiểu thuyết Một thời hoa mẫu đơn và Ngoài khơi miền đất hứa cũng như trong hàng loạt truyện ngắn khác, nhân vật chính của Nguyễn Quang Thân luôn là người trí thức.

Người trí thức sống trong một xã hội mà các giá trị trở nên nhập nhoạng, thậm chí bị đảo lộn bởi sự chuyển đổi cơ chế chưa đi đến cùng đích. Người trí thức bị giằng xé giữa một bên là khát vọng giữ gìn phẩm giá và khát vọng bảo vệ lý tưởng sống cao đẹp của mình, bên kia là nhu cầu về một sự tồn tại được đảm bảo bằng tình thế yên thân và yên phận và có đủ cơm ăn hàng ngày.

Họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai: để mình được là mình, họ phải đấu tranh và chịu bầm dập; để tránh sóng gió, họ phải hùa theo thói thường, và khi ấy họ đã không còn là mình. Trên hướng thứ nhất, Nguyễn Quang Thân có nhân vật Huy, một nhà khoa học vật lí trong Một thời hoa mẫu đơn.

Huy kiêu hãnh tuyên bố với lãnh đạo: “Tôi có thể đi hót cứt bán để kiếm sống, chữa morat nhà in hoặc làm nhà soạn sách phổ biến khoa học, phụ trách một phòng thí nghiệm vật lí hoặc giảng dạy ở trường đại học. Nếu có Viện Hàn lâm tôi có thể phấn đấu trở thành viện sĩ.

Tôi có thể chân thành nói rằng nếu tôi nhận làm việc gì tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Trên hướng thứ hai, Nguyễn Quang Thân có nhân vật Hảo trong truyện ngắn Vũ điệu của cái bô nổi đình đám một thời. Là một phó tiến sĩ hóa học đang trong cảnh thất nghiệp, Hảo nhận làm người giữ trẻ cho một bà nạ dòng thừa tiền thiếu tình.

Càng phải chứng kiến cảnh giàu có và lối sống sa đọa của kẻ giàu trong gia đình nhà chủ, Hảo càng xót xa cho phận trí thức nghèo của mình. Và điều tệ hại hơn, mặc cảm ấy làm anh tê liệt cả khả năng nhận biết và hưởng thụ cái đẹp, tê liệt cả năng lực đàn ông của mình.

Trước sự tấn công của một người đàn bà đẹp, “anh chỉ rúm ró lại trong nỗi đau của một hàn sĩ”. Về sau này, năm 2001, trong tiểu thuyết Con ngựa Mãn Châu (tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 – 2002) sự trăn trở trước thân phận người trí thức của Nguyễn Quang Thân đã có thêm được chiều kích của một trăn trở lịch sử.

Đẩy câu chuyện về những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã để nhân vật Chinh, nguyên chánh thanh tra sở hỏa xa của chế độ cũ, nói câu vĩnh biệt với em ruột mình, người đang ở vị trí chủ tịch huyện của chế độ mới: “Chú biết đấy, tôi không phải bạo chúa hay một thằng tư bản. Nhiều khi trong túi tôi không có một đồng xu.

Tôi không ôm mộng làm giàu hay ăn trên ngồi trốc. Tôi yêu và thương người nghèo. Nhưng đối với tôi trí thức muôn đời là linh hồn của dân tộc. Đây là linh cảm của tôi... chú có muốn nghe không? Đây là linh cảm của tôi: sẽ có ngày lũ trí thức các chú được nếm mùi”.

Đối với tôi, nhà văn Nguyễn Quang Thân – tôi vẫn thường gọi ông bằng hai chữ ngắn gọn “chú Thân” – là như thế. Ông sống và viết với tư thế của một người dấn thân, một người đầy tự tin vào hành động của mình cũng như cái đích đến của hành động ấy.

Đơn giản, ông là người khát sống. Trong cuộc đời. Và trong cả cái viết.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa mất đột ngột sau cơn đột quỵ tại nhà vào lúc 3g15 ngày 4.3.2017, hưởng thọ 81 tuổi

Hoài Nam/Tiền Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Người khát sống