Gần đây Nhà Trắng (Mỹ) đã giải mật tài liệu khung chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhà Trắng giải mật 'Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' liên quan đến Trung Quốc

Đức Thanh (theo Deutsche Welle) | 17/01/2021, 12:33

Gần đây Nhà Trắng (Mỹ) đã giải mật tài liệu khung chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hôm thứ ba (12.1), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O'Brien đưa ra tuyên bố: “Hôm nay, Nhà Trắng đã công bố khung chiến lược của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được giải mật. Trong ba năm qua, tài liệu này đã hướng dẫn chiến lược tổng thể việc thực hiện ‘Chiến lược An ninh Quốc gia’ (Mỹ) năm 2017 tại khu vực đông dân nhất và hoạt động kinh tế sôi động nhất toàn cầu.... Công bố tài liệu này để người dân Mỹ và đồng minh cùng đối tác của chúng ta hiểu rõ rằng cam kết của Mỹ về gìn giữ tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai lâu dài”.

Ba thách thức lớn

Tài liệu liệt kê ba thách thức lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm: Làm thế nào bảo đảm ưu tiên chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kết hợp thúc đẩy trật tự kinh tế tự do..., ngăn chặn Trung Quốc thiết lập phạm vi ảnh hưởng mới phi tự do; Làm thế nào để bảo đảm Triều Tiên trong tương lai không thể đe dọa Mỹ và các đồng minh?; Làm thế nào để thúc đẩy thương mại công bằng và cùng có lợi đi cùng nâng cao vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ?

14 suy luận giả thuyết

Tài liệu cũng liệt kê những lợi ích quan trọng lâu dài của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua 14 suy luận giả thuyết.

Trong số 14 suy luận giả thuyết có 6 vấn đề liên quan trực tiếp đến Trung Quốc: cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục; Trung Quốc sẽ nỗ lực phá vỡ liên minh và hợp tác của Mỹ trong khu vực; ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ tiếp tục gia tăng gây tác động lợi ích của Mỹ trong khu vực; Trung Quốc nỗ lực để chi phối công nghệ tiên tiến và thực trạng này sẽ là thách thức sâu rộng cho xã hội tự do, cần một Ấn Độ hùng mạnh có thể đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra còn có suy luận: Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận ngày càng mạnh mẽ trong việc thống nhất Đài Loan.

Từ đó, tài liệu đề cập về “Trạng thái cuối cùng lý tưởng” và “Phương hướng nỗ lực”. Phần “Phương hướng nỗ lực” lần lượt đề cập đến 5 vấn đề: Liên minh và Hợp tác, Ấn Độ và Nam Á, Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên, Đông Nam Á và quần đảo Thái Bình Dương.

Trong mục liên quan đến Trung Quốc của phần “Phương hướng nỗ lực”, tài liệu đưa ra 7 mục tiêu (Objectives) và hành động tương ứng, khái quát như dưới đây.

7 mục tiêu quan trọng đối phó Trung Quốc

1. Ngăn chặn chính sách công nghiệp và hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc làm méo mó thị trường toàn cầu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Mỹ. Hành động tương ứng: ngăn chặn hành vi kinh tế mang tính tước đoạt của Trung Quốc, gây dựng đồng thuận quốc tế trong ứng phó chính sách công nghiệp và các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc làm tổn hại hệ thống thương mại quốc tế.

2. Bảo đảm lợi thế đổi mới công nghiệp của Mỹ đối với Trung Quốc. Hành động tương ứng: hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và các nước có cùng chí hướng, mở rộng phạm vi của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) của Mỹ, áp dụng chính sách trong nước có thể thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ chủ chốt.

3. Thúc đẩy giá trị Mỹ trong khu vực nhằm duy trì ảnh hưởng, đối trọng với mô hình Trung Quốc. Hành động tương ứng: thúc đẩy các sáng kiến thể hiện lợi thế của dân chủ và tự do, đoàn kết với các đối tác chia sẻ chung giá trị để nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi và tự do được quốc tế công nhận;… cung cấp hỗ trợ phát triển, kỹ thuật và pháp lý cho những quốc gia đang tìm kiếm cải cách.

4. Ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực với Mỹ cùng đồng minh và đối tác, thúc đẩy phát triển kế hoạch và thực lực có thể đánh bại Trung Quốc trong các cuộc xung đột. Những hành động tương ứng là: tăng cường sức ảnh hưởng quân sự và thế trận quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; giúp các đồng minh và đối tác của Mỹ nâng cao khả năng an ninh; xây dựng và thực hiện một chiến lược quốc phòng bao gồm nhưng không giới hạn ở ba điểm sau: (1) Tước quyền kiểm soát liên tục trên không và trên biển của Trung Quốc ở ‘chuỗi đảo thứ nhất’ trong xung đột (2) Bảo vệ các nước thuộc chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có Đài Loan (3) Kiểm soát tất cả các khu vực bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất.

5. Tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực, đồng thời phổ biến hành vi cưỡng chế của chính phủ Trung Quốc đối với các chính phủ, công ty, trường đại học, du học sinh Trung Quốc, giới truyền thông và thường dân.... Hành động tương ứng: thiết lập cơ chế cung cấp thông tin công khai, những thông tin này giải thích những hành động của Trung Quốc và những vấn đề mà Trung Quốc gây ra đối với lợi ích, tự do và chủ quyền của các nước khác; nỗ lực thúc đẩy kết nối với người dân Trung Quốc trong điều kiện không bị kiểm soát.

6. Hợp tác với Trung Quốc khi phù hợp lợi ích của Mỹ. Hành động tương ứng: chú trọng tương tác cấp cao và có tính thực chất trong ngoại giao với Trung Quốc, thực hiện kỳ vọng của tổng thống về một mối quan hệ chú trọng hiệu quả mang tính xây dựng; ngoại giao trong quá khứ thường rộng rãi mà hời hợt, điều đó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

7. Bảo đảm ưu thế tình báo trước Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn các hoạt động tình báo của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh cùng đối tác. Hành động tương ứng bao gồm tăng cường khả năng phản gián của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác nhằm chống lại Trung Quốc.

Một số đánh giá liên quan

Nhiều tổ chức truyền thông từng chỉ ra tài liệu này được xếp vào loại “cơ mật” và “không công khai cho công dân nước ngoài”, việc giải mã như vậy là sớm hơn lệ thường hàng chục năm. Nhưng tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập đến vấn đề này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13.1: “Một số chính khách Mỹ ý đồ dùng cách giải mật tài liệu liên quan để lưu lại cái gọi là ‘di sản’, nhưng nội dung của tài liệu này lại vừa khéo bộc lộ tâm hiểm ác của Mỹ về việc dùng ‘chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’ nhằm áp chế Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, như vậy thực chất là chiến lược duy trì bá quyền”.

Đài Tiếng nói nước Mỹ (VOA) đưa tin, Rory Medcalf, Viện trưởng Viện An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết, “Việc giải mật tài liệu đã gửi tín hiệu, cho thấy chính phủ Mỹ kỳ vọng duy trì quan hệ giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Trang The Diplomat của Mỹ đã có bài cho rằng tài liệu đã liệt kê những mục tiêu đầy tham vọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng dường như thể hiện hạn chế về cách thức đạt được những mục tiêu này. Đề cập khu vực Đông Nam Á của tài liệu, bài viết dẫn lời Evan Laksmana, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia, nói rằng mô tả của tài liệu về khu vực Đông Nam Á là “đáng thất vọng, nhưng không gây ngạc nhiên”. Bài viết cho rằng tài liệu đã xác nhận một điều từ lâu đã rõ ràng dưới thời Trump và những người tiền nhiệm: Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á vẫn chỉ là một phần trong chính sách đối với Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Trắng giải mật 'Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' liên quan đến Trung Quốc