Dù có nguy cơ đổ vỡ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, cơ quan truyền thông Nhà Trắng đã cho đúc 250 đồng xu kỷ niệm có hình lãnh đạo của 2 nước.
Lập tức Nhà Trắng bị người dân Mỹ chỉ trích là “kỳ cục” hoặc “chưa trưởng thành”, vì nhiều khả năng cuộc gặp sẽ bị đổ vỡ.
Bình Nhưỡng đã bất ngờ tuyên bố hoãn một cuộc gặp cấp cao liên Triều dự kiến vào ngày 16.5, vì Mỹ-Hàn có cuộc tập trận chung Thần Sấm 2018, và dọa hủy cuộc gặp đối mặt giữa hai ông Kim-Trump tại Singapore vào ngày 12.6 tới, với cớ Mỹ cứ đòi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân (VKHN).
Đồng xu kỷ niệm phát đi thông điệp sai "hoan nghênh sự tôn sùng lãnh đạo"?
Đồng xu kỷ niệm tạc hình Trump trừng mắt nhìn ông Kim tươi cười khi đối mặt nhau, trên nền cờ 2 nước. Ở mặt sau của đồng xu có hình Nhà Trắng, chuyên cơ Air Force One và dấu triện của tổng thống Mỹ.
Nhiều nhà quan sát còn lo ngại đồng xu có thể phát đi thông điệp sai. Vì đồng xu tạc ông Kim được gọi là “Lãnh đạo Tối cao”, phía trên in dòng chữ “Đối thoại Hòa bình” bằng tiếng Anh và tiếng Triều Tiên, còn bên dưới là năm “2018”.
Theo báo Guardian ngày 22.5, dòng họ Kim cầm quyền ở Triều Tiên từ lâu xây dựng sự tôn sùng cá nhân lãnh đạo, và các đảng viên đảng Lao động Triều Tiên thường đeo huy hiệu tạc chân dung nhà lập quốc Kim Il-sung và con trai là cố Chủ tịch Kim Jong-il. Ảnh chân dung hai vị cũng được treo ở trường học, nhà dân...
Cơ quan truyền thông Nhà Trắng thường đúc những đồng xu kỷ niệm để làm quà cho quan khách nước ngoài, các nhà ngoại giao và binh sĩ. Nhiều đồng xu được bán trên Văn phòng quà tặng Nhà Trắng.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Raj Shah, những đồng xu này được một nhà sản xuất của Mỹ thiết kế và chế tạo. Ông Shah nói các đồng xu kỷ niệm chỉ được đặt làm sau khi một chuyến đi hoặc sự kiện nào đó được thông báo công khai.
"Ghế tài xế" dẫn tới cuộc gặp Mỹ-Triều của Tổng thống Hàn Quốc bị lung lay
Theo hãng tin AP, ông Trump chỉ chú trọng tính hoành tráng của cuộc gặp thượng đỉnh, chứ không quan tâm chi tiết về vấn đề VKHN của Triều Tiên.
Ông Trump đã liên tục khẳng định ông sẵn sàng rút khỏi cuộc gặp ông Kim, và kịch bản này càng có thể xảy ra, sau khi Mỹ-Triều lại đấu khẩu.
Trong bối cảnh này, AP dùng chữ “ghế tài xế lung lay” để chỉ việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nỗ lực cứu cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Trump-Kim.
Ngày 22.5 (giờ Mỹ), ông Trump sẽ nói chuyện riêng với ông Moon tại Nhà Trắng, trong bối cảnh Triều Tiên dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng như xối gáo nước lạnh vào hàng loạt động thái ngoại giao do chính Triều Tiên khởi xướng, sau một năm thực hiện nhiều cuộc thử tên lửa và hạt nhân như khiêu khích lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố này cũng làm giảm vai trò tế nhị của Hàn Quốc như một trung gian hòa giải giữa Mỹ-Triều, và gây thắc mắc về tuyên bố của ông Moon: ông Kim thật sự muốn thương lượng để ngưng chương trình tên lửa và hạt nhân.
Khi Hàn Quốc có thể nhận công lao điều phối một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên, các quan chức có thể đã quá lạc quan về những tín hiệu từ Bình Nhưỡng phát đi.
Hồi tháng 3, trong chuyến thăm Nhà Trắng và thuyết phục được ông Trump đồng ý gặp ông Kim, Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong của Tổng thống Moon nói ông Kim đã nói với quan chức Hàn Quốc thăm Bình Nhưỡng: ông hiểu các cuộc tập trận của Mỹ-Hàn “phải được tiếp tục”. Đó là một tín hiệu được xem là Bình Nhưỡng từ bỏ nhận định trước đây: Mỹ- Hàn tập trận để xâm chiếm Triều Tiên.
Nhưng tuần rồi, Triều Tiên lại chỉ trích cuộc tập trận chung Thần Sấm 2018 và Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, tái sử dụng ngôn ngữ để biện hộ việc sở hữu VKHN và nói điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân là Mỹ phải từ bỏ “chính sách thù địch, tống tiền và đe dọa hạt nhân” đối với Triều Tiên.
Giáo sư Du Hyeogn Cha của Viện Nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc) nói có lẽ khi gặp nhau hồi tháng 3 và tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thuyết phục ông Kim có quan điểm cứng rắn hơn, về các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Ông Kim cũng có thể đã đề nghị Trung Quốc nới lỏng việc thực hiện lệnh cấm vận Triều Tiên, và ông Kim cũng có thể đã mong Triều Tiên cam kết phản đối kịch liệt bất kỳ giải pháp quân sự nào Mỹ có thể phát động, nếu như cuộc gặp của hai lãnh đạo Mỹ-Triều đổ vỡ và Triều Tiên lại thử tên lửa.
Hàn Quốc có thể mất hẳn tiếng nói, nếu ông Trump chọn cách trực tiếp bàn cách giải quyết vấn đề Triều Tiên với Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, khi Bắc Kinh không muốn đứng ngoài tiến trình ngoại giao toàn cầu để giải quyết vấn nạn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) tuyên bố việc lãnh đạo Mỹ-Hàn gặp nhau chỉ tập trung vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Seoul cũng nhấn mạnh có thể thuyết thục được ông Kim từ bỏ cơ sở hạ tầng, nguyên liệu hạt nhân và bom hạt nhân, theo một chương trình giám sát có thể kiểm chứng, đổi lại là Triều Tiên được Mỹ bảo đảm an ninh và hỗ trợ kinh tế.
Theo hãng tin AP, hai ông Moon-Trump có thể sẽ bàn những nước đi mà ông Trump sẽ đặt lên bàn cuộc gặp ông Kim ở đảo quốc sư tử Singapore.
Và cuộc gặp ở Nhà Trắng giữa hai lãnh đạo Mỹ-Hàn cũng có thể tính đến cuộc họp 3 bên giữa lãnh đạo Mỹ-Triều- Hàn, hoặc cuộc họp 4 bên (có thêm Trung Quốc) nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bằng một hiệp định hòa bình vĩnh viễn, kết thúc tình trạng đình chiến lâu nay.
Ông Koh Yu-hwan, một chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Dongguk (ở Seoul) và là cố vấn chính sách của Tổng thống Moon, nói lãnh đạo Mỹ-Hàn có thể trao đổi cái nhìn về khả năng hai nước có nên tạm sửa các cuộc tập trận chung, trong khi tiến hành đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên. Hai bên cũng có thể bàn sâu về tương lai của khối đồng minh Mỹ-Hàn.
Mỹ đòi Triều Tiên từ bỏ VKHN mới có thưởng hỗ trợ kinh tế
Hàn Quốc vẫn duy trì một viễn cảnh lạc quan về cuộc gặp Kim-Trump. Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã nói với các nghị sĩ Hàn Quốc: Triều Tiên đã cam kết “hoàn toàn phi hạt nhân”. Nhưng bà Kang cũng nói “có những quan điểm khác biệt giữa Mỹ-Triều về các cách đạt được sự phi hạt nhân hóa”.
Các quan chức Mỹ thì nói về một thỏa thuận toàn diện, trong đó Triều Tiên trước tiên phải từ bỏ VKHN thì sau đó mới được “thưởng”.
Nhưng ông Kim đã kêu gọi một tiến trình đàm phán từng giai đoạn, mà mỗi hành động của ông thì Mỹ cũng phải có “phẩn thưởng” ngay lập tức.
Dù Hàn Quốc đã trấn an, vẫn chưa rõ ông Kim sẽ đồng ý hoàn toàn từ bỏ VKHN hay không, vì ông đã xem đó là “bảo kiếm công lý” giúp chế độ của ông tồn tại.
Từ hàng chục năm qua, Triều Tiên thúc đẩy một khái niệm “phi hạt nhân” (Denuclearization) không giống theo cách định nghĩa của Mỹ, và Bình Nhưỡng “thề” sẽ theo đuổi phát triển VKHN trừ phi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và rút “dù hạt nhân” bảo vệ Hàn Quốc và Nhật.
Hồi tháng 11.2017, lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố nước ông đã là một cường quốc hạt nhân, sau khi phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ ba.
Tại một phiên họp đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 4.2018, Bình Nhưỡng tuyên bố ngưng hoàn toàn việc thử hạt nhân và ICBM, và sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân ngầm vì nó đã “hoàn thành nhiệm vụ”.
Tuyên bố này rõ ràng nhằm phát đi thông điệp chính ông Kim ở một thế mạnh sẽ bước vào bàn đàm phán với ông Trump, và được đối xử như lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân.
Giáo sư Cha nói: “Sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim sẽ được quyết định, bằng việc sẽ có hay không một cuộc đàm phán phi hạt nhân, hoặc đàm phán giảm thiểu VKHN giữa hai cường quốc hạt nhân. Cho đến nay, Triều Tiên đã ra điều kiện cuộc gặp sẽ phải có kết quả là tiến hành đàm phán giảm thiểu VKHN”.
Vĩnh Thụy (theo Guardian, Washington Times)