Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa từ giã trần thế và bạn bè, bạn đọc văn chương vào lúc 16h30 chiều thứ Bảy 20.3 tại nhà riêng ở Hà Nội. Trên Duyên Dáng Việt Nam, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, một người bạn văn vong niên với ông đã viết những dòng tâm sự.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: ‘Sao vội vã quá anh Thiệp ơi!’

Theo DDVN | 21/03/2021, 08:43

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa từ giã trần thế và bạn bè, bạn đọc văn chương vào lúc 16h30 chiều thứ Bảy 20.3 tại nhà riêng ở Hà Nội. Trên Duyên Dáng Việt Nam, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, một người bạn văn vong niên với ông đã viết những dòng tâm sự.

Theo nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, một người bạn văn rất thân của nhà văn, thì Nguyễn Huy Thiệp mất vào lúc 14g30 ngày 20.3.2021.

Ông sinh ngày 20.4.1950 ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì - Hà Nội.

Trước khi trở thành nhà văn, ông đã có 10 năm dạy học ở miền núi phía Bắc. Tuy xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam nhưng chỉ với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986 ông nhanh chóng trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi bởi một giọng văn “phũ”, dám đi đến tận cùng cái ác của con người để mà tiêu trừ nó.

nhavan1.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…

Ngoài truyện ngắn, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản (phim, chèo), thơ, tiểu luận... Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu.

Trong đó cuốn Tuổi 20 yêu dấu là cuốn ông viết từ nguyên mẫu là con trai của mình, một cậu trai đã bị cơn bão ma túy và cơn bão của thời đại đô thị hóa mạnh mẽ cuốn đi.

nhavan2.jpg

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và bạn bè ở Sài Gòn, 2011. Trong ảnh có GS TS Văn chương Trần Lê Hoa Tranh, nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh, dịch giả Ngô Văn Danh (Ý), nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thạc sĩ Mỹ Phương - Ảnh: Facebook Hoa Tranh

"Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ..."

Anh Nguyễn Huy Thiệp mất lúc 16h30 chiều 20.3 khi chúng tôi đang ngồi với nhau trong một tiệc chiêu đãi của Điêu khắc gia Đào Châu Hải trên phố Trần Bình Trọng - Hà Nội. Mừng thành công của buổi nói chuyện về triển lãm "Thinh - trong bối cảnh nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại " mang dấu ấn đột phá mạnh mẽ về điêu khắc hiện đại của anh tại Cà phê thứ Bảy do anh Dương Thụ tổ chức và điều phối chương trình. Có tôi và họa sĩ Đinh Phong bay từ Sài Gòn ra.

Chuyến nay này ra Bắc của tôi ngoài ý định dự buổi nói chuyện khá đặc biệt của anh Đào Châu Hải, đêm nói chuyện "Về Bến Lạ, Thơ và Tranh" tổ chức tại Viện Pháp của ba họa sĩ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Nguyễn Thụy Kha - Lê Thiết Cương thì còn một công việc riêng.

Buổi gặp khá thân mật ấm áp tại nhà hàng trên phố Trần Bình Trọng nhiều bóng cây xanh rất đẹp. Càng vui hơn khi có các anh, chị là dịch giả, nhà văn, họa sĩ nổi tiếng trong nước cũng như từ hải ngoại về như Trịnh Lữ, Thành Chương, Lê Đình Nguyên, Phạm Hà Hải, Đinh Phong, Hải Galery Mai, Vương Thừa Lâm, Dũng Tý, Lê Huy Thông... và một vài người bạn khác nữa tôi không nhớ tên.

Giữa buổi thì tôi gặp họa sĩ Lê Đình Nguyên, còn có cái tên yêu bạn bè đặt là "Nguyên Trâu" công việc riêng của tôi: -"Lần nào em ra Hà Nội cũng phải gặp anh Thiệp hết! Khi anh Thiệp và anh Bảo Sinh vào Sài Gòn thì cũng gọi cho em... Lúc nào biết em ra là anh Thiệp cùng anh Bảo Sinh cũng hẹn gặp nhau cùng đi ăn rồi cà phê ở quán Nhân trong phố cổ. Mai anh Nguyên đưa em và anh Đinh Phong sang thăm anh Thiệp được không? Tội nghiệp anh ấy... Chuyến này sao bệnh lâu quá...". Nguyên Trâu đồng ý sáng mai chúng tôi sẽ củng đi!

Ai ngờ lúc 4h 30 chiều thì trên mạng, facebook tràn ngập thông tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời! Sao vội vã quá anh Thiệp ơi! "Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt" hay sao?

***

Đêm phương Bắc nằm ở Somerset trần trọc nhớ linh tinh những câu chuyện bởi không thể nào ngủ được. Tiết trời vẫn còn mùa xuân muộn lành lạnh khó tả như một nỗi buồn, niềm đau tâm hồn này không thể nói ra. Đã thế vào đọc facebook họa sĩ Lê Thiết Cương. Thấy Cương viết vài chữ ngắn về sự ra đi của Thiệp cùng nỗi mất mát lớn lao không thể nào bù đắp nổi cho văn học Việt lại càng thương nhớ không nguôi. Ừ, nhiều kỷ niệm quá! Tôi được chơi với anh Lê Thiết Cương tài hoa cũng do anh Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu. Thiệp nói cười vô cùng hồ hởi: -"Ông phải chơi với Cương tôi muốn những anh em trẻ có tâm văn nghệ chơi với nhau. Mà tạo sao không nhỉ? Cuộc chơi như thế mới thích, mới thú...". Từ Cương tôi được gặp thêm bao nhiêu người hay người tài ở Thủ đô không phải bắt cầu từ một Nguyễn Huy Thiệp hay sao?

nhavan3.jpg

Ngày về của Nguyễn Huy Thiệp - Tranh họa sĩ Đinh Trường Chinh vẽ chiều 20.3.2021 sau khi nghe tin ông qua đời ở Hà Nội.

***

Đã thành một thói quen ra Bắc, ra Hà Nội thế nào cũng hẹn hò với anh Thiệp, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Từ nay và mãi mãi về sau sẽ không còn có những hạnh phúc gặp gỡ bình dị và lớn lao như thế được nữa rổi! Cũng như anh vào Nam, vô Sài Gòn anh nhắn cho tôi. Tôi có những kỷ niệm với anh và nhà thơ Bảo Sinh đẹp vô cùng cho đời viết. Khi gần các anh ấy được thấy kinh nghiệm sống tưng bừng, cuồn cuộn chảy. Những điều các anh ấy viết như chưa thấm tháp vào đâu cả. Cuộc đời tơi mở hơn nhiều. Mà viết lách sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng. Như anh Thiệp nói "Văn chương là thứ gần với Đạo nhất", "Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ..."

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có khả năng gọi chữ từ dưới huyệt mộ bỗng sống dậy. Ý tôi muốn nói đó là chữ xưa, chuyện cũ qua anh bỗng tươi mới, tưng bừng ngữ nghĩa. Bạn thử đọc lại những truyện ngắn "Phẩm tiết", Vàng và lửa", "Không có vua". Anh viết những truyện hư hồ, trói gô lại như một con lợn chọc tiết vào cổ", "đè ngửa ra nhét cứt vào miệng" nghe không dung tục mà lại ghê rợn thế nào! Sự tàn ác của con người là không có giới hạn. 

Anh Thiệp là người giỏi che giấu cảm xúc của mình. Khi đối diện với người khác, bạn không thể dò đoán biết anh nghĩ gì! Cái này không chỉ là một năng khiếu mà còn là một thủ thuật tập luyện thượng thừa. 

nhavan4.jpg

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và họa sĩ, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn - Ảnh: Đông Dương

Trong một bài viết về anh Thiệp, tôi từng đưa ra các nhận xét:

"Nguyễn Huy Thiệp cho đến nay, theo tôi vẫn ở vị trí số một về truyện ngắn. Vẫn chưa ai có đủ bản lĩnh và bút pháp để so sánh với anh. Những truyện như “Tướng về hưu”, “Những bài học nông thôn”, “Kiếm sắc”, “Những người thợ xẻ”, “Vàng và lửa”, “Con gái thủy thần”… vẫn rừng rực một nỗi niềm tha hóa, chán chường, u mê, điên dại.

Thì vậy, nhà văn nếu có ra sàn, có nhảy giỏi thì cũng lẫn vào muôn ngàn vũ sư vũ công khác. Còn nhảy trong văn chương mới đích thực là chính anh. Nguyễn Huy Thiệp “nhảy” hay nhất vẫn trong những truyện ngắn của mình. Sẽ khó tìm ra một cao thủ nào có thể “soán ngôi” của anh cả.

nhavan5.jpg

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Hữu Hồng Minh, mùa hè 2019 - Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh

nhavan6.jpg

Cà phê ngã sáu Phù Đổng Sài Gòn. Từ trái sang: Tác giả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Bảo Sinh  - Ảnh: Nguyệt Phạm

***

Cách đây mấy năm, anh hay cùng anh Nguyễn Bảo Sinh vào Sài Gòn nhàn tản như đi chơi. Nhưng thật ra không phải thế! Anh Thiệp sức khỏe không tốt, rất ngại đi xa và chỉ muốn quẩn quanh ở Hà Nội. Cái Hà Nội với đời sống thị dân bợm bãi, mất dạy và khốn nạn mà chúng ta đã đọc thấy trên mỗi trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Trong "Con gái thủy thần", "Tướng về hưu", "Không có vua"... và nhiều truyện khác. Vậy anh phải vào Sài Gòn làm gì? Anh đi khám bệnh tim.

Anh Thiệp có một niềm tin lạ lùng rằng chỉ có 1 bác sĩ hiểu trái tim anh đang bị gì? Cần phải chữa như thế nào? Và vị cứu tinh ấy đang sống ở Sài Gòn. Đó là một điều rất kỳ lạ của một nhà văn. Anh làm đau tim rất nhiều người vì những truyện ngắn của mình để rốt cuộc bệnh tim của anh chỉ một người cứu được. Ít ra là anh đã từng nghĩ như thế! Tại sao tôi biết chuyện đó? Chỉ là một việc tình cờ....

nhavan7.jpg

Nguyễn Huy Thiệp trong quán cà phê Nhân - Phố cổ Hà Nội, 8.2019 - Ảnh: Nguyễn Hữu Hồng Minh

Một tối cách đây chừng mười năm anh Thiệp gọi cho tôi, giọng rất mệt mỏi: -"Minh ơi, tôi nhờ một việc. Minh gọi lại giúp số điện thoại mà tôi sẽ gửi này đề báo tin giúp cho là sáng mai tôi bay vào Sài Gòn! Buổi chiều tôi sẽ đến chỗ anh ấy để khám. Gần đây thỉnh thoảng tôi thấy khó thở như có cái gì chèn lên ngực...". Tôi đang ngạc nhiên vì chưa bao giờ anh nghe anh Thiệp nói về sức khỏe của mình rõ như lúc này. Anh Thiệp nói luôn: -"Tôi có vấn đề về tim Minh ạ! Tôi cũng tìm cách chữa trị nhiều nhưng hình như bệnh của tôi ông bác sĩ này hiểu rõ nhất...".

nhavan8.jpg

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong một lần gặp cuối cùng cách đây ba năm (2018) tại cà phê Nhân Hà Nội, Hình do nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh chụp.

Câu chuyện tình cờ được hé lộ như vậy! Và thật, những chuyến "nhàn du" ngỡ du thú, vui chơi ấy của anh Nguyễn Huy Thiệp và anh Bảo Sinh hóa ra là hai ông bạn già một công đôi việc, vừa đi vào Sài Gòn chơi vừa đi khám bệnh với nhau. Cái chữ "nhàn du" mà tôi từng viết là không "nhàn du" chút nào ở trên được mở ra như vậy đấy! Thật xúc động khi tôi nhớ ra có thời gian hai anh cùng nhau vào chung rất nhiều lần trong năm. Một lần tôi còn mời cả hai anh đi ăn phở gà trên phố Thủ Khoa Huân mà anh Bảo Sinh khen ngon lắm! Sau lại kéo nhau về khách sạn trên đường Lý Tự Trọng nói chuyện. Một lần khác chúng tôi còn tìm được một quán cà phê thú vị ngay ngã sáu Phù Đổng giữa chiều Sài Gòn tấp nập xe cộ qua lại. Tôi không biết những kỷ niệm đẹp như thế sau này có tái hiện lại trong văn anh Thiệp không nhưng khi tôi viết dòng này về anh đã nhớ lại một thời tươi đẹp đã qua ấy...

nhavan10.jpg

Thủ bút, chữ ký và con dấu triện của nhà văn Nguyễn Huy Thiêp trên một tác phẩm

***

Trở lại câu chuyện ngỡ như khá tình cờ. Bắt đầu một buổi tối từ Hà Nội anh Thiệp gọi tôi, nhờ liên lạc trước với một số máy lạ. Chuẩn bị cho chuyến bay sáng mai anh sẽ vào Sài Gòn cùng với trái tim trục trặc, có vấn đề của anh ấy!...

Hôm nay ở Hà Nội thì nghe tin anh mất. Anh Thiệp ơi!... Lòng rưng rưng! Từ nay em có ra Bắc cũng không bao giờ còn gặp anh nữa...

"Lòng buồn không tả nổi"... Như một câu thơ anh viết!

Anh Thiệp ơi!...

Hà Nội, Somerset 3 giờ khuya 20.3.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: ‘Sao vội vã quá anh Thiệp ơi!’