Theo dự thảo về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam, theo đó nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi đã được cấp phép.

Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng khi có phép

Một Thế Giới | 13/10/2015, 17:03

Theo dự thảo về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam, theo đó nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi đã được cấp phép.

Dự thảo Thông tư quy định phạm vi điều chỉnh, áp dụng quy định đối với nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam gồm các lĩnh vực: Lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; cung cấp vật tư - thiết bị công nghệ kèm theo dịch vụ kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của nhà thầu nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014, Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các pháp luật khác có liên quan. Trường hợp những điều qui ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo điều qui ước quốc tế.

Về nguyên tắc quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài thì nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều qui ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Theo điều 8 của dự thảo Thông tư cũng quy định thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm A, các gói thầu công trình cấp 1 và các gói thầu khác thuộc dự án trên địa bàn hai tỉnh trở lên; điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng do Bộ cấp; yêu cầu Sở Xây dựng thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng nếu nhà thầu vi phạm hoặc giấy phép hoạt động xây dựng do Sở cấp không đúng quy định.

Sở Xây dựng địa phương cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm B, C, các gói thầu công trình cấp 2 trở xuống tại địa phương và cho nhà thầu nước ngoài là cá nhân thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng tại địa phương nơi có dự án hoặc nơi chủ đầu tư dự án đăng ký trụ sở. Đồng thời điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng do Sở cấp.

Đối với các trường hợp không được cấp giấy phép hoạt động xây dựng gồm: Nhà thầu không được xem xét cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi không sử dụng thầu phụ Việt Nam theo hồ sơ đã được cấp giấy phép hoạt động xây dựng trước đó. Không thực hiện chế độ báo cáo từ 2 kỳ trở lên theo quy định tại Thông tư này đối với các công việc nhận thầu theo giấy phép hoạt động xây dựng đã được cấp trước đó. Vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan, như quy định về sử dụng lao động, an toàn lao động, nộp thuế, chất lượng công trình... và đã bị xử phạt do vi phạm các quy định này từ 2 lần trở lên.
Nha thau nuoc ngoai chi duoc hoat dong xay dung khi co phep-hinh-anh-1

Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi đã được cấp phép. 

 Ngoài ra, nhà thầu bị đình chỉ công việc đang thực hiện khi không sử dụng thầu phụ Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng và chỉ được tiếp tục thực hiện khi đã sử dụng thầu phụ Việt Nam như hợp đồng đã ký kết. Không thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.

Còn tại Điều 14 dự thảo quy định trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài. Theo đó, chủ đầu tư hoặc chủ dự án có trách nhiệm được quy định tại điều 75 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Hoặc khi ký hợp đồng giao nhận thầu khi chưa có Giấy phép hoạt động xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà thầu nước ngoài nhưng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nếu nhà thầu không xuất trình được giấy phép hoạt động xây dựng thì phải tạm dừng hợp đồng cho đến khi có giấy phép.

Ngoài ra dự thảo cũng có nội dung hướng dẫn nhà thầu nước ngoài tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; hỗ trợ nhà thầu nước ngoài trong việc chuẩn bị các tài liệu có liên quan đến công trình nhận thầu mà nhà thầu nước ngoài phải kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu và các thủ tục khác có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thông tin từ dự thảo của Bộ xây dựng cho rằng ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 150 lượt nhà thầu nước ngoài vào thực hiện các công trình xây dựng, trong đó khoảng 90% thực hiện các công trình vốn FDI và các công trình không phải vốn nhà nước chưa được Luật Đấu thầu điều chỉnh. Vì vậy, việc tăng cường quản lý đối với nhà thầu nước ngoài là cần thiết.

Quang Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng khi có phép