“Thực tế, nhiều người lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính cho bản thân, đi ngược với giáo lý, triết lý nhà Phật. Cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ tài chính của các cơ sở tôn giáo, tránh việc lợi dụng lòng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, kinh doanh tôn giáo”, Luật sư Trần Minh Hùng nói.

Nhà sư hoàn tục xin giữ tài sản trăm tỉ, luật sư nói gì?

Bùi Trí Lâm | 08/10/2019, 12:08

“Thực tế, nhiều người lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính cho bản thân, đi ngược với giáo lý, triết lý nhà Phật. Cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ tài chính của các cơ sở tôn giáo, tránh việc lợi dụng lòng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, kinh doanh tôn giáo”, Luật sư Trần Minh Hùng nói.

Mới đây, sư Thích Thanh Toàn có tờ trình xin xả giới và hoàn tục. Trong buổi họp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc có màn giãi bày, đồng thời nhắc tới khối tài sản 200-300 tỉ đồng đang sở hữu.

Trong đoạn clip được ghi lại, sư Toàn xin chấp hành hết mọi hình thức của Giáo hội: “Con xin chịu hết, xin các ngài cứ làm cái gì tốt nhất cho giáo hội, cho đạo pháp”. Tuy nhiên, sư Toàn xin giữ lại tài sản cá nhân và giải thích rằng, việc mua trang trại không phải cho riêng mình, mà để nuôi các cháu ăn học và làm từ thiện cho bệnh viện.

“Trang trại quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai hay chuyển như thế nào. Nếu tính tài sản bây giờ cũng khoảng 200-300 tỉ đấy”, sư Toàn nói.

Trả lời báo chí, đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đại đức Thích Thanh Toàn - người bị tố gạ tình nữ phóng viên - đã được Ban Trị sự chấp thuận nguyện vọng xả giới, hoàn tục.

Đại đức Thích Tâm Vượng nói, trong cuộc họp ngày 5.10, sư Toàn đã xin Ban Trị sự cho giữ lại những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, trong đó có một số diện tích đất ruộng mua của người dân xung quanh chùa Nga Hoàng.

Sư Toàn giải thích rằng trong quá trình trụ trì tại chùa Nga Hoàng, ông có vay nợ một số nơi để kiến thiết, tu bổ ngôi chùa. Nay muốn giữ lại những mảnh đất mua của người dân để trang trải công nợ.

Về vấn đề này, đại đức Thích Tâm Vượng cho biết sư Toàn có trách nhiệm bàn giao cơ sở vật chất, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc.

"Với những tài sản ngoài chùa thì Ban Trị sự không có thẩm quyền. Thầy Toàn phải làm việc với chính quyền để chứng minh được đó là sở hữu cá nhân (thông qua mua bán, chuyển đổi hợp pháp)", Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Theo Đại đức Thích Tâm Vượng, sư Toàn và chính quyền sẽ có buổi làm việc với Giáo hội để xác định những tài sản của cơ sở tôn giáo chùa Nga Hoàng. “Chúng ta phải hiểu rõ nguồn gốc tài sản. Nếu phật tử cúng pho tượng, quả chuông đó là tài sản tôn giáo rõ ràng. Nhưng ai đó biếu thầy cái xe thầy muốn lưu thông phải đăng ký, muốn đăng ký phải dùng tên chứng minh thư theo thế danh. Cho nên khi xả giới tài sản mang tên thế danh là quyền của thầy, Ban Trị sự không được phép thu hồi và quản lý tài sản đấy. Theo quy định của pháp luật, người ta đứng tên chủ sở hữu thì người ta có quyền với tài sản đấy”, thầy Thích Tâm Vượng nêu.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, pháp luật không hạn chế quyền về tài sản đối với những thầy tu hoặc những người theo tín ngưỡng tôn giáo khác. Như vậy, mặc dù sư Thích Thanh Toàn chịu sự quản lý của Giáo hội Phật Giáo, nhưng vẫn có đầy đủ quyền tài sản như những công dân Việt Nam khác.

Theo ông Hùng, trong những hoạt động hằng ngày, người dân gửi tiền cho thầy tu để cúng cho chùa nhưng thực tế họ không nộp vào quỹ của chùa thì cũng không chứng minh được. Thực tế, khi người dân cúng cho chùa sẽ gửi nơi gọi là hòm công đức, khi đó sẽ là tài sản của chùa.

Thêm vào đó, những hoạt động giao dịch chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sử dụng nguồn tiền từ ngân quỹ của chùa và giấy chứng nhận cấp cho chùa thì đó là tài sản của nhà chùa. Mọi hoạt động giao dịch như trên sẽ phải chịu sự giám sát và cho phép của Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam.

​Còn trong trường hợp các sư thầy mua bán, chuyển nhượng bất động sản bằng tài sản riêng, đứng trên danh nghĩa cá nhân thì đó là tài sản riêng của họ, không chịu sự giám sát của Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam.

“Đây là một thực tế nhiều người lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính cho bản thân, đi ngược với giáo lý, triết lý nhà phật. Cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ tài chính của các cơ sở tôn giáo, tránh việc lợi dụng lòng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, kinh doanh tôn giáo”, ông Hùng nói.

Trả lời trên tờ Thanh Niên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng không đồng tình với chuyện Thích Thanh Toàn giữ lại tài sản cá nhân.

“Sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra. Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền. Thế thì phải chăng ở giáo hội này là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có xác suất là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua thầy. Không phải đóng góp cho thầy thì cái này là của giáo hội, giáo hội phải nhận lấy. Giáo hội không nhận thì trả lại nhân dân. Còn cá nhân thầy Toàn thì phải khẳng định thầy không có tiền. Bây giờ phải xác định tài sản đó có từ nhà chùa này. Trừ khi sư Toàn chứng minh được có một khoản thừa kế, hồi môn. Nhưng thầy Toàn phải chứng minh điều đó thì mới khẳng định tài sản của mình”, luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà sư hoàn tục xin giữ tài sản trăm tỉ, luật sư nói gì?