Với tấm lòng vì quê hương và bảo vệ di sản Huế, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dành cho báo điện tử Một Thế Giới những trăn trở của một người tâm huyết về công tác bảo tồn và quản lý di sản hiện nay ở đất cố đô, đặc biệt có liên quan đến 3 bãi đỗ xe ở khu vực đã được công nhận di sản văn hóa thế giới tại thành phố Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Tôi vẫn phản đối bãi đỗ xe trong khu vực di sản văn hóa thế giới

14/08/2018, 05:56

Với tấm lòng vì quê hương và bảo vệ di sản Huế, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dành cho báo điện tử Một Thế Giới những trăn trở của một người tâm huyết về công tác bảo tồn và quản lý di sản hiện nay ở đất cố đô, đặc biệt có liên quan đến 3 bãi đỗ xe ở khu vực đã được công nhận di sản văn hóa thế giới tại thành phố Huế.

Hai bãi đỗ xe xây dựng trong khu vực 2 bảo vệ lăng Minh Mạng và lăng Khải Định - Ảnh: NĐX

Bài phỏng vấn Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Hội An biết cách phát triển du lịch, còn Huế thì không trên báo điện tử Một Thế Giới đã nhận được sự quan tâm của dư luận và bạn đọc trước những chia sẻ của ông về thực trạng cùng các vấn đề cần phải sáng tỏ của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế hiện nay. Ông đã có nhiều tham luận và phản biện với mong muốn gìn giữ được cái hồn của cố đô và đưa Huế đúng vị thế của đất thần kinh. Cuộc đời ông đã khóc cười cùng xứ sở kinh kỳ này! Với tấm lòng vì quê hương và bảo vệ di sản Huế, ông đã dành cho báo điện tử Một Thế Giới những trăn trở của một người tâm huyết về công tác bảo tồn và quản lý di sản hiện nay ở đất cố đô, đặc biệt có liên quan đến 3 bãi đỗ xe ở khu vực đã được công nhận di sản văn hóa thế giới tại thành phố Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - Ảnh: NVCC

- Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông không đồng tình về một số di tích triều Nguyễn cho tư nhân thuê làm quán cà phê, nhà hàng. Theo ông, các ngành chức năng Thừa Thiên-Huế cần phải làm gì để đưa những di tích này trở về đúng bản chất và tránh những việc đáng tiếc tương tự?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Đã có luật bảo vệ di sản, nếu các ngành chức năng như bộ phận thanh tra của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Xây dựng và báo chí thực hiện luật bảo vệ di sản di tích thì sẽ không xảy ra những trường hợp như vậy. Nhưng rất tiếc, trong thời gian qua tôi chưa thấy các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình. Nếu các ngành chức năng làm đúng nhiệm vụ của mình thì sẽ không xảy ra những việc đáng tiếc như thế.

- Trước đây ông đã có nhiều phản biện về việc xây dựng 3 bãi đỗ xe trên khu vực bảo vệ 2 ở lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng và Khải Định. Đến nay, hai bãi đỗ xe lăng Minh Mạng và lăng Khải Định đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Xin ông cho biết ý kiến của ông về những sự việc trên?

- Tôi đã viết nhiều phản biện về ba bãi đỗ xe trên, nhưng rốt cuộc những người hưởng lợi từ bãi đỗ xe vẫn tìm cách xây dựng được và đã đưa vào khai thác. Nhưng điều đó không có nghĩa là chuyện đã rồi. Tôi vẫn giữ ý kiến phản đối như tôi đã viết và tôi nghĩ một ngày nào đó những việc làm vi phạm luật bảo vệ di tích đến tai UNESCO thì chuyện không thể đã rồi như đã từng xảy ra trên thế giới. Tạm thời, nhóm lợi ích từ bãi đỗ xe làm được những điều họ muốn, nhưng tương lai chưa chắc những người sau này có trách nhiệm chịu coi đó là việc đã rồi. Với tuổi đời trên tám mươi, từ thời Pháp thuộc đến nay tôi chưa thấy chuyện gì trái đạo, trái luật mà tồn tại được cả.

- Về phong thủy lăng Khải Định, trước đây TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã lấy ý kiến nhà nghiên cứu Vĩnh Cao và khẳng định bãi đỗ xe không ảnh hưởng gì đến phong thủy lăng Khải Định. Dưới góc độ phong thủy, ông có đồng ý với ý kiến đó không?

- Tôi đã nhiều lần bác bỏ ý kiến bịa đặt không đúng ý kiến của NNC Vĩnh Cao do TS Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDTCĐH đưa ra trong nhiều cuộc gặp gỡ báo chí và trả lời cho tôi. Nay tôi xin nhắc lại ý kiến của các nhà phong thủy (như BS Dương Văn Sinh) về vấn đề phong thủy của lăng Khải Định sau đây:

Ông thầy địa lý của vua Khải Định là cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến. Cụ Hiến cho xây cái giếng ở đầu khu đất lưu đức khơi long mạch làm THỦY THIÊN TỤ, chứa nước trời làm minh đường cho lăng vua Khải Định. Khu đất lưu đức là một điểm chuẩn để trợ minh đường thuộc lăng Khải Định. Bình thường, các mạch nước ngầm qua tầng đất xốp của khu đất lưu đức cung cấp nước cho giếng Thủy Thiên Tụ. Mực nước trong giếng và mặt đất lưu đức gần nhau (quân - thần dân gần nhau). Sự quân bình ấy giữ cho sự bình yên lăng vua và cuộc sống chung.

Di tích giếng cổ (Thủy Thiên Tụ) trên khu đất lưu đức bên trái trước lăng Khải Định - Ảnh: NĐX

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt vừa qua, lăng vua Khải Định vẫn không hề hấn gì. Trước đây có hai người chết ở đây. Dân trong vùng tin là hai người ấy đã vi phạm cái giếng cổ (Thủy Thiên Tụ) và đất lưu đức. Vì thế không ai dám động đến khu đất lưu đức và cái giếng cổ (Thủy Thiên Tụ). Nay TTBTDTCĐGH cho bồi lên mặt đất lưu đức cao hàng mét đất sét rồi lại đổ bê tông, tráng nhựa mặt bằng để làm bãi đỗ xe, giếng cổ (Thủy Thiên Tụ) trụt xuống cách mặt đất khá sâu. Bãi đỗ xe sẽ gây nên hậu quả: Tầng đất xốp của khu đất lưu đức bị sức nặng của tầng đất bồi rắn chắc, mặt bê tông, mặt nhựa đường, rồi ô tô các loại xếp hàng phối hợp đè lên trên, tầng lớp đất xốp của lưu đức sẽ lún xuống, nén chặt dần dần, nguồn nước mạch sẽ từ từ không còn đường đến Thủy Thiên Tụ nữa. Mực nước trong giếng cách xa mặt đất của bãi đỗ xe. Nâng nền đất cao hơn cũ, “quân thần xa nhau”, sẽ sinh biến. Nước giếng sẽ khô vì đất bị nén sẽ hư Thủy Thiên Tụ, giếng không còn chức năng làm minh đường của lăng Khải Định nữa. Về phong thủy cái động của bên Long (động thủy) bị bế. Thay vào đó như nhà phong thủy Vĩnh Cao cho biết hoạt động của bãi đỗ xe sau này sẽ giúp cho bên Long của lăng Khải Định động mạnh hơn (động phong). Cái động của gió thay cho cái động của nước cũng sẽ sinh biến. Hậu quả đã bắt đầu diễn ra lâu nay như mọi người đã thấy.

- Như ông đã biết vào tháng 6.2017 lăng bà Tài nhân họ Lê vợ vua Tự Đức bị san ủi để làm bãi đỗ xe, chuyện xảy ra trên một năm rồi mà vẫn chưa giải quyết được. Ông có biết lý do vì sao không?

- Lý do rất dễ hiểu, nhóm lợi ích đã cày mộ bà Tài nhân để làm bãi đỗ xe nhưng bà con Nguyễn Phước tộc hậu duệ của bà cho rằng ngôi lăng đó nằm trong vùng có nhiều lăng mộ của các bà phi của vua Tự Đức, nằm trong vùng bảo vệ 2 của lăng Tự Đức. Việc san ủi lăng mộ bà Tài nhân họ Lê nầy ít nhất 3 tổ chức có lỗi: Thứ nhất tổ chức giao đất cho chủ đầu tư chưa khảo sát kỹ thực địa nên không báo cho nhà đầu tư biết trên ấy có lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê; Thứ hai: Khu đất xây dựng bãi đỗ xe nằm trong vùng bảo vệ 2 lăng Tự Đức trên ấy có lăng mộ bà Tài Nhân (có bài vị thờ trong lăng Tự Đức) mà cho đến khi lăng mộ bà bị san ủi, TTBTDTCĐH vẫn không thấy trách nhiệm của mình; Thứ ba, khi san ủi mặt bằng, dân chúng thấy lăng mộ bà Tài nhân bị quật lên đã kêu cứu nhưng thợ lái máy xúc của chủ đầu tư vẫn không dừng lại mà tiếp tục xúc đổ vùi lấp chôn bia, xương cốt của bà phi vua Tự Đức một lần nữa. Thật quá tàn nhẫn!

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay chưa bao giờ có một sự kiện gây bức xúc bà con Nguyễn Phước tộc trong nước và ngoài nước đến thế. Sai thì phải có lời xin lỗi thích đáng và bồi thường xây lại ngôi lăng theo mẫu nhà Nguyễn đã dành cho các bà phi. Việc 3 tổ chức có lời xin lỗi và bồi thường tôi chưa nghe nên nghĩ rằng vấn đề chưa được giải quyết. Sở dĩ chưa có việc xin lỗi và bồi thường thích đáng là mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và bà con Nguyễn Phước tộc. Bà con Nguyễn Phước tộc cho rằng lăng mộ bà Tài nhân nằm trong vùng cấm thiêng liêng bảo vệ lăng Tự Đức liên quan với cảnh quan vô giá đồi Vọng Cảnh không thể dời đi nơi khác để làm bãi đỗ xe nên họ không đồng ý dời đi. Dời đi là bất kính tổ tiên, tiếp tay cho các nhóm lợi ích vi phạm di tích, vi phạm di sản văn hóa của nhân loại.

Về phía chính quyền, TTBTDTCĐH và nhà đầu tư thì quyết tâm dời lăng mộ bà Tài nhân họ Lê đi nơi khác để họ có được trọn vẹn khu đất 17 ngàn mét vuông để xây dựng bãi đỗ xe. Ngoài sự phản đối của bà con Nguyễn Phước tộc, chính quyền và nhà đầu tư còn phải dè chừng với ý kiến của bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bộ đã từng cảnh báo với tỉnh TT-H không được làm bãi đỗ xe lăng Tự Đức rộng đến 17.000m2. Được làm bao nhiêu? Làm xa hay làm gần vòng thành lăng Tự Đức? Có bao gồm khu lăng mộ bà Tài nhân hay không? Tôi nghĩ những mâu thuẫn ấy trước mắt chưa giải quyết được nên chuyện có liên quan đến vụ xây dựng bãi đỗ xe lăng Tự Đức còn chờ ở tương lai.

Lăng bà Tài nhân được con cháu Nguyễn Phước tộc đắp mộ tạm chờ ý kiến của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hạ Lan

- Có ý kiến cho rằng cần có hội thảo khoa học công khai để xem xét giá trị lịch sử quần thể hệ thống lăng phi tần Tự Đức để công nhận di tích, đặc biệt vào tháng 6.2018, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đã tìm thấy bản đồ địa chính có liên quan lăng mộ các phi tần vua Tự Đức. Nếu có những đơn vị chuyên môn như Sở VH-TT-DL, Hội Sử học, Phân viện VHNT tại Huế đứng ra chủ trìông được mời tham gia thì ý kiến ông thế nào?

- Tôi thấy vấn đề này không có gì chưa rõ ràng để cần phải có hội thảo để làm cho nó rõ ràng! Với bản đồ của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, khu vực đó tuy nằm ngoài vòng thành của lăng Tự Đức nhưng nó thuộc về vùng cấm bảo vệ 2 của lăng Tự Đức. Xây dựng bãi đỗ xe trên vùng cấm đó là vi phạm cần gì phải hội thảo. Điều này là trách nhiệm của TTBTDTCĐH . Nếu có ai đầu tư để chính quyền mở một hội thảo khoa học thì chuyện lăng bà Tài nhân chỉ là một chuyện nhỏ. Chuyện lớn mà cần phải hội thảo là bao nhiêu năm nay TTBTDTCĐH đã tổ chức bảo vệ theo Luật Di sản các di tích, di sản ở Thừa Thiên-Huế như thế nào, những nơi nào đã bị vi phạm và đã giải quyết ra sao ? Thứ hai luật bảo vệ di sản chưa được áp dụng ở Huế như thế nào? Thứ ba là quy hoạch các khu di tích của triều Nguyễn trên toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế như thế nào? Bản đồ hệ thống di tích Nguyễn ra sao? Phân công quản lý các di tích từ Tỉnh, xuống huyện, xã, họ và gia đình như thế nào? Khi các di tích đã xếp hạng, hay đang chờ xếp hạng bị vi phạm thì kêu ai? Các bộ phận thanh tra trong các cơ quan Sở Văn hóa -Thể thao Du lịch, Sở Xây dựng và Quy hoạch có trách nhiệm gì trước các di tích bị vi phạm? Các di tích nào có thể di chuyển tập trung về một nơi để dễ bảo vệ và phát triển? Nếu có một hội thảo như vậy tôi sẽ tham gia!

- Xin cảm ơn những điều tâm huyết ông đã chia sẻ.

Những vấn đề mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề cập, trước đó đã được phương tiện truyền thông và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dư luận… lên tiếng. Và với những chia sẻ này của ông, hy vọng độc giả sẽ có được những nhìn nhận khách quan nhất với những đa chiều trong vấn đề quản lý và bảo tồn di sản hiện nay của Thừa Thiên-Huế.

Hạ Lan (ghi)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Tôi vẫn phản đối bãi đỗ xe trong khu vực di sản văn hóa thế giới