Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đang đưa ra mức thưởng cao hơn để thu hút công nhân cần thiết cho mùa bận rộn trước khi Apple ra mắt các mẫu iPhone 16 vào tháng 9. Song theo công nhân và đại lý lao động tại đó, "nhà máy này không còn như trước nữa".
Khu phức hợp của Foxconn (Đài Loan) tại thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc) được theo dõi chặt chẽ như một thước đo để đánh giá liệu Trung Quốc có thể duy trì vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. Một chuyến thăm gần đây của phóng viên SCMP đến địa điểm này cho thấy nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đã mất đi một phần đà phát triển, vì khách hàng lớn là Apple chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia, chẳng hạn Ấn Độ.
Nhiều công nhân, công ty môi giới việc làm và chủ doanh nghiệp nhỏ nói với tờ SCMP rằng số lượng lao động, vốn lên tới gần 300.000 người vào mùa cao điểm, đã giảm đáng kể kể từ sự cố cuối năm 2022 từng khiến Apple phải cảnh báo về sự chậm trễ trong việc giao iPhone 14 Pro và Pro Max vào mùa Giáng sinh năm đó.
Foxconn không tiết lộ thông tin chi tiết về sản lượng và việc làm hiện tại của mình tại Trịnh Châu.
Trong một tuyên bố gửi cho SCMP hôm 21.8, Foxconn cho biết đã đầu tư rất nhiều vào tự động hóa và số hóa để "cải thiện hiệu quả và sản lượng", đồng thời nói thêm rằng "chất lượng, không chỉ số lượng, của việc làm là thước đo quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị".
Một người họ Gao, ngoài 50 tuổi, cho biết ông hiện chỉ kiếm được khoảng 200 nhân dân tệ mỗi ngày (28 USD) khi cung cấp dịch vụ đưa đón công nhân nhà máy này bằng xe ba bánh chạy điện, chỉ bằng một nửa số tiền ông kiếm được trước sự việc cuối năm 2022. Một người họ Ye, từng làm việc tại nhà máy vào năm 2022 và mới trở lại gần đây, cho biết "Foxconn không còn như xưa", đồng thời nói thêm rằng các con đường giờ đã yên tĩnh hơn nhiều.
Tác động đã thấy rõ trong dữ liệu. Theo dữ liệu hải quan chính thức, tổng lượng smartphone xuất khẩu từ Hà Nam đã giảm hơn 47% xuống còn 1,4 triệu chiếc trong nửa đầu năm 2024.
Dù chuỗi cung ứng đang dịch chuyển, Foxconn vẫn duy trì cam kết với Trịnh Châu. Cách trung tâm sản xuất iPhone khoảng 40 km, "cơ sở kinh doanh mới" của Foxconn đang được xây dựng. Khu đất rộng 70.000 mét vuông, có giá trị 1 tỉ nhân dân tệ, sẽ chịu trách nhiệm cho các lĩnh vực mới gồm ô tô điện, chất bán dẫn và robot.
Khi đến thăm Trịnh Châu hồi tháng 7, Liu Young-way (Chủ tịch Foxconn) cho biết công ty "rất coi trọng việc hợp tác với Hà Nam" và hứa sẽ "tiếp tục bám rễ sâu tại tỉnh này".
Foxconn là nhà lắp ráp thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và hãng lắp rắp iPhone chính cho Apple.
Sau những tin đồn về việc Apple đang phát triển robot gia đình, Foxconn dường như sẽ là đơn vị sản xuất chính sản phẩm này.
Theo báo chí Đài Loan, nhà máy Hongzhun của Foxconn (Đài Loan) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất robot gia đình cho Apple.
Tại cuộc họp cổ đông gần đây, Foxconn đã công bố kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực mới như robot và trí tuệ nhân tạo (AI). Với điều này, Foxconn có thể sẽ đảm nhận việc sản xuất các bộ phận cơ khí và khung gầm cho robot của Apple.
Với kinh nghiệm từng có trong lĩnh vực robot, đây có thể là cơ hội kinh doanh lớn để Foxconn trở thành nhà cung cấp chính các robot ra mắt trong tương lai của Apple.
Trước đó, nhà báo công nghệ nổi tiếng Mark Gurman tiết lộ rằng robot của Apple sẽ có một màn hình lớn giống như iPad được gắn trên "cánh tay robot mỏng". Màn hình này có thể nghiêng và xoay 360 độ, biến nó thành "trung tâm điều khiển nhà thông minh", thực hiện cuộc gọi FaceTime và giám sát an ninh trong nhà.
Sử dụng AI và trợ lý ảo Siri, robot này sẽ có khả năng nhận diện giọng nói của các thành viên trong gia đình và tự động hướng mặt về phía người đang nói.
Apple đã nghiên cứu các thiết bị gia đình robot trong một thời gian dài. Dự án này đang được giám sát bởi Kevin Lynch, Phó chủ tịch công nghệ của Apple, với hàng trăm người tham gia.
Với thời gian ra mắt dự kiến vào khoảng năm 2026 hoặc 2027, Apple đang nhắm đến phân khúc thị trường cao cấp khi robot này sẽ có giá khoảng 1.000 USD. Robot gia đình đầu tiên của Apple sẽ chạy trên một phiên bản sửa đổi của hệ điều hành iPadOS dành cho iPad, nhưng các chi tiết khác vẫn chưa được tiết lộ.
Các lãnh đạo Apple, gồm cả Giám đốc điều hành Tim Cook, được cho ủng hộ dự án này.
Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới tuyển dụng hơn 50.000 người trong 2 tuần trước ngày ra mắt dòng iPhone 16
Foxconn đang tuyển thêm rất nhiều công nhân làm ca với mức lương cao hơn tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới trước ngày Apple ra mắt dòng iPhone 16 vào tháng 9 tới.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhà máy này của Foxconn đã tuyển dụng hơn 50.000 công nhân tại Trịnh Châu hai tuần qua. Lương theo giờ cho công nhân tại nhà máy ở Trịnh Châu đã tăng lên 26 nhân dân tệ (3,63 USD) vào tháng 8 từ mức 25 nhân dân tệ hồi tháng 7, trong khi tiền thưởng lên tới 7.500 nhân dân tệ được cung cấp cho những nhân viên có kinh nghiệm làm tại đây, tờ National Business Daily đưa tin, trích dẫn các cơ quan lao động.
Tại Trung Quốc, Foxconn điều hành các nhà máy ở thành phố Trịnh Châu, Thâm Quyến, Thành Đô và Yên Đài.
Nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu thường xuyên tuyển dụng lao động ồ ạt trước khi ra mắt sản phẩm mới lớn, điều này dẫn đến việc có nhiều công nhân rời bỏ và gia nhập nơi đây trong khoảng thời gian vài tháng.
Trong mùa sản xuất cao điểm, mức lương trung bình hàng tháng cho công nhân có thể dao động từ 5.000 nhân dân tệ đến 7.000 nhân dân tệ, gồm cả việc làm thêm. Trong mùa thấp điểm, mức lương trung bình có thể giảm xuống còn từ 3.000 nhân dân tệ đến 5.000 nhân dân tệ vì làm thêm giờ không còn thường xuyên nữa.
Buổi lễ giới thiệu dòng iPhone 16 là một trong những sự kiện được mong đợi nhất vì công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) đang trông chờ vào bản nâng cấp với trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp sẵn để thúc đẩy doanh số. Apple đặt mục tiêu xuất xưởng ít nhất 90 triệu máy dòng iPhone 16 trong nửa cuối năm nay, tăng 10% so với thế hệ trước.
Apple phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn từ các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Vivo, Huawei, Xiaomi, Oppo và Honor. Khi thị trường smartphone Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng trong quý 2/2024, Apple đã bị loại khỏi 5 nhà cung cấp hàng đầu, với mức giảm doanh số 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái dù đã giảm giá để thúc đẩy nhu cầu, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Đại Trung Hoa, gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, là thị trường duy nhất suy giảm trong quý 2/2024 với Apple. Doanh thu của Apple tại khu vực này giảm 6,5% xuống còn 14,73 tỉ USD trong quý 2/2024, so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự không chắc chắn về số phận của Apple Intelligence (bộ tính năng AI mới) rất được mong đợi tại thị trường Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone tại quốc gia này.
Dù di dời một số hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc, Foxconn đã ký thỏa thuận vào cuối tháng 7 với chính quyền tỉnh Hà Nam về một dự án sản xuất mới, trong đó công ty Đài Loan sẽ đầu tư 1 tỉ nhân dân tệ để xây dựng cơ sở kinh doanh mới cùng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trịnh Châu.
Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc Trung Quốc, Apple đã lên kế hoạch sản xuất các mẫu iPhone Pro mới bên ngoài nước này. Theo trang BGR, các đối tác của Apple sẽ sản xuất iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max tại Ấn Độ.
"Hàng năm, Apple đều tìm cách tăng cường năng lực sản xuất với các đối tác tại Ấn Độ. Việc sản xuất các mẫu iPhone Pro ở Ấn Độ đã được Apple cân nhắc vài năm trở lại đây. Năm nay, Apple sẽ sản xuất mẫu Pro và Pro Max tại Ấn Độ để đảm bảo dòng iPhone 16 Pro có sẵn tại quốc gia này sau khi ra mắt", một nguồn tin thân cận với vấn đề này tiết lộ cho trang BGR.
Trước đó, BGR đưa tin Apple có mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 1 trong 4 chiếc iPhone tại Ấn Độ vào năm 2026. Vì Ấn Độ chưa gặp nhiều vấn đề trong sản xuất các mẫu iPhone 15 nên Apple có thể quyết định trao cho quốc gia Nam Á cơ hội lắp ráp iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sắp ra mắt.
Theo BGR, nhà máy của Foxconn tại thị xã Sriperumbudur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu quá trình NPI các mẫu iPhone Pro và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt sau khi Apple giới thiệu dòng iPhone 16 vào tháng 9 tới.
NPI (New Product Introduction) nghĩa là giới thiệu sản phẩm mới. Đây là quy trình toàn diện gồm tất cả hoạt động liên quan đến việc đưa một sản phẩm mới từ ý tưởng ban đầu cho đến khi nó đó có mặt trên thị trường và sẵn sàng bán hàng.
Dù mối quan hệ của Apple với Trung Quốc sẽ tiếp tục nhiều năm tới, nhà sản xuất iPhone đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình vì hai lý do: Căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung gia tăng và vấn đề chỉ dựa vào một khu vực.
Nhà máy iPhone lớn nhất lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu từng gặp sự cố với việc sản xuất mẫu iPhone 14 Pro/Pro Max thời đại dịch COVID-19. Vì điều đó, Apple từng không thể giao những chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max kịp thời và nhiều người dùng chỉ có thể nhận được máy sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Kể từ đó, Apple cố gắng ngăn chặn điều tương tự xảy ra một lần nữa bằng mọi giá.