"Chúng ta không thể coi thường tình cảm của công chúng. Tôi nghĩ, nỗi đau công chúng có thật, tổn thương có thật...", ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT nói về chương trình Điều ước thứ 7.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn: Không thể coi thường tình cảm của công chúng

Một Thế Giới | 16/01/2015, 17:35

"Chúng ta không thể coi thường tình cảm của công chúng. Tôi nghĩ, nỗi đau công chúng có thật, tổn thương có thật...", ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT nói về chương trình Điều ước thứ 7.

Sau khi Chương trình Điều ước thứ 7 của VTV phát sóng về mối tình vợ chồng người hát rong ngày 10.1.2015 gây xúc động mạnh cho công chúng, báo điện tử Vietnamnet đã có những điều tra bất ngờ, khiến dư luận bàng hoàng với phía sau câu chuyện tử tế này.

Nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, ngay thời điểm này, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, VTV và Vietnamnet cần sớm ngồi lại, xác minh, đối chiếu và cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhất về đôi vợ chồng để dư luận được rõ.

Chương trình Điều ước thứ 7 vừa phát sóng trên VTV về chuyện tình của cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào (quê Anh Sơn, Nghệ An) và chàng trai tên Thanh (trú tỉnh Thanh Hóa) đã khiến nhiều người rơi nước mắt.

Tuy nhiên, ngay sau đó báo điện tử Vietnamnet đã điều tra và cung cấp những thông tin bất ngờ: VTV chưa hề về gia đình Thanh ở Thanh Hóa để xác minh hoàn cảnh của chàng trai này nên không biết Thanh đã cưới vợ năm 2010 và 2 đứa con. Thanh nghỉ học từ năm lớp 10 để kiếm tiền và chưa hề học Học viện âm nhạc Quốc gia.

Về phía gia đình Như Đào, cô gái khiếm thị có giọng hát trời phú, bố của Đào cho biết, năm 2012 Đào dẫn Thanh về ra mắt gia đình và Thanh hứa sẽ chăm sóc Đào suốt đời. Sự chăm sóc của Thanh đối với Đào khiến gia đình Đào cảm động, vì chưa một ai chăm sóc Đào như thế.

Hai người sống với nhau không hôn thú và có một đứa con đặt tên là Sao Mai.Sau khi chương trình định lên sóng, Thanh thú nhận mình đã có vợ ở Thanh Hóa và từ đó trở đi, Thanh bỏ đi bặt vô âm tín.Còn Đào tiếp tục đi bán tăm, hát rong.Theo VNN, gia đình Đào không tỏ thái độ trách móc Thanh, chỉ mong Thanh có trách nhiệm với đứa con của mình.

Một thông tin khác, trên báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần ngày 8/10/2014, Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã lên tiếng về nhân vật Thanh và mối tình này.Theo đó, VTV đã biết về sự thật trước khi chương trình định phát sóng 1 tiếng và hủy phát sóng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chương trình này lại được phát sóng vào ngày 10/1/2015.Xét về hiệu ứng truyền thông, mối tình vợ chồng hát rong đã khiến nhiều người xúc động, rơi nước mắt. Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng: “Nội dung của câu chuyện đưa lên, cách tổ chức dẫn dắt của VTV thực sự gây hiệu ứng cao xúc động mạnh. Trong cuộc sống hiện nay, tìm ra được gương sáng, việc làm tốt, những con người tử tế, câu chuyện tử tế phải rất công phu. Chính vì vậy, người ta rất mong đợi những điều như thế.
Do Quy Doan
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn 
Phương châm của Đảng, Nhà nước là lấy lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Những câu chuyện tử tế làm cho gam màu xã hội sáng sủa hơn, đáng yêu hơn, con người tuyệt vời hơn. Chương trình này (Điều ước thứ 7), ngoài chuyên môn ra, đã thu hút được tình cảm của mọi người chính là vì nó mang yếu tố nhân văn sâu sắc.

Bản thân tôi và nhiều người khác, từng trải trong cuộc sống, trong truyền thông… vẫn thấy xúc động thực sự. Như vậy, mục đích của chương trình là thực hiện được.Rất đáng khen ngợi nếu đó là chuyện tử tế thật, xúc động thật, nếu không có sự ngụy tạo.

Chương trình này phát lại, nó như một sự khẳng định, càng tạo hiệu ứng xã hội mạnh hơn, niềm tin vào sự tử tế càng tăng lên. Khi tình cảm lớn, niềm tin lớn, sự ngưỡng mộ lớn, thì bất cứ điều gì không phải, không đúng, sẽ làm cho người ta vô cùng xúc phạm, bị tổn thương.

Công chúng không có lỗi khi đặt niềm tin, tình cảm, sự ngưỡng mộ với chuyện tử tế, con người tử tế khi truyền thông đưa ra. Không lẽ tôi, bạn đọc, phải đi xác minh sự việc đó trước khi tôi khóc, tôi cảm động hay sao?

Đó là những tình cảm thật, xúc động thật, nước mắt thật, nếu như câu chuyện là chính xác. Nhưng khi VNN đưa ra nhiều thông tin khiến nhiều người, trong đó có tôi, bàng hoàng, ngỡ ngàng, vì lòng tin, tình cảm của mình tổn thương ghê gớm”.

Bản thân ông, từng làm báo, là người quản lý báo chí, theo ông, một chương trình truyền hình về chuyện tử tế như câu chuyện vợ chồng người hát rong, người thực hiện cần phải thực hiện nghiêm khắc quy trình gì để tránh sai sót?

- Đến thời điểm này, chưa thể kết luận đúng sai như thế nào. Nhưng theo tôi, các cơ quản quản lý, cơ quan chức năng, truyền hình, VNN cần phải ngồi lại, đối chiếu chứng cứ và sớm đưa ra thông tin chính xác, phải có ý kiến sớm với công chúng về vụ việc này.

Chúng ta không thể coi thường tình cảm của công chúng. Tôi nghĩ, nỗi đau công chúng có thật, tổn thương có thật, chúng ta phải chấp nhận. Lúc này, cần tìm giải pháp tốt nhất, làm giảm bớt tổn thương, mất niềm tin của người dân. Đó là việc cần làm, càng sớm càng tốt, không nên kéo dài điều này.

Còn một chương trình, một chuyên mục về chuyện tử tế, về người tốt việc tốt, về nhân tố mới, phát hiện đã rất khó, thực hiện nó càng khó hơn. Chúng ta phải tìm được căn nguyên, cội nguồn của câu chuyện đó. Nếu khâu nào đó trong quy trình, chúng ta chủ quan, sơ sểnh, bỏ qua 1 chi tiết sai trong nhiều chi tiết, thì gần như tác dụng của việc tử tế, con người tử tế đó bị sụp đổ. Lần sau nếu chúng ta đưa một câu chuyện tử tế khác sẽ bị nghi ngại, khi công chúng bị chấn thương niềm tin.

Thế nên, trong tất cả mọi khâu, khi phát hiện những sự việc, con người, chúng ta cho đó là việc tốt, nhân tố tốt, chuyện tử tế, chúng ta phải xác minh kỹ lưỡng.

Tôi vẫn đang chờ ý kiến kết luận cuối cùng. Nhưng chúng ta có nhiều nơi để xác minh sự việc này cơ mà? Như Học viện âm nhạc; gia đình anh ta, địa phương nơi anh ta thường trú hoặc nơi Thanh cùng người vợ mù lòa sống…Chắc chắn về phía Đào, cũng có cơ quan chức năng để phóng viên xác minh. Tại sao 1 chương trình lớn như thế mà bỏ qua bước đó được?

Nếu xử lý không tốt khủng hoảng truyền thông này, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, thưa ông?

Khi chúng ta sớm đưa ra thông tin kết luận cuối cùng, chúng ta cũng xử lý được khủng hoảng trong thông tin truyền thông, không lan rộng các khủng khoảng truyền thông khác.

Còn nếu làm không tốt, không xác minh rõ ràng, minh bạch, cụ thể, thì một số báo chí sẽ tiếp tục tìm hiểu, đưa thông tin khác, giật gân hơn, lại tạo ra 1 cơn sốt trong thông tin, làm buồn lòng thêm công chúng độc giả.

Còn bản thân chị Đào, vốn bị tàn tật, chuyện tình này là hạnh phúc, là niềm tin bừng sáng trong họ, khi đứa con như ánh sáng cuộc đời chị ấy, thì khủng hoảng truyền thông sẽ làm cho chị vốn đã mù mắt, sẽ mù cả tâm hồn, tình cảm, niềm tin. Lúc đó sẽ không có gì có thể cứu vãn được.

Thời gian gần đây, khá nhiều chương trình truyền hình gây phản cảm, bất bình cho công chúng. Quan điểm của ông về hàng loạt những sự cố này của VTV?

Để đánh giá những việc mà VTV làm từ trước đây, phải có một cái nhìn, đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn. Bất cứ vấn đề nào, đặc biệt, với truyền hình nói chung, VTV nói riêng, công chúng của truyền hình là rất lớn, đủ mọi lứa tuổi nên tác động là rất lớn. Chính vì vậy, những sơ suất nào, của truyền hình, đều để lại những ảnh hưởng lớn, trong tình cảm, niềm tin của công chúng.

Đúng là thông tin cần nhanh nhạy nhưng phải chính xác, trung thực. Đặc biệt thái độ khi đưa thông tin.Nếu thái độ chân thành, cầu thị, thì dẫu có sai sót nào khác, thì rất dễ được chia sẻ, cảm thông.

Còn nếu mang tư tưởng áp đặt, muốn lấy quan điểm của mình áp đặt cho người khác, coi đó là duy nhất đúng, thì khi có sai phạm tác hại sẽ vô cùng khôn lường.Tôi gọi đó là phương pháp tiền chủ định. Lúc đó, người làm chương trình đã có một ý định từ đầu và chỉ tìm tất cả những gì đúng với ý định đó để thong tin mà bỏ qua những chi tiết khác. Cách làm này rất nguy hiểm.

Trong câu chuyện này, mối tình của Thanh và Đào, sẽ có những khoảnh khắc tình cảm rất thật, rất thăng hoa, họ đã có con với nhau cơ mà… song không phải là toàn bộ. Biết được mặt tốt, mặt xấu thì cách tiếp cận của chương trình sẽ khác.Độc giả vẫn nhận ra bản chất người trong cuộc một cách khách quan.

Do đó, trong chuyện tử tế, con người tử tế, không nên đẩy lên quá là vĩ đại, lý tưởng hoá, tuyệt đối hoá. Chỉ cần thông tin về việc tốt, nhỏ nhỏ xung quanh, trong đời sống hằng ngày là đã có sức thuyết phục rồi. Sức hút có thể không lớn như các chuyện tiêu cực khác nhưng dần dần mọi người sẽ nhận ra giá trị của nó.Đó là nhọc nhằn của những người làm chuyện tử tế.Chính vì thế càng cần phải cố gắng hơn. Còn khi ngụy tạo thông tin, niềm tin sẽ sụp đổ.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Bình (Infonet)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn: Không thể coi thường tình cảm của công chúng