Chiều 6.5, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh (từ năm 1996 - 2001) thông tin về tấm bản đồ gốc tỉ lệ 1/5.000 liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) mà dư luận hết sức quan tâm thời gian qua.

Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Tôi đang giữ bản đồ được coi là gốc của dự án Thủ Thiêm'

Tố Loan | 06/05/2018, 21:01

Chiều 6.5, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh (từ năm 1996 - 2001) thông tin về tấm bản đồ gốc tỉ lệ 1/5.000 liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) mà dư luận hết sức quan tâm thời gian qua.

Ông Thanh kể: Khi trình bày với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đều sử dụng đồ án cộng với 13 bản đồ liên quan tới quy hoạch Thủ Thiêm.

Sau khi chấp thuận với trình bày của UBND TP, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định 367 chứ không vẽ thêm một bản đồ hay ký vào bản đồ gốc nào gửi cho UBND TP.

Theo ông Thanh, khi trình bày với Thủ tướng, ông sử dụng tới 13 bản đồ liên quan hiện trạng Thủ Thiêm. Đến nay tập hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.HCM - tháng 5.1995" vẫn được ông Thanh lưu giữ gồm 13 bản đồ: Tổng thể thành phố; Hiện trạng kiến trúc đất xây dựng và thoát nước; Hiện trạng giao thông - cấp điện; Hiện trạng cấp nước; Tổng thể mặt bằng; Sơ đồ phân khu chức năng; Quy hoạch giao thông; Bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng; Sơ đồ quy hoạch cấp nước; Sơ đồ quy hoạch cáp điện; Sơ đồ quy hoạch thoát nước bẩn; Quy hoạch xây dựng đợt đầu (khu Bắc); Quy hoạch chi tiết khu bắc Thủ Thiêm.

"Từ đề xuất và những tấm bản đồ trình trình bày đó, cố Thủ tướng Võ Văn Văn Kiệt mới đề ra quy hoạch sử dụng đất của Thủ Thiêm trong 930 ha ra sao, nhằm vào những mục đích gì", ông Thanh nói.

“Những anh em sau này không hiểu thủ tục hành chính thời đó hay không thạo quy trình thủ tục cứ nói không chính xác, thông tin hiếu kỳ làm cho người ta cứ đi tìm rồi hiểu sai câu chuyện. Bản đồ 1/5.000 được coi là gốc hiện tại tôi vẫn giữ”, ông Thanh nói và cho hay sau khi quy hoạch 1/5.000 được duyệt, UBND TP cũng tiến hành làm quy hoạch 1/2.000 để tiến hành cắm mốc và báo với người dân nằm trong dự án, lý giải những thắc mắc mà người dân đặt ra.

Ông Thanh khẳng định lại bản đồ 1/5.000 mà ông trình bày với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để cố Thủ tướng ký Quyết định 367 là bản đồ gốc. Hiện những bản đồ này vẫn còn rất nhiều ở sở ngành TP vì đã làm nhiều bộ để lấy ý kiến sở ngành trước khi trình cố Thủ tướng. Nguyên lãnh đạo UBND TP cũng thông tin từ khi ông nghỉ hưu, chưa có ai ở UBND TP hay bộ ngành tới gặp ông để hỏi câu chuyện “thất lạc” của bản đồ 1/5.000.

Bản đồ trung tâm TP Thủ Thiêm trong quy hoạch tổng thể TP.HCM mà ông Võ Viết Thanh đang giữ- Ảnh: Đình Nguyên

PV Thanh Niên đặt câu hỏi sau khi về hưu ông Thanh có theo dõi dự án Thủ Thiêm và có thấy quy hoạch dự án này khác với thời ông phụ trách không? Ông Thanh trả lời khi về hưu đã lâu nên ít thời gian đối chiếu về sự thay đổi của dự án. Tuy nhiên, nếu sau này UBND TP muốn thay đổi quy hoạch hay tăng thêm diện tích đất xây dựng, thay đổi công năng so với quy hoạch được Thủ tướng chấp thuận chắc chắn phải xin phép Thủ tướng.

“Hiện tại tôi không có thời gian để rà lại nên chưa có thể trả lời câu hỏi này được”, ông Thanh cho hay.
Về lý do người dân khiếu kiện kéo dài liên quan đến dự án, ông Thanh cho hay muốn tìm hiểu câu chuyện này thì phải hỏi bên Thanh tra Chính phủ chứ ông không thể trả lời được. Tuy nhiên, thời ông làm lãnh đạo UBND TP chưa giải quyết tới khâu bồi thường cho người dân định cư hợp pháp ở Thủ Thiêm mà lúc đó chỉ giải quyết đền bù để phòng chống việc ở Thủ Thiêm mạnh ai nấy làm với mục đích xâu xé khu đô thị này. Đến năm 1995, UBND TP đã xuất tiền đền bù trên 300 ha trong tổng số 930 ha của toàn bộ dự án.

Làm rõ có hay không tình trạng cán bộ mua bán đất ở Thủ Thiêm hưởng chênh lệch?

Ông Võ Viết Thanh khẳng định với những thông tin mà ông nắm thì ở dự án Thủ Thiêm có nhiều dự án, công trình không thông qua đấu thầu. Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các dự án tái định cư chủ yếu dựa vào mối quan hệ “quen biết” mà không qua đấu thầu nên giờ đây dư ra hàng ngàn căn hộ mà người dân không có khả năng vào ở.

“Câu chuyện dự án Thủ Thiêm bây giờ theo tôi cần làm rõ những vấn đề sau: Có tình trạng cán bộ hay con em cán bộ nhảy vào dự án mua tới mua lui bán chênh lệch làm giàu không? Những công trình hạ tầng đổi đất ở dự án hay công trình tái định cư có qua đấu thầu hay chỉ định để làm lợi cho riêng mình? Đền bù của dự án có chèn ép người dân không? Lúc trước, TP để 160 ha làm khu tái định cư giờ 160 ha này nằm ở đâu?...”, ông Thanh nói.

Ông Thanh làm Phó chủ tịch UBND TP từ năm 1992 đến 1995, làm Chủ tịch UBND TP từ 1996 đến 2001. Ông cũng là lãnh đạo UBND TP trực tiếp báo cáo với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký vào Quyết định 367 ngày 4.6.1996 về việc quy hoạch khu đô thị này. Ông Thanh làm lãnh đạo UBND TP qua hai đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong thời gian này, ngoài dự án Thủ Thiêm, TP có rất nhiều dự án tương tự phải trình Thủ tướng Chính phủ thì trình tự cũng như dự án Thủ Thiêm chứ không có bản đồ gốc như dư luận nêu trong thời gian qua. Sau khi trình lên, trong trường hợp Thủ tướng không đồng ý hay cần phải chỉnh sửa dự án thì Thủ tướng có văn bản có ý kiến hay yêu cầu chỉnh sửa.

Theo Đình Phú - Trung Hiếu(Thanh Niên)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Tôi đang giữ bản đồ được coi là gốc của dự án Thủ Thiêm'