Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cuối năm 2011 có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản và có nguy cơ đổ vỡ nhưng giờ đây nguy cơ đổ vỡ đã được đẩy lùi.
Phương hướng sắp tới
TS Cấn Văn Lực cho rằng, biên độ đang ở mức 3% và không nên nới rộng bởi "áo lùng thùng là không tốt" nhưng cần có điều chỉnh để linh hoạt.
Về dự trữ ngoại hối, theo ông Lực, nhân dân tệ được đưa vào rổ tiền tệ SDR thì trong tương lai sắp tới chúng ta có nên suy nghĩ mua dự trữ ngoại hối bằng nhân dân tệ hay không? Báo giấy nước ngoài cho rằng tháng 9 cực kỳ sôi động khi Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước mua nhân dân tệ về nên cần cân nhắc thời điểm mua dự trữ ngoại hối.
Về lãi suất, vị tiến sĩ này đề xuất giảm đi 1 chút nhưng hiện chưa phải thời điểm thích hợp. NHNN có thể cân nhắc giảm khoảng 0,25%; tiếp tục điều hành CSTT chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính hướng đến chính sách lạm phát mục tiêu và một NHNN hiện đại, độc lập hơn.
Theo ông Lực, tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ CSTT, trong đó cung tiền nên được kiểm soát tăng trưởng như hiện nay ở mức 16-18%/năm để đảm bảo kiểm soát lạm phát và việc mở rộng cung tiền hơn nữa sẽ ít có tác động mạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Phối hợp giữa CSTT và CSTK cũng như các chính sách khác cần được đồng bộ và nhịp nhàng hơn, cũng là để quản lý giám sát các tập đoàn tài chính.
Song song với đó, Bộ Tài chính và NHNN phối hợp xây dựng hệ thống tài chính chặt chẽ, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, quản lý giám sát...
Cũng góp ý về giải pháp, chuyên gia Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng cho rằng, cần nâng cao chất lượng bộ thông tin dữ liệu về điều hành kinh tế vĩ mô kỹ trị hơn.
Ngân hàng Trung ương cần thành lập hội đồng tư vấn điều hành CSTT gồm các nhà chuyên môn điều hành, các chuyên gia hàng đầu từ bộ ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, giới doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, cần nâng tầm thị trường chứng khoán, hoàn thiện thể chế và các điều kiện như đánh giá quá trình tái cấu trúc để điểm mặt NHTM có khả năng vượt trội cho phép nới Room cá biệt để gọi vốn nhà đầu tư quốc tế…
Theo ông Hoè, cần tiếp tục hoàn thiện khung thể chế cho quản trị NHTM và đặc biệt quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong ngân hàng. Bên cạnh đó, cần một nghị quyết đặc biệt hoặc pháp lệnh của Quốc hội để tháo gỡ các nút thắt về pháp lý trong xử lý nợ xấu như phân chia rõ trách nhiệm về tài chính trang trải cho khoản lỗ khi bán khoản nợ xấu (Nhà nước - NHTM - khách hàng vay) để mở đường cho thị trường mua bán nợ phát triển.
Hoàng Long