Đến với nhau qua mai mối của mẹ nhưng suốt 38 năm chung sống, bà Ngọc Mỹ luôn âm thầm quán xuyến mọi việc để nghệ sĩ Thanh Sang yên tâm theo đuổi ca hát.

Người vợ gần 40 năm tận tâm bên cạnh NSƯT Thanh Sang

bang chau | 22/04/2017, 10:03

Đến với nhau qua mai mối của mẹ nhưng suốt 38 năm chung sống, bà Ngọc Mỹ luôn âm thầm quán xuyến mọi việc để nghệ sĩ Thanh Sang yên tâm theo đuổi ca hát.

Bà Ngọc Mỹ tới với nghệ sĩ Thanh Sang từ năm 19 tuổi đến nay bà đã “nâng khăn sửa túi” cho ông được 38 năm.

Mẹ bà vì mê cải lương nên sau khi nhiều đoàn cải lương giải thể, bà lập nên đoàn cải lương Đồng Nai và mời Thanh Sang về làm kép chính. Và vì yêu mến Thanh Sang, bà đã gả cô con gái của mình-Ngọc Mỹ cho ông.

Trước khi lấy bà Ngọc Mỹ, nghệ sĩ Thanh Sang trải qua cuộc sống khá vất vả. Ban ngày chạy taxi kiếm tiền, ban đêm đi hát. Thế nhưng từ khi lấy bà, nghệ sĩ Thanh Sang có nhiều thời gian hơn để theo đuổi nghệ thuật. Bởi trước khi lấy bà, ông không chỉ vất vả mưu sinh mà còn phải chăm sóc mẹ già nằm một chỗ.

Nhắc lại khoảng thời gian nghệ sĩ Thanh Sang còn hát ở đoàn Đồng Nai, bà cho biết: “Khi đó ông rất vất vả, vừa là kép chính, ông còn lái xe, nấu bếp, đạo cụ, từ cái đèn đến cái trống ông đều tự mài mò làm chứ không mua để tiết kiệm cho đoàn”.

Trong mắt bà và đồng nghiệp, nghệ sĩ Thanh Sang là một người con vô cùng hiếu thảo. Sau giải phóng, nhiều người chọn sang nước ngoài nhưng ông vẫn ở lại vì mẹ ông không muốn xa chồng bà nên vẫn ở lại Việt Nam.

Sau này khi mẹ chồng mất, bà Ngọc Mỹ chia sẻ: “Lấy chồng về là lo cho má chồng bệnh, đẻ con lo nuôi con khôn lớn. Tới chừng con trưởng thành tưởng đỡ vất vả thì nuôi ảnh bệnh.”

Vất vả là vậy, gắn bó gần 40 năm nhưng bà cho biết, thời gian đầu chung sống, hai vợ chồng còn thường xuyên cãi vã khiến mẹ bà phiền lòng nên bà cũng tập tính nhẫn nhịn cho nhà cửa êm xuôi.

Những chuyện tranh cãi một phần vì ông thường xuyên đi diễn xa nên hai vợ chồng có phần xa cách. Một phần vì tính cách hai người cũng trái ngược. Nghệ sĩ Thanh Sang là một người khá nóng nảy trong khi bà lại điềm tĩnh, ít nói. Thế nhưng với sự nhẫn nại, vị tha với chồng mà bà Ngọc Mỹ trở thành hậu phương vững chắc để nghệ sĩ Thanh Sang chỉ toàn tâm toàn ý với sân khấu.


NSƯT Thanh Sang ra đi để lại cho đồng nghiệp và khán giả một sự tiếc thương vô hạn

Về sau, khi nghệ sĩ Thanh Sang bị bệnh và ở nhà nhiều hơn, ông dần nhận ra tâm ý và sự hy sinh của vợ dành cho mình. Và cũng vì vậy, tính cách ông cũng trở nên ôn hòa hơn. Đôi lúc bệnh tái phát khiến ông mệt mỏi nhưng nghệ sĩ Thanh Sang không muốn nói ra vì sợ bà phiền lòng. Có thể nói, sau nhiều biến cố trong tình cảm, cuộc sống, cuối cùng nghệ sĩ Thanh Sang cũng tìm được “chân tình” thật sự của đời mình.

“Mười mấy năm nay, gia đình đưa ảnh đi cấp cứu không biết bao nhiêu lần. Bệnh viện ở thành phố này ảnh đi cấp cứu cũng gần hết rồi. Trong nhà, tới cái công tắc đèn ảnh còn không biết nằm đâu vì suốt ngày chỉ lo đi hát!”, bà ngậm ngùi nói.

Dù đối với bà, nghệ sĩ Thanh Sang là một người chồng khá nóng nảy nhưng khi nhắc đến ông sự yêu thương mà bà dành cho ông khiến nhiều người cảm động. Nghệ sĩ Thanh Sang bộc phát bệnh trong bao nhiêu năm là bao nhiêu thời gian bà luôn ở cạnh chăm sóc ông và quán xuyến gia đình.

Phờ phạc sau hơn nửa tháng ra vô bệnh viện chăm chồng hôn mê, rồi khi ông ra đi, bà nén lại nỗi đau, vẫn bình tĩnh để sắp xếp chu toàn hậu sự cho chồng. Nhưng nỗi buồn trên khuôn mặt của bà khó mà che giấu được.

Thấy ông bệnh phải ở nhà thường xuyên, bà bảo ông chăm cây kiểng để vừa giải khuây, vừa vận động. Chăm riết rồi cưng, tới cắt cành, tỉa lá ông còn không nỡ vì sợ làm cây đau. Sau thấy cây “xấu” quá ông mới chịu tỉa.

Trước khi bị hôn mê và ra đi, nghệ sĩ Thanh Sang vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ thỉnh thoảng mệt mỏi nhưng sau khi được bà cho thở oxy ông lại bình thường. Nên khi nam nghệ sĩ nhập viện gia đình cũng không nghĩ ông sẽ ra đi mãi mãi.

NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, Hữu Châu tiếc thương NSƯT Thanh Sang

NSND Lệ Thủy- Một người anh tôn kính trong nghệ thuật

NSND Lệ Thủy cho chia sẻ về sự ra đi của nghệ sĩ Thanh Sang khiến bà vô cùng bàng hoàng, bà chia sẻ: “Anh Sang với tôi có quá nhiều kỷ niệm để nhớ. Đó là một người anh mà tôi tôn kính trong sự nghiệp nghệ thuật. Tôi nhớ mãi lần anh tái ngộ khán giả trong suất hát “50 năm một tình yêu nghệ thuật”. Hôm đó anh tập tuồng mệt nhọc nhưng khi ra sàn diễn thì rất tự tin, khẳng khái, ca diễn rất chuẩn mực. Với nghệ thuật, anh Sang là người nghiêm túc. Tính anh rất cộc, làm việc mà thiếu tập trung, lo ra thì sẽ bị anh trách thẳng thắn. Năm 1964 với vai Tạ Tốn, anh đã được yêu quý và bầu đoàn khắp nơi mời để anh về hát với giá rất cao. Nhưng anh vẫn gắn bó với Dạ Lý Hương, vẫn đêm đêm hóa thân thành Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Khi tôi và anh Minh Vương thực hiện chương trình Sân khấu Vàng, anh đã tích cực tham gia, dù hát ca cổ anh cũng xung phong, vì anh biết những suất hát đó sẽ giúp cho đồng bào nghèo xây dựng nhà tình thương. Thắp nén hương tiễn biệt anh Thanh Sang”.

NSND Lệ Thủy cũng ngậm ngùi cho biết, gần đây nghệ sĩ Thanh Sang còn gọi điện mời bà tham gia suất hát sinh nhật tuổi 75 của ông: “Anh nói sẽ tổ chức hát với các đồng nghiệp để chúng tôi ôn lại kỷ niệm của thời hoàng kim. Tôi sẽ diễn nàng Quỳnh Nga, anh sẽ diễn Trần Minh với vở “Bên cầu dệt lụa”. Vậy là anh đã bỏ lại giấc mơ được hát cùng chúng tôi, thế hệ mà công chúng đã dành quá nhiều tình cảm, để giọng ca và vai diễn của anh sống mãi trong lòng khán giả mộ điệu”.

NSƯT Hữu Châu: Mất mát lớn của nghệ sĩ đoàn Thanh Minh- Thanh Nga

Nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ, ông đi theo đoàn hát của bà nội là bầu Thơ, và đặc biệt chú ý đến nghệ sĩ Thanh Sang: “Không phải vì chú là kép chánh, mà vì trong tác phong làm nghề chú nghiêm túc, có sự quan sát chung quanh để làm tốt vai diễn và hiệu quả suất hát. Chú rảnh thường kể về những kỷ niệm khó quên của nghề, cứ như một quyển sách quý, lần giở cho con cháu hiểu biết hơn về tầm quan trọng của nghề nghiệp. Cứ như chú sinh ra để ghi chép trong đầu, nên sự kiện nào, tình huống gì có liên quan và tác động đến nghề nghiệp thì chú nhớ vanh vách. Chính sự quan sát cuộc sống đã cho chú Sang trải nghiệm nhiều và đưa vào cảm xúc cho sự hóa thân.

Hồi đó má ba Thanh Nga của tôi nhõng nhẽo lắm. Chú Sang hay la, rồi hai người gây nhau, tranh cải. Bao giờ chú Sang cũng chịu phần thua thiệt, để má ba tôi vui, nhưng rồi sáng hôm sau tìm ba tôi - Nghệ sĩ Hữu Thình để mách. “Anh hai nghỉ coi, Thanh Nga ỷ con của bầu ăn hiếp em”. Ba tôi cười và nói: “Tôi cũng con của bầu nè, nhưng tôi bênh vực chú”. Rồi cả hai cùng cười.

Má tôi - Nghệ sĩ Thanh Lệ cực kỳ thương chú Thanh Sang. Mấy ngày qua chú bệnh nặng, má tôi đêm nào cũng đọc kinh cầu nguyện. Hôm nay thì chú Sang đã hội ngộ với má ba Thanh Nga của tôi rồi. Khép lại một chặng đường bôn ba mà chú vẫn thường nói, chú cô độc vì chưa tìm được bạn diễn nào hay cãi nhau mà diễn hay như má Thanh Nga, diễn cặp với chú ưng ý đến từng ly, từng khoảnh khắc.

Là thành viên của đoàn Thanh Minh, Thanh Nga, chú Sang ra đi là một mất mát lớn đối với gia tộc chúng tôi. Nghiêng mình trước những cống hiến to lớn của chú đối với sân khấu cải lương, đối với bảng hiệu Thanh Minh, Thanh Nga. Vĩnh biệt chú Thanh Sang của con!”

NSƯT Minh Vương: Người anh đáng kính của sân khấu cải lương​!

Yên nghỉ nhé anh Thanh Sang. Anh lúc nào cũng là người thích chia sẻ những điều thầm kín trong sự nghiệp nghệ thuật. Tôi gặp nhiều sự cố trong đời nghệ sĩ, thì anh Sang là người động viên tôi rất nhiều. Những năm mới vào nghề, khi gặp nhau anh đều có những bài học quý gửi gắm cho tôi.

Anh quan tâm đến thế hệ diễn viên trẻ, đặc biệt những bạn trẻ đóng vai tính cách, anh quan tâm, tìm gặp để chỉ dẫn. Tôi nhớ mãi suất diễn vở “Nửa đời hương phấn” anh diễn tại Nhà hát Bến Thành, đêm đó tôi diễn vai Tùng, anh diễn vai Cang, người anh khuyên em trai từ bỏ cuộc tình với cô gái buôn hương, bán phấn. Anh bệnh nên có phần mệt nhọc khi ca, nhưng tôi thấy rõ trong anh một bản lĩnh sân khấu. Cuối suất diễn anh nắm tay tôi, xúc động: “Hôm nay sức khỏe không tốt, nhưng tôi đã có được kỷ niệm thật đẹp với các bạn”.

Hôm sinh nhật lần thứ 40 của tôi, anh chọc tôi, tuổi 66 mà bày đặt sinh nhật 40. Nếu Minh Vương 40 thì Thanh sang mới 32 tuổi. Anh cười sảng khoái. Những câu chuyện tiếu lâm chọc cười chúng tôi mãi mãi sẽ là kỷ niệm cho chúng tôi luôn nhớ về anh. Người anh đáng kính của sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Phượng Liên: Yên nghỉ nhé anh!

NSND Bạch Tuyết, Phượng Liên và NSƯT Thanh Sang

Hay tin anh bệnh nặng, tôi cầu nguyện mỗi ngày. Tôi nhớ khi tôi về nước tổ chức lễ mừng thọ của mẹ tôi, anh Sang đã đến tham dự và khóc khi cầm tay mẹ tôi: “Tụi con mồ côi mẹ rất sớm, trong số những bạn nữ nghệ sĩ, Phượng Liên may mắn còn có mẹ, còn có cơ hội báo hiếu, tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ, chứ tụi con thì không còn có dịp để nấu cơm cho mẹ ăn, nói gì đến làm tiệc mừng thọ”. Và anh khóc ôm chầm lấy mẹ tôi, gọi mẹ tôi bằng tiếng mẹ chân thành. Anh Sang sống tình cảm lắm.

Tôi nhớ những suất diễn tái hiện lại vở “Tiếng trống Mê Linh” cho Sân khấu Vàng gây quỹ từ thiện, anh Sang đóng Thi Sách, tôi đóng Trưng Trắc. Chúng tôi diễn vở này đều nhớ đến chị Thanh Nga, một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, người bạn diễn lớn của anh Thanh Sang. Quá nhiều kỷ niệm với anh, nhớ mãi và không bao giờ quên. Yên nghỉ nhé anh, chàng Thi Sách hào hùng mà biết bao khán giả mộ điệu yêu quý.

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Người nghệ sĩ chuẩn mực

Tôi là diễn viên bên sân khấu kịch, may mắn trong chương trình “50 năm một tình yêu sân khấu”, anh Thanh Sang mời tôi diễn một tiểu phẩm hài với Anh Vũ, câu chuyện do anh sáng tác, nói về một cô bé bán hạt dưa, quạt giấy trong rạp, bổng một hôm được cho thế vai, làm đào chánh.

Tôi đã diễn vai đó, được anh tập vũ đạo và tung hứng tiếng cười với Anh Vũ. Tôi mê giọng ca của anh từ lúc còn nhỏ xíu, có bao giờ dám nghĩ lớn lên sẽ được diễn cùng sân khấu với anh. Yên nghỉ trong giấc ngủ ngàn thu nhưng tiếng hát của anh mãi là điểm sáng của sự chuẩn mực mà giới trẻ theo nghề diễn viên của sân khấu cải lương sẽ luôn nhớ mãi. Vĩnh biệt anh, người nghệ sĩ của sự chuẩn mực và tinh thần lao động nghiêm túc.

NSƯT Kim Xuân: Chú đã ra đi rồi sao!

NSƯT Kim Xuân vô cùng thương tiếc chia sẻ: “Chú đã đi rồi sao... Chỉ gần đây thôi khi vợ chồng con gặp cô chú đến khám sức khỏe ở Bà Huyện Thanh Quan. Chú và con còn nhắc về ba con, còn kể về thời gian đi hát ở đoàn Thanh Huơng - Hùng Minh của chú Hùng Minh, kể về thời tuổi trẻ, về nhiều kỷ niệm quý báu của ba và chú. Như mới đây khi gặp chú Quốc Trầm và cô Phương Dung, hai cô chú cũng kể cho con nghe về chuyện của ba con khi đi hát với các cô chú... Con rất xúc động khi biết thêm về cuộc sống của ba mình qua lời kể đó. Giờ chú ra đi... Kính lạy chú, mong hương linh chú siêu thăng tịnh độ”.

Tang lễ của NSƯT Thanh Sang được tiến hành tại nhà riêng, đường số 17 phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 21/4. Lễ truy điệu 7 giờ 15 phút ngày 25/4. Sau đó được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Bình Dương.

Băng Châu(Ghi)

Băng Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người vợ gần 40 năm tận tâm bên cạnh NSƯT Thanh Sang