Chuyên gia y tế Trung Quốc đặt nghi vấn về hiệu quả của thuốc đông y Liên hoa thanh ôn trong điều trị COVID-19, và tại sao hàng triệu hộp thuốc được chuyển đến Thượng Hải khi thành phố này đang rất cần các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm khác.

Người Trung Quốc nghi ngờ hiệu quả của thuốc trị COVID Liên hoa thanh ôn

Đan Thuỳ | 20/04/2022, 11:16

Chuyên gia y tế Trung Quốc đặt nghi vấn về hiệu quả của thuốc đông y Liên hoa thanh ôn trong điều trị COVID-19, và tại sao hàng triệu hộp thuốc được chuyển đến Thượng Hải khi thành phố này đang rất cần các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm khác.

Một nhà thần kinh học hàng đầu ở Trung Quốc đã kêu gọi các nhà chức trách làm rõ liệu loại thuốc đông y Trung Quốc có tên Lianhua Qingwen (Liên hoa thanh ôn) do Shijiazhuang Yiling Pharmaceutical sản xuất có hiệu quả điều trị COVID-19 hay không trước khi ưu tiên phân phối nó hơn thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác cho những người dân trong khu vực bị phong tỏa.

Ít nhất 8 triệu hộp viên nang Liên hoa thanh ôn đã được chuyển đến Thượng Hải trong cuộc chiến chống lại biến thể Omicron, trong khi đó nhiều người trong số 25 triệu dân tại thành phố này đang vật lộn để có đủ thực phẩm và khẩu trang. 

"Việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 phải tuân theo các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt", ông Rao Yi, Hiệu trưởng Đại học Y Capital ở Bắc Kinh cho biết trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội WeChat. Ông cũng nhấn mạnh không nên đưa ra công chúng những sản phẩm giả và kém chất lượng.

"Nếu hiệu quả của Liên hoa thanh ôn chưa bao được chứng minh một cách rõ ràng, thì việc phân phối số lượng lớn sẽ làm tổn hại đến lợi ích của những người đang thiếu thực phẩm và các loại thuốc cần thiết", Rao Yi nói thêm. 

Sự ưu tiên vận chuyển loại thuốc này khiến nhiều người bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội. Một tài xế tình nguyện ở Thượng Hải vào tuần trước cho biết đội xe của anh dành 1/3 công suất để vận chuyển thuốc Liên hoa thanh ôn, thay vì chuyển nhu yếu phẩm.

Ba chuyên gia y tế thuộc Đại học Tế Nam cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc ưu tiên vận chuyển thuốc Liên hoa thanh ôn đến Thượng Hải, trong một bài báo đăng trên trang web y tế Trung Quốc DXY.

"Đáng lẽ ra một loại thuốc không có tác dụng ngăn ngừa COVID-19 không nên được gửi đến những người khỏe mạnh", các chuyên gia viết.

anh-chup-man-hinh-2022-04-20-luc-10.29.39.png
Các gói thuốc cho bệnh nhân COVID-19 được phân phối ở Hồng Kông, trong đó có thuốc Liên hoa thanh ôn - Ảnh: Jelly Tse

Việc phân phối thuốc Liên hoa thanh ôn cho những người khỏe mạnh đã khiến các bác sĩ trên khắp Trung Quốc cảnh báo không nên dùng loại thuốc này trừ khi cảm thấy không khỏe, vì nó có thể dẫn đến rối loạn chức năng dạ dày hoặc thận. 

Thuốc Liên hoa thanh ôn được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19 tại Trung Quốc vào tháng 4.2020 như một phương pháp điều trị được khuyến nghị cho các trường hợp nhẹ đến trung bình. Ở Hồng Kông, nó được gửi kèm trong các gói thuốc chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 được phân phối trên toàn thành phố.

Đây không phải là phương pháp điều trị duy nhất cho COVID-19 có sẵn ở Trung Quốc, nhưng nó rẻ hơn so với các phương pháp khác. Một phương pháp điều trị bằng kháng thể do Brii Biosciences phát triển đã được Trung Quốc phê duyệt, nhưng cần phải được tiêm qua đường tĩnh mạch. 

Theo nhà sản xuất, thuốc Liên hoa thanh ôn dựa trên một công thức có từ thời nhà Hán. Phương pháp điều trị được phát triển vào năm 2003 cho hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).

Một số chuyên gia y tế nổi tiếng của Trung Quốc, như ông Chung Nam Sơn, nằm trong số 19 tác giả, đồng ý với hiệu quả của Liên hoa thanh ôn trong một nghiên cứu được công bố trên tập san Phytomedicine vào tháng 5.2021.

Theo nghiên cứu, Liên hoa thanh ôn có hiệu quả và an toàn sau thử nghiệm trên 284 bệnh nhân. Một nửa số người tham gia được cho uống thuốc và triệu chứng giảm nhanh hơn người không dùng.

Song nghiên cứu trên cũng bị đặt dấu hỏi vì mẫu thử thấp và không phải dạng thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, vốn là tiêu chuẩn trong nghiên cứu khoa học.

Đầu tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến đánh giá hiệu quả của Liên hoa thanh ôn trong các phương pháp điều trị COVID-19

Rudi Eggers, Giám đốc bộ phận dịch vụ y tế tổng hợp của WHO, cho biết cơ quan này coi các loại thuốc đông y là điều cần thiết. Ông đề nghị phân tích và thử nghiệm thêm, với kết quả sẽ được chia sẻ với các quốc gia thành viên.

Cuộc thảo luận của WHO diễn ra sau cuộc đối thoại cấp cao giữa Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Cục Quản lý y học cổ truyền Trung Quốc (NATCM) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 1 vừa rồi.

Ủy viên NATCM Yu Wenming cho biết việc sử dụng thuốc đông y, bao gồm cả Liên hoa thanh ôn, là chìa khóa để "giữ cho mức độ dịch bệnh thấp ở Trung Quốc".

Cổ phiếu của Shijiazhuang Yiling Pharmaceutical, một trong những nhà sản xuất thuốc cổ truyền lớn nhất Trung Quốc đã lao dốc vào hôm thứ hai (18.4) sau khi có các thông tin nghi ngờ về hiệu quả của thuốc Liên hoa thanh ôn được phê duyệt như một phương pháp điều trị COVID-19.

Tuần trước, Wang Sicong, một người có ảnh hưởng và là con trai của một trong những người giàu có nhất Trung Quốc, đã gây ra cuộc tranh luận về loại thuốc này trên Weibo khi anh đăng lại một video trên mạng xã hội đặt câu hỏi về việc liệu Tổ chức Y tế thế giới đã bao giờ khuyến nghị sử dụng Lianhua Qingwen để chống COVID-19 hay chưa.

Viện Y tế quốc gia Mỹ đã nói rằng mặc dù Liên hoa thanh ôn có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng hiệu quả tổng thể của nó đối với COVID-19 là không thể kết luận.

Tại Singapore, loại thuốc này được dùng như một sản phẩm chăm sóc sức khỏe bổ trợ, không phải là một loại thuốc điều trị COVID-19.

Vào tháng 11.2021, các cơ quan y tế Singapore đã đưa ra lời khuyến nghị về những tuyên bố gây hiểu lầm về hiệu quả của Liên hoa thanh ôn trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa COVID-19.

“Không có bằng chứng khoa học nào từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy bất kỳ sản phẩm thảo dược nào, bao gồm cả sản phẩm Liên hoa thanh ôn, đều có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19".

Vào tháng 5.2020, hải quan Thụy Điển không cho phép nhập khẩu thuốc Liên hoa thanh ôn bởi nhà chức trách cho biết họ đã kiểm tra các mẫu và phát hiện chúng chỉ chứa tinh dầu bạc hà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Trung Quốc nghi ngờ hiệu quả của thuốc trị COVID Liên hoa thanh ôn