Bí thư xã đã xác nhận có việc nâng khống hơn 100 triệu đồng tiền đền bù đất cho một hộ dân. Khi bị phát hiện, xã mời hộ dân bị kê khống đất lên nhận… 20 triệu đồng vì số kia đã xài rồi! Nhưng người dân vẫn kiên quyết không nhận.

Người tố cáo kiên quyết không nhận tiền “mua chuộc” của UBND xã

24/02/2016, 15:22

Bí thư xã đã xác nhận có việc nâng khống hơn 100 triệu đồng tiền đền bù đất cho một hộ dân. Khi bị phát hiện, xã mời hộ dân bị kê khống đất lên nhận… 20 triệu đồng vì số kia đã xài rồi! Nhưng người dân vẫn kiên quyết không nhận.

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, mấy ngày qua, người dân ở ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Đơi, tỉnh Cà Mau bàn tán xôn xao quanh chuyện bà Lê Thị Út (50 tuổi), ngụ ấp Tân Điền B, đã dũng cảm làm đơn tố cáo lãnh đạo xã đã nâng khống tiền đền bù đất cho gia đình bà để trục lợi.
Theo lời bà Út, vài tháng trước, bà nhận được thông báo từ phía ngân hàng mời đến nhận tiền cho miếng đất đã bán cho UBND xã Thanh Tùng. Ngày mà bà Út đến ngân hàng nhận tiền, cùng đi còn có ông Lê Sài Gòn, Chủ tịch UBND xã và ông Lê Tấn Dủ, kế toán Ban Tài chính xã Thanh Tùng. Và điều bất ngờ đã xảy ra: ngân hàng mời bà ký nhận đến… 625 triệu đồng, trong khi trước đó bà và UBND xã thỏa thuận giá đất là 500 triệu đồng!
Sau khi bà Út tố cáo, UBND xã thừa nhận có việc kê khống thêm 125 triệu đồng, sau đó mời bà Út lên nhận thêm 20 triệu đồng. Nhưng tiếp xúc PV sáng 24.2, bà Út cho biết mình vẫn kiên quyêt không nhận số tiền này.
"Tui nghĩ dù thế nào đó cũng là tiền của nhà nước"
Vậy vì sao bà biết chuyện 125 triệu đồng này là tiền mà cán bộ xã kê khống, để dũng cảm làm đơn tố cáo?

- Bà Lê Thị Út: Bản thân mình không hề muốn nhận thêm tiền của Nhà nước, vì tui đã thỏa thuận bán đất với giá 500 triệu đồng thì chỉ nhận đủ 500 triệu đồng là được. Do đó, sau khi chứng kiến chuyện diễn ra ở ngân hàng, về nhà, tui suy nghĩ tại sao mình bán đất có 500 triệu mà phải ký nhận dư 125 triệu đồng?

Tôi sợ sau này dính đến pháp luật vì ký gian dối khi nhận tiền, nên buộc lòng phải trình báo công an, chứ không sợ ai. Còn chuyện kê khống gì đó thì ban đầu tui không biết!

Nhưng giờ chuyện vở lỡ, sẽ dính đến nhiều cán bộ UBND xã, bà có lo không?

- Không! Ngoài lý do sợ dính đến pháp luật vì ký nhận gian dối, tui nghĩ dù thế nào đó cũng là tiền của Nhà nước, là từ ngân sách do nhân dân đóng góp, trong đó có cả gia đình tui. Do đó, không nên để những cán bộ có cái tâm không tốt chiếm dụng mà bỏ túi riêng được.

Bây giờ tui đã làm đơn tố cáo thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như nội dung tố cáo sai. Còn bằng chứng tui tố cáo đúng thì cấp trên phải xem xét xử lý đúng pháp luật những người làm sai, có như thế tui mới phục.

Nhưng điều kỳ lạ là sau khi bà có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng thì ông Lê Thanh Lam, Bí thư xã Thanh Tùng mời bà lên… trả tiền lại?

- Út Lam (Lê Thanh Lam - PV) mời tui lên, nói tui thông cảm nhận lại phần tiền còn lại và rút đơn tố cáo lại. Nhưng số tiền 125 triệu đã được xã sử dụng hơn 100 triệu đồng rồi nên họ nói tui chỉ được nhận phần còn lại. Nhưng tui không đồng ý nhận thêm tiền.
Tiền kê khống là để sử dụng vào việc chung?

Trong danh sách trả tiền mua đất cho các hộ dân để bố trí khu dân cư tập trung cho đồng bào dân tộc của Phòng Dân tộc huyện Đầm Dơi mà PV có được, diện tích đất mua của bà Út được thanh toán là 625 triệu đồng. Như vậy, chuyện UBND xã mua đất có 500 triệu đồng, nhưng quyết toán với cấp trên đến 625 triệu đồng là có cơ sở!

Ông Lê Sài Gòn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cũng thừa nhận có chuyện này. Nhưng ông cũng nói rằng, số tiền này được sử dụng vào việc chung chứ không hề tư túi. “Chúng tôi định lấy khoản tiền trên để làm bờ kè và san lấp công trình phục vụ cho xã thôi, chứ không sử dụng sai mục đích. Mấy ngày nay xã cũng mời bà Út lên… trả tiền lại, nhưng bà không chịu. Giờ không biết bà Út yêu cầu gì?”, ông Gòn nói.

Ông Lê Thanh Lam, Bí thư xã cho biết, khi xã làm đề nghị thanh quyết toán đối với cấp trên, bản thân ông không nắm rõ vì đây là công việc xử lý của bên chính quyền. Tuy nhiên là người đứng đầu xã, bản thân ông cũng thấy việc này có gì đó không đúng. Nhưng ông rất mong dư luận thông cảm vì mọi việc xã làm cũng là vì việc chung.

Ông Lam cho rằng, số tiền hằng năm mà xã được phân bổ không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế tại địa phương. Do đó khi làm đề nghị thanh toán tiền đền bù đất để xây dựng công trình tại xã, anh em mới “bạo gan” nâng khống thêm số tiền 125 triệu đồng, nhằm giải quyết những bức bách cần thiết trước mắt.

Theo UBND huyện Đầm Dơi, hiện tại sự việc đang được kiểm tra, làm rõ để xử lý trách nhiệm của những cán bộ sai phạm.

Thanh Văn

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tố cáo kiên quyết không nhận tiền “mua chuộc” của UBND xã