Giáo sư Sarah Gilbert nói đây sẽ không phải là lần cuối cùng loại vi rút đe dọa cuộc sống và sinh kế của loài người.

Người sáng chế vắc xin AstraZeneca: Đại dịch tiếp theo có thể gây chết nhiều người hơn

Đan Thuỳ | 06/12/2021, 12:43

Giáo sư Sarah Gilbert nói đây sẽ không phải là lần cuối cùng loại vi rút đe dọa cuộc sống và sinh kế của loài người.

Đến nay COVID-19 đã khiến hơn 5,2 triệu người trên thế giới thiệt mạng và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, song đại dịch tiếp theo có thể còn gây chết người nhiều hơn, theo Giáo sư Sarah Gilbert - người sáng chế vắc xin AstraZeneca đang được sử dụng ở 170 quốc gia.

Khi mối lo ngại ngày càng gia tăng vì biến thể Omicron (đã xuất hiện ở hơn 40 nước), bà Sarah Gilbert cảnh báo rằng đại dịch tiếp theo sau COVID-19 có thể còn gây ra điều tồi tệ hơn.

Thông điệp này được đưa ra khi các bộ trưởng được một trong những cố vấn khoa học của họ cho biết Omicron đang lây lan khá nhanh ở Anh và các hạn chế đi lại triển khai từ ngày 7.12 sẽ là quá muộn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm tiềm ẩn.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) tối 5.12 ghi nhận thêm 86 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số lên 246.

Bà Sarah Gilbert nói rằng dù đại dịch COVID-19 kéo dài trong hai năm qua đã lây nhiễm cho hơn 266 triệu người, đại dịch tiếp theo có thể dễ lây lan hơn và cướp đi nhiều sinh mạng hơn.

“Đây sẽ không phải là lần cuối cùng một loại vi rút đe dọa cuộc sống và sinh kế của con người. Sự thật là đại dịch tiếp theo có thể tồi tệ hơn. Nó có thể dễ lây lan hơn hoặc gây chết người nhiều hơn, thậm chí là cả hai”, bà Sarah Gilbert cảnh báo.

anh-chup-man-hinh-2021-12-06-luc-10.07.20.png
Giáo sư Sarah Gilbert - Ảnh: PA

Sarah Gilbert, giáo sư về vắc xin tại Đại học Oxford (Anh), cho biết những tiến bộ khoa học đạt được và kiến thức thu về trong nghiên cứu chống lại vi rút SARS-CoV-2 sẽ không bị mất đi.

“Chúng ta không thể để xảy ra một tình huống như những gì từng phải trải qua, sau đó mới nhận ra rằng những thiệt hại kinh tế to lớn mà chúng ta phải gánh chịu xuất phát từ việc không có sự chuẩn bị để đối phó với đại dịch. Cũng giống như đầu tư vào lực lượng vũ trang, trí tuệ và ngoại giao để phòng thủ trước chiến tranh, chúng ta phải đầu tư vào con người, nghiên cứu, chế tạo và các tổ chức để phòng thủ trước đại dịch”, bà Sarah Gilbert nói thêm.

Giáo sư Sarah Gilbert cho biết biến thể Omicron chứa các đột biến làm tăng khả năng lây truyền của vi rút và các kháng thể từ vắc xin hoặc việc khỏi bệnh COVID-19 trước đó có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm biến thể này. Song, bà cũng cho biết giảm khả năng ngăn ngừa nhiễm vi rút “không đồng nghĩa là giảm khả năng bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng và tử vong”.

“Cho đến khi biết nhiều hơn về biến thể Omicron thì chúng ta nên thận trọng và thực hiện các bước để làm chậm sự lây lan biến thể này”, Gilbert nói thêm.

Từ ngày 7.12, tất cả hành khách sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi đến Vương quốc Anh bất kể tình trạng tiêm vắc xin và cần có xét nghiệm âm tính để được nhập cảnh.

Hôm 6.12, Anh đưa thêm Nigeria vào "danh sách đỏ" bị hạn chế du lịch. Trước đó, Anh đã cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini từ ngày 26.11 và công dân Anh trở về từ những quốc gia này phải cách ly.

Giáo sư Mark Woolhouse, thuộc Nhóm nghiên cứu mô hình đại dịch cúm khoa học (Spi-M), cho biết các quy tắc hạn chế đi lại mới đã quá muộn để tạo ra sự khác biệt. 

“Nếu Omicron xuất hiện ở Vương quốc Anh và có sự lây nhiễm cộng đồng thì việc đó sẽ gây ra làn sóng dịch tiếp theo. Các ca nhiễm Omicron nhập cảnh là đáng lo ngại. Chúng tôi muốn phát hiện và cách ly bất kỳ ca dương tính nào tìm thấy, giống như từng làm với những trường hợp khác ở bất cứ đâu. Thế nhưng, tôi nghĩ đã quá muộn để tạo ra sự khác biệt quan trọng với làn sóng dịch Omicron nếu có ở đây”, ông Mark Woolhouse nhận định.

Dù sự xuất hiện Omicron gây lo ngại trên toàn thế giới, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói với CNN rằng “đến nay có vẻ biến thể này không gây ra bệnh nghiêm trọng” nhưng ông cho biết còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác và cần phải nghiên cứu thêm.

Tính đến 9 giờ sáng ngày 5.12, Vương quốc Anh ghi nhận thêm 43.992 ca mắc COVID-19 và 54 người chết trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính.

Tiến sĩ Katherine Henderson, Chủ tịch của Trường Đại học Y khoa Cấp cứu Hoàng gia, cho biết Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) sẽ rơi vào tình thế khó khăn nếu biến thể Omicron làm gia tăng số ca nhập viện.

Ông Katherine Henderson nói các bệnh viện đã phải chật vật để đối phó với tình hình dịch bệnh: “Hiện tại tình hình đã khá tệ và nó sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu biến thể mới làm gia tăng ca COVID-19 phải nhập viện. Chúng tôi sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn”.

Chính phủ dự kiến trong vòng hai tuần tới sẽ công bố người đứng đầu cuộc điều tra công khai về COVID-19 đã được chờ đợi từ lâu.
Các nghị sĩ kêu gọi cuộc điều tra ảnh hưởng từ việc vi phạm quy tắc của những người nổi tiếng với sự tuân thủ về biện pháp COVID-19.

Trong khi đó,  Lãnh đạo Đảng Lao động Anh - Keir Starmer đã thực hiện sự can thiệp mạnh mẽ nhất của mình đến nay để chỉ trích những người chống vắc xin, sau khi tờ The Guardian đưa tin những bệnh nhân chưa tiêm phòng COVID-19 đang chiếm ưu thế trên các giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU).

Sẽ tiêm mũi vắc xin tăng cường vào ngày 6.12, ông Keir Starmer cho biết những người chưa chích ngừa COVID-19 nên “xem xét tác động từ quyết định của họ, nên suy nghĩ lại và đi tiêm phòng”.

“Thật sự lo lắng khi các bác sĩ đang phải chứng kiến quá nhiều người phải nhập viện và nguồn lực của NHS đang mỏng dần đi bởi những người không chịu tiêm vắc xin”, ông Keir Starmer nói.

Ông Keir Starmer cũng nói rằng chính phủ cần phải thúc đẩy triệt để các nỗ lực để triển khai nhanh mũi vắc xin tăng cường. Phân tích mới từ đảng Lao động Anh cho thấy tổng số mũi vắc xin tăng cường đang thấp hơn đáng kể so với số liều được cung cấp trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 đầu tiên vào đầu năm nay.

Trong đợt triển khai vắc xin đầu tiên, số lượng người tiêm phòng COVID-19 đạt trung bình 602.265 mỗi ngày. Ngược lại, tổng số vắc xin hiện được sử dụng trung bình một ngày là 435.542, ít hơn ¼ so với tháng 3.

Đặc biệt, hàng triệu người dân Anh đang được khuyến khích tiêm vắc xin cúm để được bảo vệ tối đa trong dịp lễ Giáng sinh, vì các số liệu tiết lộ rằng hơn một nửa số người đang mang thai hoặc có các bệnh nền vẫn chưa tiêm phòng. UKHSA đang khuyến khích những người đủ điều kiện tiêm phòng trước ngày 10.12 để vắc xin phát huy đủ hiệu lực trước mùa lễ hội.

Bài liên quan
Omicron tồn tại thời gian dài trong động vật hay người nhiễm HIV trước khi bùng phát?
Omicron trông kỳ lạ, ngay cả đối với các nhà khoa học nghiên cứu các chủng coronavirus.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người sáng chế vắc xin AstraZeneca: Đại dịch tiếp theo có thể gây chết nhiều người hơn