Suốt 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Nhiệm ở thôn Bến Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày ngày đi thu gom và mang những hài nhi xấu số không được chào đời mang về chôn cất, nhang khói. Bà Nhiệm cho biết đến nay, số lượng hài nhi tại nghĩa trang Bến Cốc do bà chôn cất đã lên đến con số gần 8 vạn.

Người phụ nữ 10 năm ròng chôn cất hài nhi xấu số

Một Thế Giới | 07/07/2015, 18:49

Suốt 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Nhiệm ở thôn Bến Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày ngày đi thu gom và mang những hài nhi xấu số không được chào đời mang về chôn cất, nhang khói. Bà Nhiệm cho biết đến nay, số lượng hài nhi tại nghĩa trang Bến Cốc do bà chôn cất đã lên đến con số gần 8 vạn.

Từ người đàn bà “tâm thần” đến người có tâm
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Bến Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Hỏi thăm vào nhà bà Nhiệm thì được người dân cho biết, bà đã ra nghĩa trang chôn cất hài nhi từ sáng sớm.
Khi chúng tôi có mặt tại nghĩa trang Bến Cốc, bà Nhiệm cùng 3-4 người khác đang xây mộ cho những hài nhi mới chôn cất. Những ngôi mộ nhỏ chứa hàng ngàn sinh linh vô tội được xây vuông vắn, có bát hương và lọ hoa.
Vừa nghỉ tay, uống ngụm nước xong, bà Nhiệm chia sẻ: “Mấy hôm nay trời nắng nóng nên làm sớm nghỉ sớm cho mát. Sáng nay, tôi và mấy anh chị em đây vừa xây xong ngôi nhà cho hơn 30 hài nhi xấu số. Số hài nhi này, tôi mới thu nhặt được từ đầu tuần”.
Nguoi phu nu 10 nam rong chon cat 8 van hai nhi xau so
 Trong 10 năm qua, bà Nhiêm cho biết đã thu nhặt và chôn cất cho gần 8 vạn hài nhi xấu số.
Khi được hỏi về lý do làm công việc này, bà Nhiệm nhớ lại: “Khi tôi mới 10 tuổi, có một người đi đánh dặm quê ở Phú Thọ. Người này kể rằng, nhà anh ta ở gần bệnh viện nên hằng ngày gia đình anh ta nhìn thấy rất nhiều em bé, những thai nhi bị vứt bỏ. Gia đình anh ta đã đem chôn những thai nhi đó. Dù không biết câu chuyện này là thật hay không nhưng nó đã ám ảnh vào đầu tôi từ hồi đó đến giờ”. 
Đến năm 2006, trong một lần đi thăm người thân sinh nở trong bệnh viện, bà Nhiệm vô tình chứng kiến một ca nạo phá thai ngoài ý muốn. Xót xa cho thân phận đứa trẻ bị chết yểu, bà đã xin các bác sĩ và bệnh viện được chôn cất cho đứa bé đó và được chấp thuận. Kể từ đây, bà Nhiệm bắt đầu đi thu gom và lượm lặt những thai nhi ở xung quanh các khu công nghiệp, bệnh viện gần nhà mang về chôn cất. Hàng ngày, bà cứ đạp xe đi thu gom xác hài nhi. Cứ biết ở đâu có xác hài nhi hay ai mách là bà sẽ tới mang về. 
Rồi cũng vì phải bỏ nhiều thời gian đi thu lượm và chôn cất các hài nhi xấu số nên công việc gia đình bà Nhiệm sao nhãng dần. Ruộng bà làm ít đi, trâu, bò, lợn… bà cũng không còn nuôi. Nhiều người trong thôn bắt đầu dị nghị, cho rằng bà bị tâm thần, dở hơi... 
Nguoi phu nu 10 nam rong chon cat 8 van hai nhi xau so
 Bà Nhiệm thắp hương cho ngôi mộ vừa mới xây xong.
Nở nụ cười hiền hậu, bà Nhiệm nói: “Mỗi lần đi ăn cỗ hay có việc ở đâu, tôi đều là chủ để bàn tán của mọi người. Người ta bảo tôi dở hơi, tâm thần… nhưng tôi bỏ ngoài tai tất vả và vẫn làm công việc ấy bằng cái tâm của chính mình”.
“Nhiều hôm tôi mệt hay bận công việc gì thì chồng tôi, con trai, con gái, con dâu, con rể lại thay phiên tôi đi thu lượm về. Ở đây, khu công nghiệp mới phát triển, công nhân ở khắp nơi đổ về nên tình trạng sống thử trước hôn nhân, có con ngoài ý muốn, rồi nạo phá thai nhiều. Nếu một ngày mà không đi mang các cháu về tôi nghĩ cảnh các cháu bị vứt bỏ bơ vơ ở nhiều nơi, tội nghiệp lắm”, bà Nhiệm chia sẻ.
Lâu dần, mọi người nhận ra việc làm của bà Nhiệm là hoàn toàn xuất phát từ cái tâm mà không hề trục lợi cá nhân nên họ ủng hộ, tin yêu bà. Cùng với sự ủng hộ của gia đình và Cha xứ trong giáo phận, bà Nhiệm vẫn tiếp tục với công việc hàng ngày của mình là đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, nhang khói.
Ngôi nhà chung của các hài nhi xấu số
Sau 10 năm ròng (2006-2015) đi thu gom những hài nhi xấu số tại những khu công nghiệp, bệnh viện quanh xã, bà Nhiệm cho biết số lượng hài nhi  chôn cất tại nghĩa trang Bến Cốc đã lên đến con số gần 8 vạn.
Ngồi nhẩm đếm, bà Nhiệm tính có 66 ngôi mộ được xây cất khang trang. Mỗi ngôi mộ chứa gần 300 tiểu sành được xếp làm 3 tầng, mỗi tiểu sành lại chứa khoảng 20 hài nhi xấu số. 
Nguoi phu nu 10 nam rong chon cat 8 van hai nhi xau so
 Các hài nhi được gói trong các tiểu sành và xếp thành 3 tầng trong mỗi ngôi mộ.
Chỉ tay về phía những hố chôn xây sẵn chưa có xác hài nhi, bà Nhiệm tâm sự: “Đất nghĩa trang của cả thôn nên tôi cũng không dám xâm phạm. Ngày trước xin Cha xứ và dân làng được một phần đất nhưng chôn không đủ. Phần đất chôn cất các cháu đây đều là đất ruộng của nhà tôi tự bỏ ra để xây mộ cho các cháu. Cả nghĩa trang bây giờ chỉ còn có cần ấy hố chôn nữa không biết đến khi hết thì tôi phải chôn các cháu ở đâu”.
“Ngày trước, mỗi ngày đi thu nhặt được cháu nào về là tôi mang đi chôn ngay. Giờ có tủ lạnh nên tôi cất giữ các cháu ở đây, cứ nửa tháng mang đi chôn một lần”, bà Nhiệm cho biết thêm. 
Nguoi phu nu 10 nam rong chon cat 8 van hai nhi xau so
 Phần diện tích đất này hoàn toàn là đất ruộng của nhà bà Nhiệm tự bỏ ra để làm nơi chôn cất cho các hài nhi.
Việc làm của bà Nhiệm đến nay không chỉ được dân làng Bến Cốc ủng hộ mà còn được rất nhiều người ở tỉnh xa quan tâm và chia sẻ. Bà cho biết, có nhiều người ở xa như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… biết được việc làm của bà cũng đã đến thăm và động viên chia sẻ. Các nhóm sinh viên công giáo ở nội thành Hà Nội cuối tuần thỉnh thoảng cũng về giúp bà xây cất mộ, hương khói cho các hài nhi.
Đang chát xi măng hoàn thiện một ngôi mộ, anh Nguyễn Văn Phú 27 tuổi ở tổ 11 thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội chia sẻ: “Tôi là người ở xã bên nhưng biết việc làm của chị Nhiệm nên cứ chủ nhật hàng tuần tôi lại lên đây thăm và giúp đỡ chị Nhiệm xây mộ cho những hài nhi xấu số. Hàng ngày, đi làm công ty quen với máy cắt, máy tiện nhưng lên đây tôi vẫn muốn tự tay xây ngôi mộ cho các em để góp một phần công sức nhỏ bé giúp các em có một ngôi nhà ấm cúng. Tự tay tôi đã chôn cất và xây mộ cho hàng nghìn hài nhi xấu số ở đây”.
Nguoi phu nu 10 nam rong chon cat 8 van hai nhi xau so
 Anh Nguyễn Văn Phú, một người dân khác xã đến giúp bà Nhiệm xây mộ cho các hài nhi.
Hàng năm, bà Nhiệm cùng mọi người tổ chức sinh nhật cho các hài nhi xấu số vào dịp Tết Trung thu và lấy ngày 28/12 dương lịch làm ngày cúng giỗ cho tất cả các em.
Khi phóng viên hỏi bà sẽ còn gắn bó với việc làm này đến khi nào, khuôn mặt bà Nhiệm trùng xuống, bà nói: “Ngày nào tôi còn sống và đi lại được thì tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này. Tôi không làm được thì chồng tôi, con tôi sẽ thay tôi làm. Tôi chỉ mong sao giúp đỡ cho các sinh linh bé nhỏ có một ngôi nhà ấm cúng, không phải chịu cảnh bơ vơ ngoài trời”.
Bà Nhiệm cũng nhấn mạnh rằng: “Chỉ mong các bậc làm cha làm mẹ hãy biết xót thương con mình, xót thương đến một hình hài bé nhỏ, vô tôi mà ngừng làm chuyện dại dột. Hãy sống có trách nhiệm với bản thân để các con sinh ra có thể được làm người”.
Triệu Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người phụ nữ 10 năm ròng chôn cất hài nhi xấu số