TP.HCM cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình tái cấu trúc kinh tế; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Người lao động các tỉnh là lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế TP.HCM

Tú Viên | 07/12/2021, 14:10

TP.HCM cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình tái cấu trúc kinh tế; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 10 khai mạc kỳ họp thứ 4 sáng 7.12, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trình bày báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền thành phố năm 2021.

Theo đó, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã kịp thời hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch và nhân dân TP để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã chuyển 2.527.095 túi an sinh để kịp thời hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trên địa bàn. Các cộng đồng dân tộc, các cơ sở tôn giáo, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn thành phố cũng tham gia đóng góp, tài trợ về kinh phí, nhu yếu phẩm và vật tư, trang thiết bị y tế... để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 và mua vắc xin phòng COVID-19.

Trong đó, các tổ chức tôn giáo đã vận động 682 tình nguyện viên là tăng ni, phật tử, chức sắc, tu sĩ... trực tiếp tham gia chăm sóc các bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị COVID-19.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố đã tổ chức 246 đoàn giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly tập trung; các hộ lao động nghèo trong các khu phong tỏa, khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ, khu lao động nghèo đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

khoa.jpeg

Phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 4, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026-Ảnh: Hữu Khoa

Qua giám sát, các đoàn giám sát đã đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là UBND phường, xã, thị trấn cần quan tâm hơn đến việc kiểm tra, rà soát kỹ danh sách các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo hướng dẫn của thành phố, tránh sai sót, thiếu đối tượng hoặc trùng lặp, gây bức xúc trong nhân dân.

Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức kiểm tra công tác tiếp nhận và phân phối tiền, hàng hóa thiết yếu hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các kho hàng thuộc Trung tâm An sinh TP.HCM và một số quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Trước kỳ họp lần thứ 4 HĐND TP.HCM khóa 10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân TP.HCM. Theo đó, cử tri và nhân dân TP.HCM đề nghị cần tăng cường kiểm tra các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19; hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly đối với người mắc bệnh F0, F1.

Người lao động ở các tỉnh thành là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế TP.HCM. Vì thế, trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng hơn 18.000 căn hộ cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021-2025, trước mắt, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp LĐLĐ TP và UBND các cấp khảo sát, xây dựng và triển khai ngay chương trình cải thiện điều kiện chỗ ở, hướng tới mô hình “nhà trọ kiểu mới”. Mô hình này với các tiêu chí đảm bảo điều kiện sống tốt hơn, an toàn hơn với dịch bệnh cho công nhân, người lao động, với sự đồng hành, góp sức của các doanh nghiệp, chủ nhà trọ, cũng như với các ngành điện, nước, thuế.

Góp ý thực hiện tổ chức chính quyền đô thị hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM dẫn ý kiến các chuyên gia đề nghị, các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP.HCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, đồng bộ, tránh sự “cát cứ”.

Song song đó, cần tập trung triển khai ngay chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển thương mại điện tử. Việc chuyển đổi số nhằm tạo hiệu quả cho hoạt động các cấp chính quyền, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, UBND TP.HCM cần đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, đội ngũ làm việc cần mang tính chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn cao giúp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong chính quyền đô thị từ thành phố đến phường, xã, thị trấn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người lao động các tỉnh là lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế TP.HCM