Ông Evan Wolfson, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch chiến dịch Freedom to Marry (tự do hôn nhân), chiến dịch vận động cho quyền kết hôn bình đẳng của các cặp đôi cùng giới tại Hoa Kỳ, vừa đến TP.HCM nhân sự kiện Viet Pride 2016 diễn ra vào ngày 26 – 28.8 tại Cung văn hóa Lao động.

Người đồng tính Mỹ mất gần nửa thế kỷ mới được tự do kết hôn

kim van | 23/08/2016, 08:00

Ông Evan Wolfson, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch chiến dịch Freedom to Marry (tự do hôn nhân), chiến dịch vận động cho quyền kết hôn bình đẳng của các cặp đôi cùng giới tại Hoa Kỳ, vừa đến TP.HCM nhân sự kiện Viet Pride 2016 diễn ra vào ngày 26 – 28.8 tại Cung văn hóa Lao động.

Tại TLSQ Hoa Kỳ tại TP.HCM, ông Wolfson đã chia sẻ về hành trình 32 năm vận động cho hôn nhân bình đẳng cũng như quá trình đấu tranh pháp lý để giành quyền bình đẳng cho hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ.

Tháng 6.2015, tòa án liên bang Mỹ đã chính thức công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn bộ 50 tiểu bang của quốc gia này. Sự kiện không chỉ có ý nghĩa đối với riêng những người đồng tính tại Mỹ, mà còn mở ra một tương lai mới cho toàn bộ các cặp đôi đồng giới trên toàn cầu. Chiến thắng mang tính chất bước ngoặt này, theo nhà sáng lập Freedom to Marry, là không thể có được trong ngày một ngày hai, mà là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ kéo dài hàng chục năm ròng rã, kể từ sự kiện Stonewall năm 1969. Theo đó, một vụ bạo loạn xảy ra khi những người đồng tính chống lại cuộc vây bắt của lực lượng cảnh sát ở quán rượu Stonewall, Manhattan, New York.

Là một trong những người sớm nhất tham gia vào cuộc chiến đòi bình đẳng giới cho người đồng tính tại Mỹ, ông Evan Wolfson cho biết đã trải qua hơn 30 năm chiến đấu không ngừng nghỉ,. Theo ông, để chạm đến chiến thắng cho hôn nhân đồng giới cần 4 yếu tố. Trước hết là hiến pháp Mỹ với giá trị cốt lõi, cho phép mọi người dân tin rằng bất cứ ai cũng đều có quyền tự do. Tuy nhiên, hiến pháp không phải là phép màu – ông Wolfson nhấn mạnh. Còn 3 yếu tố quyết định chiến thắng này, đó là phong trào, chiến lược và chiến dịch hành động. “Không có một hoạt động đơn lẻ nào mà lại có thể thành công. Cần tạo nên một phong trào đủ lớn để thúc đẩy công luận”, ông Wolfson nói. Cùng với việc phát động phong trào là một chiến lược rõ ràng. Ở nước Mỹ với hơn 300 triệu dân trên tổng số 50 tiểu bang, nhiệm vụ của các nhà hoạt động là phải thuyết phục từng tiểu bang cũng như tòa án liên bang, từ nói “không” với hôn nhân đồng giới chuyển sang nói “có”. “Chúng tôi cần tạo dư luận đủ mạnh để có thể thay đổi. Cần làm sao để ai cũng nói đến điều đó, dù là đồng tính hay không. Chính những trao đổi, đối thoại sẽ là động cơ thúc đẩy sự thay đổi”, ông Wolfson nói. Và cuối cùng là những chiến dịch hành động cụ thể như Freedom to Marry đã làm.

Qua nhiều lần đấu tranh thất bại trong suốt những năm 1970 cho đến 2013, phong trào Freedom to Marry đã dần gặt hái được thành công trước khi đặt dấu mốc quan trọng năm 2015. “Nhờ các cuộc vận động, chúng tôi chiến thắng ở từng bang một cho đến lúc đạt được trên toàn bộ 50 bang. Có nhiều khi phe đối lập ở một số bang còn đòi sửa hiến pháp khi thấy chúng tôi gần đạt được sự chấp thuận. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã có được chiến thắng trong lòng mỗi người trước khi chiến thắng về mặt luật pháp”, ông nói.

Ngày nay, hôn nhân đồng tính đã được công nhận tại 22 quốc gia và 6/7 châu lục trên thế giới, mang lại cuộc sống hôn nhân bình đẳng cho hơn 1 tỷ người. Châu lục duy nhất còn lại không công nhận, đó là châu Á, nhà lãnh đạo phong trào tự do hôn nhân chỉ rõ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết tại các nước phát triển như Nhật Bản, Úc, các phong trào vận động kết hôn đồng giới cũng đang diễn ra rất sôi nổi. “Hãy hoạt động tích cực, đừng nghĩ nhiều đến trở ngại. Khi bế tắc ở chỗ này, hãy tìm đến chỗ khác, khi không nói được ở chỗ này, bạn hãy nói ở chỗ khác. Đã đến lúc những người đồng tính Việt Nam cần gia nhập 1 tỉ người tự do hôn nhân ngoài kia”. Đó là lời khuyên của ông Evan Wolfson cho những người đấu tranh vì tự do hôn nhân tại Việt Nam.

Kim Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đồng tính Mỹ mất gần nửa thế kỷ mới được tự do kết hôn