Sau nhiều lần tăng giá, đến nay giá xăng đã chạm ngưỡng 33.000 đồng/lít, điều này đã khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, gặp nhiều khó khăn hơn.

Người dân chật vật vì giá xăng tăng phi mã

Trần Khải | 23/06/2022, 19:25

Sau nhiều lần tăng giá, đến nay giá xăng đã chạm ngưỡng 33.000 đồng/lít, điều này đã khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, gặp nhiều khó khăn hơn.

“33.000 đồng/lít xăng là quá cao” – anh Tô Trí Dũng, ngụ huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã nhiều lần than vãn như thế. Anh Dũng nói rằng, giá xăng hiện tại đã cao ngất ngưỡng và trong quá khứ chưa từng có tiền lệ tăng giá xăng phi mã như vậy. Với mức giá như hiện nay, đã khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân rơi vào cảnh khó khăn.

“Xăng tăng giá, đã kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá theo. Trong khi đó, các mặt hàng của nông dân làm ra thì không tăng. Ngày trước, đổ đầy bình xăng chỉ tầm 60.000 đồng thôi, nay đã lên 120.000 – 130.000 đồng rồi. Cứ đà này tiếp diễn, người dân sẽ lâm cảnh khó khăn hơn”, anh Dũng nói.

xang-dau.jpg
Xăng dầu tăng giá khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân gặp khó

Mỗi lần nhắc đến giá xăng là anh Nguyễn Tuấn Bình, hành nghề chạy xe Grab ở TP.Cà Mau lắc đầu nhìn xa xăm. Anh nói, giờ muốn bỏ nghề xe ôm, mà bỏ thì lấy gì nuôi gia đình, vợ con ở quê. Cả gia đình 6 miệng ăn nhưng chỉ có anh là trụ cột. “Hồi trước, khi xăng còn dưới 20.000 đồng/lít khi đổ đầy bình xăng tầm 60.000 đồng, tôi chạy xe ôm sáng đêm bình xăng vẫn chưa hết. Còn giờ thì…”.

Nói đoạn, anh Bình lấy từ trong túi áo ra điều thuốc lá rồi bật quẹt hút phì phèo. Anh nói tiếp, lúc trước chạy xe Grab lời lắm, hằng đêm tính thêm tiền khách bo cho, sau khi trừ chi phí anh Bình còn lãi khoảng từ hơn 500.000 đồng. Giờ, xăng tăng phi mã, còn giá cước do cạnh tranh với các hãng xe khác nên vẫn giữ nguyên mức cũ, chạy nhiều tiêu tốn nhiều nhiên liệu nhưng thu nhập lại giảm sút.

“Đôi lần tôi định bỏ nghề chạy xe Grab để về quê tìm việc khác làm, nhưng giờ nếu bỏ nghề này, tìm việc khác làm thì mình cũng phải đi lại và vẫn sử dụng xăng. Mà kiếm việc khác, chắc gì thu nhập cao hơn công việc hiện tại, nên tôi chấp nhận cùng đồng nghiệp gắng gượng vượt qua cơn “bão giá”, vì chén cơm của gia đình nên phải làm”.

Ông Trần Văn Lâm, hành nghề sên vét vuông mướn, ngụ tỉnh Bạc Liêu than rằng, sên vuông mướn là công việc mưu sinh của ông nên dù có như thế nào cũng phải làm để nuôi gia đình. Chứ giờ khách hàng kêu mà không làm thì mất mối làm ăn, sợ rằng sau này họ không kêu nữa, còn nhận làm thì giữa lúc xăng dầu tăng cao như thế này sẽ không có lãi.

“Dành dụm nhiều năm nên tôi mua được dàn máy sên vét vuông tôm để mưu sinh kiếm sống. Mặc dù, xăng dầu giá tăng cao nhưng tôi vẫn giữ mức giá cũ với người thuê mướn mình chứ không dám tăng tiền công lên, có chăng thì chỉ tăng vài nghìn đồng chứ tăng nhiều quá họ sẽ không mướn mình nữa. Xưa giờ tôi chưa thấy xăng dầu biến động cao như vậy, cứ đà tăng này, cuộc sống của người dân sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Lâm nói.

Trước việc xăng dầu tăng giá, người dân vùng ĐBSCL đã chật vật mưu sinh trong điều kiện khó khăn do lệ thuộc vào xăng dầu, và họ mong chờ ngành chức năng sớm có biện pháp kìm hãm thị trường xăng dầu để người dân an tâm sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển, phục hồi kinh tế sau COVID-19.

Anh Đinh Hải Đăng, hoạt động trong lĩnh vực thuốc thủy sản, ngụ tỉnh Cà Mau chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi thị trường, có những địa bàn xa đi về là hết ngày nên tốn nhiều chi phí nhiên liệu. So với thời điểm trước, giờ mỗi chuyến đi là tốn chi phí hơn gấp đôi. Trong khi đó, lương thì không tăng. Điều này khiến cho cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn. Giờ muốn nghỉ làm thì sợ thất nghiệp, mà làm thì chi phí xăng dầu cũng hết. Mong sao, cơ quan chức năng sớm có biện pháp kìm hãm giá cả xăng dầu để ổn định thị trường".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân chật vật vì giá xăng tăng phi mã