Ngày 21.6, giá xăng dầu tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp, cán mốc cao nhất gần 33.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel cũng tăng khá mạnh từ 900 đến gần 1.000 đồng/lít.

Giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp, tiến sát 33.000 đồng/lít

Lam Thanh | 21/06/2022, 15:38

Ngày 21.6, giá xăng dầu tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp, cán mốc cao nhất gần 33.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel cũng tăng khá mạnh từ 900 đến gần 1.000 đồng/lít.

Liên bộ Tài chính - Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ hôm nay (21.6), theo đó mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95 tăng 500 đồng và dầu tăng từ 380 - 990 đồng/lít.

Như vậy, xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, giá cao nhất là 31.300 đồng một lít; xăng RON 95-III tăng 500 đồng, cán mốc 32.870 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu đều tăng.

Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng một lít, cán mốc 30.010 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 950 đồng, cán mốc 28.780 đồng/lít, dầu mazut tăng 380 đồng, cán mốc 20.730 đồng/kg.

Tính từ ngày 21.4 đến nay, đây là lần thứ 7, giá các mặt hàng xăng dầu tăng liên tiếp, xô đổ kỷ lục đã lập trước đó, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 21.6, giá xăng dầu trong nước có 16 kỳ điều hành (trong đó mặt hàng xăng có 13 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá).

xag-dau.jpeg
Giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp, tiến sát 33.000 đồng/lít

Tại kỳ điều chỉnh mới đây ngày 13.6, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên 32.375 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 2.626 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít; dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít lên mức 27.839 đồng/lít.

Trước áp lực tăng giá xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, đề xuất giảm từ 700 - 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (tùy loại), nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát.

Về hiệu lực thi hành, trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7.2022, đề nghị hiệu lực thi hành của nghị quyết kể từ ngày 1.8.2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho hay để đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ này lên 1 tháng, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay.

"Nguồn lực nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của nhà nước", bà Hiền thông tin.

Được biết tại Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối (5 ngày); dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5 - 7 ngày sử dụng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới trước đó, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng xăng dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy rất tốt vai trò, góp phần giữ giá xăng dầu trong nước ở mức hợp lý cho doanh nghiệp và an sinh của người dân tốt hơn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình việc giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến ngày 31.12.2022.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ phần trăm giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định. Hơn nữa, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng nền sản xuất cần hướng tới tiết kiệm năng lượng, kinh tế xanh, đa dạng hóa nguồn cung phát triển năng lượng khác thay thế xăng dầu; sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.

Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm nay (21.11) được điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 giảm về mức 20.520 đồng/lít.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp, tiến sát 33.000 đồng/lít