Không ít người gọi giọng ca của Khánh Ly là huyền thoại. Nhiều thế hệ già trẻ say mê và nuôi dưỡng tâm hồn bằng những tình khúc vượt thời gian nữ danh ca này mang lại. Thế nhưng, chỉ đến khi gặp và trò chuyên mới biết, phía sau sự nổi tiếng bà là một người phụ nữ rất đỗi bình thường. Như lời bà tự nhận: “Tôi xấu, giọng hát lại chẳng có gì đặc biệt, chỉ được cái may mắn"…

Người đàn bà đời thường trong Khánh Ly: Cọ toilet, đổ rác, nấu ăn mỗi ngày

Một Thế Giới | 17/09/2015, 13:01

Không ít người gọi giọng ca của Khánh Ly là huyền thoại. Nhiều thế hệ già trẻ say mê và nuôi dưỡng tâm hồn bằng những tình khúc vượt thời gian nữ danh ca này mang lại. Thế nhưng, chỉ đến khi gặp và trò chuyên mới biết, phía sau sự nổi tiếng bà là một người phụ nữ rất đỗi bình thường. Như lời bà tự nhận: “Tôi xấu, giọng hát lại chẳng có gì đặc biệt, chỉ được cái may mắn"…

Nuôi chồng con 40 năm chỉ bằng 10 bài hát của Trịnh Công Sơn

-  PV: Thưa nữ danh ca Khánh Ly, bạn yêu nhạc biết đến bà với hình ảnh mặc áo dài trên sâu khấu cùng những bản nhạc Trịnh đã ghi dấu ấn với nhiều thế hệ. Bà có thể chia sẻ, đời sống còn lại của Khánh Ly như thế nào?

-  Khánh Ly: Khi không đi hát, tôi là một người đàn bà, là vợ, là mẹ như bao người phụ nữ khác. Không lau nhà thì rửa chén, thấy thùng rác đầy thì mang đi đổ, chăm từng cái cây trong vườn, nấu bữa cơm gia đình cho chồng con. Tôi còn phải bán đĩa nữa chứ. Xong xuôi, lại xách vali đi hát.

-  Có nhiều người hâm mộ từng đặt vấn đề, với chất giọng trời phú của mình, nếu không hát nhạc của ông Trịnh Công Sơn, bà vẫn có thể nổi tiếng không kém với Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên. Bà nhận định như thế nào về điều này?

Tôi là người trong cuộc, nên hiểu rõ nhất. Phải nói thế này, giai đoạn những năm 60 - 70 thế kỷ trước, những tình khúc của anh Sơn sáng tác với giai điệu đẹp và âm hưởng rất hợp thời nên thu hút được đông đảo người hâm mộ. Tôi may mắn xuất hiện trong giai đoạn đó, và được anh chọn hát nhạc của anh. Nếu không có tôi, anh sẽ chọn một nữ ca sĩ khác và may mắn sẽ đặt vào số phận người đó. Còn tôi, nếu không gắn với Trịnh Công Sơn và những sáng tác của anh ấy, có thể chẳng mấy ai biết đến Khánh Ly.

Nửa thế kỷ qua, hàng triệu người đã say mê chất giọng đặc trưng không lẫn vào đâu được của bà. Phải chăng, câu trả lời vừa rồi là sự khiêm nhường của bà trước Trịnh Công Sơn?

-  Có thể, mỗi người nghe nhạc sẽ có cách cảm nhận và đánh giá khác nhau. Riêng tôi thấy mình là một trường hợp lạ: Hát dở mà vẫn nổi tiếng. Tôi không chấm gót cô Thái Thanh, không có kỹ thuật như Lệ Thu, Khánh Hà, không biết diễn tả dịu dàng, say đắm như Ý Lan, không có một thân hình, đôi chân của Linda Trang Đài, không có làn hơi phong phú ngọt ngào của Hương Lan, lại càng không có tuổi trẻ và nhan sắc của Như Quỳnh. Tôi chỉ có một nỗi niềm mà khi cất tiếng, sẽ tìm được sự sẻ chia trong ánh mắt người hâm mộ.
Làm sao mà tôi có được điều này? Nhớ lại ngày trước, mỗi khi sáng tác xong, anh Sơn lại tập cho tôi, cắt nghĩa cho tôi về bài hát đó mỗi lần tôi thắc mắc. Có hôm, hai anh em tập từ chiều hôm nay đến sáng hôm sau mới hoàn thiện một bài. Được cái, nhạc vào trong đầu tôi là ở trong đó cho đến chết. Tôi hát nhạc anh Sơn bằng sự trân trọng, hát cho anh Sơn hài lòng, mà có bao giờ anh ấy hài lòng đâu? Hiểu anh Sơn, hiểu những gì anh ấy muốn chuyển tải qua bài hát đã khiến giọng hát tôi có được sự đồng cảm lớn với khán thính giả. Do vậy mà tôi nói, nếu không được anh Sơn chọn, cuộc đời tôi đã rẽ sang một hướng khác, tin chắc, không nhiều hoa hồng như con đường này.

- Phải chăng, sự đồng cảm đặc biệt đó, đã khiến nhiều người hoài nghi mối quan hệ của bà và Trịnh Công Sơn trên mc anh em, bạn bè bình thường?

-  (Cười lớn) Không phải đợi anh Sơn mất rồi tôi mới nói, nhưng tôi cho rằng, hà cớ gì một người tài hoa và nhiều cô gái xinh đẹp vây quanh như anh ấy, lại có tình cảm với một con nhỏ xấu xí và đen nhẻm như tôi. Ai nghĩ vậy thì quả sướng cho tôi nhưng tội cho anh Sơn lắm. Tôi và những người bạn của anh chơi với nhau, gắn bó như những người đàn ông thực sự. Họ đều rất dễ thương, nhưng tôi lại chẳng có tình yêu với ông nào cả. Cá nhân tôi, có lúc xem anh Sơn là cha, là ân nhân của cuộc đời mình.

-  Ai cũng biết, nhạc Trịnh và giọng ca của Khánh Ly là hai điều kiện cần và đủ để nâng cánh cho cả hai. Lý do nào bà luôn tự nhận Trịnh Công Sơn là ân nhân của mình?

Lúc tôi rời Tổ quốc ra đi, thực sự mẹ con tôi cũng chẳng biết là đi đâu cả. Trước đó, tôi cũng không hề có ý định sẽ đi. Thời loạn, sống chết cận kề, thấy người ta chạy thì cũng chạy. Thế thôi. Đến xứ người, khi ấy tôi hẵng còn là một cô gái trẻ nhưng đã tay bồng tay bế. Lúc bế tắc như thế, và cả sau này, tôi vượt qua và gượng dậy được là nhờ chừng 10 bài hát của Trịnh Công Sơn, chỉ trong chừng 10 bài ấy, tôi có tiền mua sữa cho con, sau này là mua nhà và có cuộc sống tạm gọi là ổn định. Dĩ nhiên, không phủ nhận vai trò của các nhạc sĩ tên tuổi khác. Nhưng, tôi dám khẳng định, không có anh Sơn, sẽ không có Khánh Ly.

Từng đi cọ cầu tiêu kiếm tiên nuôi con

Ngày nay, ca sĩ nổi tiếng thường hay gắn với đại gia. Vậy, lúc sang Mỹ, bà có đại gia cho riêng mình?

- (Cười) Nếu được may mắn thế thì đời tôi đã chẳng vất vả. Lúc mới sang Hoa Kỳ, tôi xin việc trong một cơ sở nuôi dạy trẻ. Công việc chỉ đơn giản là... cọ cầu tiêu. Tôi nói ra thì nhiều người không tin, nhưng những ai từng gắn bó với Khánh Ly nơi đất khách quê người đều biết, mẹ con tôi giai đoạn ấy rất cơ cực. Hồi đó không ai biết Khánh Ly, khánh chén gì cả. Tôi phải làm mọi việc chân tay để kiếm tiền chạy từng bữa ăn cho con nên cũng không có gì phải xấu hổ. Vả lại, tôi quan niệm nghề nào cũng lương thiện. Tôi chỉ may mắn hơn là biết hát, nên được đứng trên sân khấu hát bằng tất cả niềm đam mê của mình.

- Là một nghệ sĩ nổi tiếng, đã từng đi qua nhiều cuộc tình, bà định nghĩa thế nào về tình yêu? Và liệu, bà còn muốn đi thêm bước nữa?

- Đối với tôi, tình yêu dù là ở lứa tuổi nào thì vẫn luôn mang lại những cảm xúc mới mẻ. Cuộc đời tôi buồn vui, sướng khổ vì tình yêu đã nhiều. Duy chỉ có 2 lần tôi chết điếng đến mất hết cảm xúc, đó là lần anh Sơn và chồng tôi mất. Một người đã gắn bó với quãng đời đẹp nhất của tôi và cho tôi tất cả. Một người đầu ấp tay gối, là cha của con tôi. Không nói trước, nhưng tôi nghĩ, tôi sẽ sống như thế này đến khi nhắm mắt. Tôi tin, sẽ gặp lại chồng ở một thế giới khác. Với tôi 10 người sống không bằng một người chết. Khi nào tìm được người tốt hơn ông ấy đã, rồi mới tính. Là người Công giáo, hiện tại tôi chỉ muốn sống và làm việc theo đức tin.

-  Khi trở lại Mỹ, điều gì tại quê hương Việt Nam khiến bà ấn tượng nhất?

- Tôi bất ngờ và xúc động trước tình cảm của đồng bào dành cho tôi. Người già nhìn thấy tôi, họ chợt chạnh lòng, bồi hồi vì nhìn thấy một giai đoạn tuổi trẻ của họ. Nhưng tôi thì thích đến gần với các bạn trẻ hơn. Ước muốn của tôi là được hát trong các sân trường đại học, những buổi nhạc hơi hướng du ca như ngày xưa.

-   Là một cái tên rất “hot”, nhiều đơn vị mời hát, sao bà không nhận và chạy show?

-  Tôi già rồi, sức đâu mà chạy nữa. vả lại, mỗi lần về nước rất ngắn. Thời gian cứ dồn dập, tôi muốn dành cho những kỉ niệm và ước nguyện của tôi. Tôi sẽ đi thăm những chốn cũ, hát ở chủng viện thánh Giuse để cám ơn Đức Hồng y đã ban phước lành cho người chồng quá cố. Sau đó, thăm các trung tâm từ thiện. Những việc này, với tôi, ý nghĩa hơn việc chạy show kiếm tiền.

Lưu Sỹ Phong/ Tuổi trẻ & Đời sống

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đàn bà đời thường trong Khánh Ly: Cọ toilet, đổ rác, nấu ăn mỗi ngày