Phim ngắn "Thương nhau để đó phần 2" đăng trên Youtube do một nhóm bạn trẻ thực hiện đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng bộ phim đã xây dựng hình ảnh người chuyển giới một cách thái quá và tiêu cực.

Người chuyển giới tức giận với phim ngắn “Thương nhau để đó“

Một Thế Giới | 20/02/2014, 11:29

Phim ngắn "Thương nhau để đó phần 2" đăng trên Youtube do một nhóm bạn trẻ thực hiện đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng bộ phim đã xây dựng hình ảnh người chuyển giới một cách thái quá và tiêu cực.

Nguoi chuyen gioi tuc gian voi phim ngan “Thuong nhau de do“
Phần 1 của phim ngắn "Thương nhau để đó" được tung ra vào đầu năm 2013. Tính đến nay, bộ phim đã nhận được gần 500,000 lượt xem trên Youtube và sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng LGBT Việt (Đồng tính nam-nữ, song tính và chuyển giới) bởi nội dung tôn vinh tình yêu đồng giới.
Phần 1
Phần tiếp theo được ekip tung ra vào ngày 17.02.2014 và ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ phía cộng đồng người chuyển giới. Họ cho rằng hình ảnh của người chuyển giới đã bị chà đạp một cách lộ liễu. 
Phân cảnh gây tranh cãi ở Phần 2
Phóng viên Một Thế Giới đã phỏng vấn và xin ý kiến của 3 nhân vật khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT Việt để cùng trao đổi về quan điểm của họ xoay quanh những ý kiến trái chiều về bộ phim.
Nguoi chuyen gioi tuc gian voi phim ngan “Thuong nhau de do“
 

Chuyên gia trang điểm Gia Kỳ, thành viên ban gia khảo TGT3 Next Top Angel, sáng lập viên Rainbow Ent. (kênh giải trí chuyên về các sản phẩm của cộng đồng LGBT).

Gia Kỳ: "Mình xem không quá được 2 phút. Thú thật, tiếp xúc thường xuyên với các bạn chuyển giới, mình phần nào hiểu các bạn rất khao khát được chứng tỏ bản thân và khẳng định mình trong tình yêu, cuộc sống. Những trường hợp xấu cũng có, nhưng đó không phải là tất cả. Các bạn chuyển giới vẫn có những người năng động và tài giỏi, họ làm việc và lao động nghiêm túc chứ không chỉ mua vui như nhiều bộ phim hiện nay phản ảnh. 
Chúng ta hay nói theo kiểu "phim ảnh chỉ là phản ánh lại đời thật", nhưng có lẽ do đời thật của những người chuyển giới làm lụng chính đáng sẽ không hấp dẫn trên phim ảnh nên họ sẽ không khai thác chăng? Về cá nhân mình, làm một tác phẩm, cái quan trọng là cái tâm của mỗi người tham gia trong đó, ít nhất mình cũng ấp ủ những dự án làm riêng cho các bạn chuyển giới, cũng là phản ánh cuộc sống nhưng sẽ ở một góc độ khác gần gủi hơn về họ. Để xã hội hiểu và chia sẻ, chứ không phải để mua vui rồi kỳ thị. Yếu tố gây hài của người chuyển giới là tự nhiên, họ rất vui tính và dễ thương, nhưng cũng đừng biến họ thành thái quá".
Nguoi chuyen gioi tuc gian voi phim ngan “Thuong nhau de do“

Jessica, quản lý của J S Band - Một trong số những nhóm nghệ thuật của các người mẫu chuyển giới có tiếng tại Sài Gòn, cũng là một tích cực viên trong các hoạt động bảo vệ quyền người chuyển giới.

Jessica: "Tôi thường từ chối khi có lời mời tham gia phim ảnh, vì tôi biết, kịch bản của người ta lúc nào dành cho người chuyển giới cũng là hình ảnh mua vui bôi bác, tuyến nhân vật phụ để chọc cười vậy thôi. Còn sau đó, người chuyển giới ra ngoài xã hội có bị kỳ thị ra sao thì người ta không quan tâm. 
Thật ra, tôi không phủ nhận những gì phim ảnh nói là sai hoàn toàn, nhưng đó chỉ là một phần, phần còn lại rất đời thường thì chẳng ai nói đến. Tôi là một người chuyển giới, lắm lúc nghe mọi người bàn tán về chính mình mà tôi ứa nước mắt, cứ như thể tôi mà gặp ai là đàn ông là tôi sẽ nhào vào ăn thịt vậy. 
Nhóm hoạt động của tôi, đa phần đều là các bạn trẻ, vì muốn sống thật là mình các bạn đã phải đánh đổi nhiều thứ để có, trong đó thậm chí là cả gia đình, học hành, bạn bè... chẳng ai được tôn trọng là bao, nhưng các bạn luôn cố gắng sống và làm việc lương thiện để xây dựng lại mình từ những thiếu thốn đó. Tôi nghĩ, đó là một góc khác rất cần được nhiều người biết tới. Tôi hiểu vì sao các bạn không được học hành, khó tìm việc và cũng khó có người yêu, và chúng tôi tự khuyên nhủ nhau rồi mọi thứ sẽ khác nếu từ bây giờ có sự vận động từ nhiều phía. 
Tôi hy vọng từ phía các nhà làm phim trẻ nữa, các bạn cũng sẽ là những người có tác động mạnh mẽ đến xã hội, và một phần quyết định cho việc xoá giảm hay làm tăng thêm kỳ thị của mọi người về chúng tôi. Chúng tôi rất mong các bạn sẽ hiểu được những tâm tư này và chung sức".
Nguoi chuyen gioi tuc gian voi phim ngan “Thuong nhau de do“

Huỳnh Minh Thảo (bên trái), cũng là thành viên BGK của giải thưởng Trái Tim Cầu Vồng (hạng mục các phim về đề tài LGBT) trong liên hoan phim ngắn YXineFF 2012, 2013. Trong ảnh còn có đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (cũng là thành viên BGK) và anh Trần Khắc Tùng (giám đốc trung tâm ICS)
Huỳnh Minh Thảo: "So với phần 1, tôi rất khó chịu khi xem tập phim lần này. Nhiều người bảo tôi sao khó tính quá, phim cũng làm ra để tôn vinh tình yêu người đồng tính mà. Tôi thì thấy, nếu chỉ vì mục đích tôn vinh tình yêu đồng tính mà hạ thấp hình ảnh người chuyển giới thì càng tệ hơn. 
Nói ra khó tin, nhưng cách đây 5 năm, tôi rất kỳ thị các bạn chuyển giới, suy nghĩ của tôi lúc đó là "vì các bạn mà người đồng tính bị ảnh hưởng xấu về hình ảnh". Nhưng tôi mau chóng thay đổi suy nghĩ sai lệch đó của mình khi có cơ hội tiếp xúc, làm việc và hiểu hơn về các bạn chuyển giới. Cũng nhưng mình, các bạn có khao khát được sống đúng với bản thân, cũng đi tìm tình yêu và cũng mong mỏi một tương lai khác hơn. 
Chính vì điều này mà hình ảnh người chuyển giới được đem mua vui qua không ít các sản phẩm phim ảnh làm tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Nó như bóp chết những nổ lực đang dần thay đổi từng ngày của chính các bạn chuyển giới ngoài kia. Khác với tôi ngày xưa là kỳ thị và không nói đến, các bạn bây giờ không hẳn là kỳ thị, nhưng lại nói đến theo góc độ mua vui một cách rất thản nhiên, mà theo tôi, tạo nên sự kỳ thị một cách vô thức như vậy còn nguy hiểm hơn. 
Một nhà làm phim, một ê kíp thực hiện chỉ thật sự mang lại một sản phẩm hay, nếu họ ý thức được những sản phẩm mình làm ra tạo ra những thay đổi, tác động gì... Tôi cũng hy vọng rằng, bằng sức trẻ, sự sáng tạo của mình, các nhà làm phim trẻ sẽ quan tâm hơn về tác động xã hội mà mình tạo ra, trước khi nghĩ đến sự thu hút, mua vui. Vì mua vui thì cũng chỉ được vài trống canh, nhưng những gì ý nghĩa, có giá trị thì mới có thể lưu lại trong lòng khán giả bền chặt".

Tuấn Trinh

Đọc thêm: Đạo diễn phim "Thương nhau để đó": Cám ơn vì quảng cáo không công cho tôi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người chuyển giới tức giận với phim ngắn “Thương nhau để đó“