'Sau khi tốt nghiệp đại học, em đã đi phỏng vấn hơn 10 lần nhưng kết quả đều trượt. Em luôn tự tin về trình độ học vấn cũng như năng lực của mình so với những người trúng tuyển nhưng dường như các nhà tuyển dụng cố tình tìm ra một lý do nào đó để loại bỏ em'.
Đó là tâm sự của một thanh niên chuyển giới có mặt tại buổi Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu sinh kế & người chuyển giới & Lễ ra mắt bộ sưu tầm hiện vật & tư liệu về người LGBT ở Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu "Sinh kế với người chuyển giới" do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển (IDS) Vương Quốc Anh tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - khu vực được đánh giá tập trung đông đảo nhất người chuyển giới - với 197 người chuyển giới nam và nữ cho thấy, hầu hết người chuyển giới gặp phải rất nhiều khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm cũng như sự phân biệt, kỳ thị tại nơi làm việc.
Qua tâm sự, nghiên cứu thực tế, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có sự khác biệt về vấn đề việc làm của người chuyển giới. Hơn 30% tham gia cho biết đã từng nghỉ việc do là người chuyển giới. Hơn một nửa số này đã từng phải nghỉ việc từ hai lần trở lên. Gần 50% người chuyển giới có thu nhập chính từ một công việc hoàn toàn bán thời gian, 21 % có tích lũy, 28% đủ chi tiêu, 25% có thu nhập nhưng không đủ chi tiêu và khoảng 26% hoàn toàn không có thu nhập.
Những người chuyển giới gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng do chứng minh thư nhân dân hay tên không phù hợp với ngoại hình. Áp lực đối với việc tuyển dụng người chuyển giới có thể đến từ khách hàng, hay các đối tác của cơ quan tuyển dụng.
“Kết quả cũng cho thấy ở những nơi có quy định về đồng phục theo giới tính hầu hết người chuyển giới cho biết họ không thoải mái. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định về thời gian làm việc do các vấn đề liên quan tới chuyển giới như trang điểm, dùng thuốc, tập luyện…hay gặp khó khăn với nhà vệ sinh quy định giới tính ở nơi làm việc” – Bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc CCIHP – Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
“Là người đồng tính, em gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhất là vẫn đề việc làm. Sau khi tốt nghiệp đại học, em đã đi phỏng vấn hơn 10 lần nhưng kết quả đều trượt. Em luôn tự tin về trình độ học vấn cũng như năng lực của mình so với những người trúng tuyển nhưng dường như các nhà tuyển dụng cố tình tìm ra một lý do nào đó để loại bỏ em” – T.A một thanh niên chuyển giới từ nữ thành nam có mặt tại buổi hội thảo tâm sự.
Cuộc sống của những người chuyển giới công khai có công việc ổn định cũng vất vả tương tự. Họ luôn phải chịu nhiều áp lực và có thể thiệt thòi hơn đồng nghiệp không phải chuyển giới có cùng năng lực. Số người chuyển giới làm việc ở các lĩnh vực tự do và phi chính thức như cửa hàng ăn uống, quán cà phê, bar…nhiều hơn số người làm ở các công ty, văn phòng chính thống.
“Trước kia em làm hướng dẫn viên du lịch, do có sự khác biệt về hình thức bên ngoài với giọng nói nên khi giới thiệu cho khách, thay vì họ chú ý tới địa điểm tham quan thì họ lại nhìn chằm chằm vào em với ánh mắt kỳ thị. Trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, em từng nghe nhiều câu nói xúc phạm tới bản thân. Những điều này khiến em không còn động lực để tiếp tục công việc. Đi làm ngoài, dù vất vả, thu nhập thấp nhưng em cảm thấy thoải mái hơn về tinh thần.” Q.K thanh niên chuyển giới kể.
“Nguyên nhân chính khiến người đồng tính gặp khó khăn trong vấn đề việc là hầu hết các nhà tuyển dụng chưa có chính sách chống kỳ thị và phân biệt đối xử bằng văn bản mà chủ yếu là thống nhất về tinh thần, nếu có vấn đề xảy ra thì xử lý theo trường hợp cụ thể. Kỳ thị, thiếu giấy tờ tùy thân phù hợp, thiếu sự hỗ trợ của các tổ chức làm về quyền của người chuyển giới khiến người chuyển giới không tiếp cận được việc làm cũng như vốn vay cần thiết để có thể thiết lập dịch vụ của riêng họ,…”- bà Tú Anh nói.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn tìm kiếm việc làm và sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc nhưng nhiều người chuyển giới có bằng đại học luôn muốn làm ở các công ty để chứng tỏ bản thân trong môi trường chuyên nghiệp. Họ cho rằng, việc là người chuyển giới có tác động tích cự đế cuộc sống của họ, dạy họ phải tin tưởng vào bản thân, có tham vọng và bến chí.
Bên cạnh đó, internet và mạng xã hội hiện nay đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người chuyển giới. Kinh doanh online, nhận ship hàng online,… cũng là những nghề giúp người chuyển giới có thu nhập với đầu tư ban đầu thấp. Ngoài ra, interet cũng giúp ích nhiều cho người chuyển giới trong việc tìm kiếm thông tin việc làm.
Theo Nhữ Trang (Dân Trí)