Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa trút hơi thở cuối cùng, giã biệt văn đàn vào 3g45 ngày 20.5 tại Bệnh viện quân y 103 (Hà Nội), sau 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

'Người ăn cốm giữa sân' đã về trời

20/05/2016, 15:24

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa trút hơi thở cuối cùng, giã biệt văn đàn vào 3g45 ngày 20.5 tại Bệnh viện quân y 103 (Hà Nội), sau 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Tôi đọc thơ và truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phục từ năm 1970. Khi đó, Phục là “nhà văn trẻ” được biết tiếng ở miền Bắc và ở Hà Nội, dù anh viết văn từ đất Cảng.

Ngay từ những năm đầu sáng tác, Nguyễn Khắc Phục đã chứng tỏ được anh là nhà văn đa năng. Phục có thể viết nhiều thể loại, từ thơ tới truyện ngắn, rồi kịch bản phim. Năm 1971, Nguyễn Khắc Phục tham gia vào trại sáng tác văn học đặc biệt do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Quảng Bá, để từ đó anh và bè bạn đi thẳng vao chiến trường. Tôi không tham gia trại, nhưng cũng được đi chiến trường Nam Bộ trước Phục và bạn bè 3 tháng. Nguyễn Khắc Phục đi chiến trường khu Năm cùng Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Thế Khoa, Nguyễn Thị Hồng( Nguyễn Thị Bắc Hà)…Cả một lớp người cầm bút trẻ đã thực sự tiếp cận với chiến tranh ở cự ly gần, đã lăn lộn cùng nhân dân miền Trung trong 5 năm ác liệt cuối cùng của cuộc chiến.

Do tôi ở chiến trường Nam Bộ nên tin tức về bạn bè ở Khu Năm tôi không nhận được, chỉ thỉnh thoảng được nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh Giải phóng đọc một số bài thơ, bút ký và truyện ngắn của các anh chị. Biết như thế, trong hoàn cảnh chiến trường, cũng đã nhiều rồi. Ngày Thống nhất, tôi không gặp Nguyễn Khắc Phục ở Sài Gòn, nhưng khi về Đà Nẵng thì anh em gặp nhau. Khi ấy, tôi vừa đọc được trường ca “Ăn cốm giữa sân” của Nguyễn Khắc Phục do NXB Giải Phóng in. Nhờ lúc ở Sài Gòn tôi gặp chị Ý Nhi và bạn Thái Thành Đức Phổ biên tập viên NXB Giải Phóng nên được tặng sách này. Đó là một trong những bản trường ca “chín sớm” của văn học giải phóng, sau trường ca “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn. Thơ Nguyễn Khắc Phục, ngay từ hồi ở miền Bắc, đã có những dấu hiệu của sự cách tân, “lạ hóa” so với thơ hồi đó. Trong trường ca “Ăn cốm giữa sân” viết về Tây nguyên, Nguyễn Khắc Phục đã tìm được “đất” cho những câu thơ phóng khoáng và lạ của mình được tung ra một cách “hợp pháp”. Cũng thuộc dòng thơ ca giải phóng, nhưng trường ca “Ăn cốm giữa sân” vẫn thấp thoáng những dáng nét riêng của phong cách Nguyễn Khắc Phục, một phong cách được hình thành từ trường phái “Thơ Hải Phòng” nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ.

Ở Đà Nẵng lúc mới giải phóng, nhờ sự quen thân của Phục mà tôi gặp được một số trí thức và văn nghệ sĩ Đà Nẵng, rồi sau đó, tôi với Phục lại ra Huế để đi về Hà Nội. Lúc ấy, trong túi tôi thường xuyên không có tiền, và chuyến đi về Hà Nội của “đứa con lưu lạc” là do nhà văn Nguyễn Khắc Phục bao trọn gói. Cũng không tốn là mấy, nhưng bấy giờ mà Phục có tiền trong túi là đáng khâm phục lắm rồi. Ra tới Hà Nội, Phục dẫn tôi tới nhà Đặng Nhật Minh-vừa đạo diễn một phim truyện do Phục viết kịch bản- để mượn cái xe đạp cho tôi đạp về nhà thầy má tôi ở Gia Lâm.

Nguyễn Khắc Phục là một người luôn năng động, luôn sôi động khi…nói và viết. Nếu bây giờ người ta quen với từ “chém gió”, thì từ 40 năm trước, Nguyễn Khắc Phục đã là tay “chém gió” có hạng. Anh kể chuyện rất hay, ăn nói rất thuyết phục, những thế mạnh ấy về sau đã giúp Phục thành công trong nhiều lĩnh vực văn học và sân khấu cũng như điện ảnh. Là nhà văn đa năng, thường xuyên xông xáo vào những đề tài “nóng”, đã có lúc Nguyễn Khắc Phục làm dư luận phải rộ lên trái chiều về tác phẩm của mình, mà điển hình là tiểu thuyết “Học phí trả băng máu”. Nhưng nhà văn là như vậy, không phải lúc nào cũng có thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Những năm 70 và 80 đầy gian khó của thời kỳ bao cấp, thỉnh thoảng gặp Nguyễn Khắc Phục vẫn thấy anh làm ăn rất tốt, không những có tác phẩm mà còn có thu nhập. Từ dạo ấy, Phục đã bộc lộ khả năng viết những kịch bản nhân các sự kiện, và sau này, nó giúp anh trở thành “quán quân” trong nhiều năm liền về sáng tác kịch bản lễ hội. Tính đa năng trong sáng tạo của Nguyễn Khắc Phục còn thể hiện ở lĩnh vực mà ít người ngờ tới, là anh vẽ tranh, thậm chí, vẽ sơn mài là thể loại tranh rất khó về kỹ thuật. Tranh sơn mài của Phục lại bán được, bán được giá, ấy mới là điều kỳ lạ, dù họa sĩ ở nước ta không hiếm. Đó thực sự là một người đa tài và đa năng, một người “làm thuê” có hạng mà tôi hằng khâm phục. Vì tôi cũng là người làm thuê, và chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền như Phục đã kiếm được.

Có lẽ Nguyễn Khắc Phục là người sáng tác đến cuối đời, vì cách đây một tháng, tôi còn đọc được thơ Phục in trên báo Thanh Niên, cùng với thơ của vợ Phục là nữ thi sĩ Trang Thanh. Năm trước, khi tôi gặp nhà văn Nguyễn Thế Khoa, bạn Phục, tại Hà Nội, Khoa cho biết anh mới vào Hà Đông thăm Phục lúc nghe tin Phục bị bệnh hiểm nghèo, và đã chứng kiến Phục đang… vẽ tranh sơn mài. Khoa nói, tranh Phục vẽ bán nhanh và được giá lắm. Do chất lượng tranh chứ không không phải do người mua muốn ủng hộ Phục. Năm 2012, khi chuẩn bị cuộc hội thảo về thơ Đỗ Nam Cao-một người bạn chung cùng đi chiến trường vừa qua đời-tôi đã gặp Nguyễn Khắc Phục trong một bữa cơm trưa có Ngô Thế Oanh, Thế Khoa và nhà văn Nay-Nô. Tôi nói với Phục, Nay-Nô ở Gia Lai cố gắng ra Hà Nội dự hội thảo về bạn Đỗ Nam Cao là quí lắm, nhưng Nay-Nô nghèo, nên tôi đã gọi điện cho một người bạn chung của mấy anh em từng cùng đi chiến trường là anh Phạm Quang Nghị-lúc ấy đang là bí thư Hà Nội-mời anh Nghị dự hội thảo và ủng hộ…tiền cho Nay-Nô. Với bản tính năng động “rất Nguyễn Khắc Phục”, Phục đã đố tôi anh Nghị sẽ ủng hộ Nay-Nô được bao nhiêu ? Tôi đoán khoảng 5 triệu, nhưng Phục đưa ra con số gấp đôi. Chúng tôi cá cược không mất tiền, chỉ xem ai đúng. Phục đã đúng, anh Phạm Quang Nghị trong hội thảo đã nhờ tôi chuyển giúp cho nhà văn Nay-Nô 10 triệu đồng làm “lộ phí”. Anh em chơi với nhau như thế là quá được.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Khắc Phục. Nay thì người “Ăn cốm giữa sân” đã về trời, để lại một di sản gồm cả tác phẩm văn học, kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh. Mỗi nền văn học của mỗi đất nước đều có những nhà văn đa năng như vậy, và Nguyễn Khắc Phục chính là một nhà văn đa năng của Việt Nam. Chưa kể, anh còn là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài. Vĩnh biệt anh, một trong những người ‘chém gió” thú vị nhất Việt Nam thời hiện đại.

Thanh Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Người ăn cốm giữa sân' đã về trời