Có những chuyện lẽ ra không thể nào xảy ra được nhưng vẫn cứ xảy ra. Chẳng hạn phóng xe ngược chiều trên đường cao tốc. Nói một cách tự ti, hình như những chuyện như vậy chỉ có ở Việt Nam.
Trong ngôn ngữ Việt, thỉnh thoảng người ta dùng từ “hy hữu” (hiếm có) để chỉ sự việc hoặc điều gì đó hiếm khi xảy ra. Nhưng nói như một vị bác sĩ (ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi bàn về vụ nữ tử tù có thai) thì hy hữu không có nghĩa là không có. Tức là chỉ hiếm, thậm chí cực kỳ hiếm thôi chứ vẫn có. Tôi hoàn toàn đồng ý với bác sĩ Quyết bởi thấy ở xứ ta còn có những chuyện lẽ ra không thể nào xảy ra được nhưng vẫn cứ xảy ra. Chẳng hạn phóng xe ngược chiều trên đường cao tốc. Nói một cách tự ti, hình như những chuyện như vậy chỉ có ở Việt Nam.
Ai chả biết tình trạng giao thông ở nước ta lâu nay, cho tới tận bây giờ, và không biết sẽ kéo dài tới khi nào, rất lộn xộn. Tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa, người chết nhiều đến mức dư luận cũng chả thèm giật mình nữa. Luật lệ giao thông đủ cả, chỉ có điều người ta không tôn trọng, người ta nhờn luật. Nhờn đến mức xem thường tất tật, coi mình là ông giời, muốn là làm, đố ai cản.
Hơn chục năm trở lại đây, hệ thống đường sá được xây dựng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là những con đường cao tốc không chỉ tác động mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế mà còn làm thay đổi bộ mặt xã hội, tạo nên những vẻ đẹp hiện đại, kỳ diệu của một đất nước đang trên đà phát triển. Các đường cao tốc: TP.HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhật Tân - Nội Bài, Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây… như bàn tay xòe ra ôm lấy mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn lao ấy là điều đáng buồn: con người không theo kịp tốc độ của thời đại, hay nói cách khác, người rất vênh với con đường hiện đại.
Chúng ta hầu hết đều biết rằng trên những con đường liên huyện, liên tỉnh, thậm chí quốc lộ bấy lâu nay luôn đầy rẫy sự vi phạm luật giao thông. Chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu… Chỉ có điều, sự vi phạm ở những con đường đó có thể đưa đến những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, khiến người ta dễ xem thường. Nhưng đường cao tốc thì khác. Vi phạm thường dẫn đến hậu quả thảm khốc, khôn lường.
Vì vậy đường cao tốc không chấp nhận thói càn rỡ, "Chí phèo", xé luật. Không thể hình dung rằng có ai đó dám chạy xe ngược chiều trên đường cao tốc. Chạy như vậy, sự sống chỉ còn một phần ngàn, tức là cầm chắc cái chết. Không ai ngu, liều thế bao giờ. Bói xem trên quả địa cầu này có nơi đâu người ta dám phóng xe ngược chiều trên đường cao tốc. Vậy mà có ở Việt Nam. Điều không thể vẫn có thể. Báo chí vừa rồi đưa tin về vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lý do lãng nhách: một chiếc ô tô 4 chỗ chạy ngược chiều. Có bạn đọc ngán ngẩm bảo không còn gì để nói nữa. Hậu quả thế nào, thôi, khỏi cần nhắc lại.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hôm 7.3 có công văn cho biết camera giao thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn phát hiện một chiếc xe khách chở hàng chục người chạy ngược chiều trên con đường này. Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.
Rồi còn gì nữa: người dân một số nơi tự tiện dựng rào chắn, chặn đường cao tốc để đòi hỏi… tiền đền bù giải tỏa, phá dải phân cách để đi lại dễ dàng bên này bên kia, ném đá vào xe đang chạy trên cao tốc để… cho vui. Muôn ngàn kiểu cách ứng xử với cao tốc khiến thế giới xung quanh nhìn vào chúng ta mà phát hãi. Tôi đảm bảo những nước đang sử dụng đường cao tốc như ta phải ngạc nhiên dựng tóc gáy trước những điều không thể mà có thể như vậy.
Được biết Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược phát triển đường bộ cao tốc xứ ta đến năm 2030 với 21 tuyến có tổng chiều dài hơn 6.400 cây số. Mừng vì sắp có thêm đường cao tốc mới, lo bởi còn quá nhiều những con người như đã nói ở trên.
Nhân đây cũng nhắc đến chuyện chiếc tàu thủy tải trọng hơn 3.000 tấn đâm hỏng cây cầu An Thái trên sông Kinh Môn (Hải Dương) hôm 7.3. Cầu nào cũng có quy định tĩnh không mà bất cứ thuyền trưởng nào khi đến đó cũng phải hiểu tàu mình có qua được hay không. Nếu bị đứt neo, gió giật, thả trôi va vào cầu như chiếc tàu biển đụng cầu Bính (Hải Phòng) năm nào đã đi một nhẽ, đằng này thuyền trưởng biết rõ mười mươi vẫn bất chấp chui qua và… phá cầu. Thiệt hại biết bao nhiêu mà kể: cầu hỏng, giao thông ách tắc, kinh tế giao thương bị đình trệ, người dân hết lối đi lại... Xin đừng ai gọi đây là tai nạn hy hữu. Đúng ra nó không thể xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra, bởi vì ở nước ta.