Các nhà nghiên cứu đang xem xét việc ngửi các hợp chất dễ bay hơi trong không khí có thể là một cách để điều trị ung thư hoặc làm chậm bệnh thoái hóa thần kinh hay không.
Kiến thức - Học thuật

Ngửi mùi trái cây chín có thể ngăn chặn ung thư

Anh Tú 29/02/2024 19:28

Các nhà nghiên cứu đang xem xét việc ngửi các hợp chất dễ bay hơi trong không khí có thể là một cách để điều trị ung thư hoặc làm chậm bệnh thoái hóa thần kinh hay không.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, chúng ta đã nhận thức rõ hơn về khứu giác của mình.

Giờ đây, nghiên cứu mới cho thấy mùi – giống như mùi phát ra từ trái cây chín hoặc thực phẩm lên men – có thể dẫn đến những thay đổi trong cách biểu hiện gien bên trong các tế bào nằm xa mũi.

Những phát hiện này khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi: Liệu với nhiều nghiên cứu hơn nữa, việc ngửi các hợp chất dễ bay hơi trong không khí có thể là một cách để điều trị ung thư hoặc làm chậm bệnh thoái hóa thần kinh hay không.

Mặc dù ý tưởng truyền thuốc qua đường mũi không phải là một ý tưởng mới, nhưng tất nhiên đó là một bước nhảy vọt lớn từ các thí nghiệm trên tế bào, ruồi và chuột. Ngoài ra, cũng có thể tồn tại những rủi ro sức khỏe không lường trước được liên quan đến các hợp chất được thử nghiệm, vì vậy cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về hậu quả của khám phá hấp dẫn này.

Anandasankar Ray, nhà sinh học tế bào và phân tử tại Đại học California (UC) Riverside cho biết: “Việc tiếp xúc với chất tạo mùi có thể trực tiếp làm thay đổi biểu hiện của gien, ngay cả trong các mô không có cơ quan thụ cảm mùi”.

Nhóm nghiên cứu đã cho ruồi giấm (Drosophila melanogaster) và chuột tiếp xúc với các liều hơi diacetyl khác nhau trong 5 ngày. Diacetyl là một hợp chất dễ bay hơi được giải phóng từ nấm men trong quá trình lên men trái cây. Trước đây, diacetyl được sử dụng để tạo mùi thơm giống bơ trong thực phẩm như bỏng ngô và đôi khi có trong thuốc lá điện tử. Ngoài ra, diacetyl cũng là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia.

Trong các tế bào người được nuôi trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy diacetyl có thể hoạt động như một chất ức chế histone deacetylase (HDAC). Nó gây ra những thay đổi lớn trong biểu hiện gien ở ruồi và chuột, gồm cả tế bào não, phổi của chuột và râu của ruồi.

HDAC là enzyme giúp bọc DNA chặt hơn xung quanh histone. Vì vậy nếu gien bị ức chế, chúng có thể được biểu hiện dễ dàng hơn. Thuốc ức chế HDAC đã được sử dụng làm phương pháp điều trị ung thư máu.

Trong các thí nghiệm tiếp theo, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơi diacetyl đã ngăn chặn sự phát triển của các tế bào u nguyên bào thần kinh ở người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Việc tiếp xúc cũng làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh ở mô hình ruồi mắc bệnh Huntington.

Ray cho biết: “Phát hiện quan trọng của chúng tôi là một số hợp chất dễ bay hơi phát ra từ vi khuẩn và thức ăn có thể làm thay đổi trạng thái biểu sinh trong tế bào thần kinh và các tế bào nhân chuẩn khác. Thu hoạch của chúng tôi là báo cáo đầu tiên về các chất dễ bay hơi thông thường hoạt động theo cách này”.

Tuy nhiên, mọi thứ không chỉ toàn những điều tích cực. Kết quả các nghiên cứu khác cho thấy hít phải diacetyl gây ra những thay đổi trong tế bào đường thở và thậm chí gây ra bệnh phổi gọi là viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, hay 'phổi bỏng ngô'. Do vậy, Ray thừa nhận "hợp chất này có thể không phải là ứng cử viên hoàn hảo để trị liệu".

Ngoài ra còn có rất nhiều hạn chế khác đối với phát hiện kể trên. Một nhà phê bình trong giới khoa học cho rằng nghiên cứu này “không cung cấp được phân tích kỹ lưỡng về các cơ chế cơ bản” có thể giải thích cách mùi gây ra những thay đổi biểu sinh trong các tế bào cách mũi một khoảng cách xa.

Ngoài ra, việc tiếp xúc kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với các chất tạo mùi thường gặp có thể gây ra hậu quả lâu dài hay không cũng nằm ngoài phạm vi của nghiên cứu tiền lâm sàng trong thí nghiệm này. Hãy nhớ, như người ta vẫn nói, liều lượng tạo nên chất độc.

Bản thân các nhà nghiên cứu cũng thận trọng khi cho biết: “Với việc chúng tôi tiếp xúc nhiều lần với các hương vị và mùi thơm cụ thể, những phát hiện được nêu ở đây nêu bật phương án mới trong việc đánh giá sự an toàn của một số hóa chất dễ bay hơi có thể đi qua màng tế bào”.

Do vậy, có lẽ ứng dụng thực tế hơn của nghiên cứu này là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì thực vật cũng chứa enzyme HDAC và nghiên cứu khác cho thấy chúng thể hiện phản ứng mạnh mẽ và đột ngột với các hóa chất dễ bay hơi trong không khí.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngửi mùi trái cây chín có thể ngăn chặn ung thư