PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dựa trên công suất của tàu ra khơi, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí xăng dầu cho ngư dân theo tỷ lệ nào đó.

Ngư dân nằm bờ vì “tiền dầu quá tiền cá”, hỗ trợ thế nào cho hiệu quả?

Lam Thanh | 13/07/2022, 10:42

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dựa trên công suất của tàu ra khơi, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí xăng dầu cho ngư dân theo tỷ lệ nào đó.

Tiền dầu quá tiền cá, ngư dân “nằm bờ”

Hiện nay đang là chính vụ đánh bắt cá nam (từ tháng 5 đến 9), tuy nhiên ngư dân nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Bình, Kiên Giang… không thể ra khơi vì giá xăng dầu tăng quá cao, nếu vươn khơi thì không đủ bù lỗ. Tuy nhiên, tàu cá nằm bờ cũng khiến ngư dân “ngồi trên đống lửa” bởi trăm thứ chi phí bủa vây như tiền lãi, tiền sinh hoạt hàng ngày… Do đó, nhiều ngư dân phải xoay sở làm thuê thêm nhiều công việc khác.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), đến cuối năm ngoái, cả nước có gần 91.720 tàu cá, trong đó tàu khai thác ven bờ hơn 42.640; tàu khai thác xa bờ 30.390. Đến nay, khoảng một nửa tàu khai thác thủy sản phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao.

Do đó, Bộ này đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Cơ quan này cho biết nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng tới 65% (ngày 25.12.2021 là 17.579 đồng/lít, đến ngày 20.6 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít).

"Như vậy chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỉ đồng/tháng", Bộ NN-PTNT tính toán.

ngu-dan.jpg
Tàu cá ngư dân nằm bờ nhiều ngày nay vì giá xăng dầu tăng cao

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng khiến giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng 10-15%. Điều này kéo theo chi phí đầu vào tăng 35-48%, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể.

"Tính chung cả nước đến thời điểm hiện nay tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: Lưới kéo, nghề rê... ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Đồng thời tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản trong nước và xuất khẩu", cơ quan này đánh giá.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú cho biết một khi xăng dầu tăng giá, tăng liên tiếp, với biên độ mạnh trong 1 thời gian ngắn, trước hết nó sẽ có tác động ngay tức thì đối với giá thành của các phương tiện vận chuyển hàng hoá và vận tải công cộng khác. Đó là điều trăn trở, khó khăn nhất trong 5 tháng vừa qua.

Cũng theo ông Phú, đối với ngư dân, nhiều tàu thuyền đã tạm nằm bờ vì đánh bắt với giá xăng dầu cao, không đủ bù đắp chi phí khi bán sản phẩm thu được. Có những tỉnh như Khánh Hoà, Thanh Hoá có đến 50% tàu cá không hoạt động. Giá các loại thuỷ sản khác bán ra không tăng được mấy, đó là điều mà ngành đánh bắt xa bờ gặp khó khăn so với 1 số năm trước đây.

“Nhìn chung trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghiệp thủ công dịch vụ cũng đang gặp những tình trạng tương tự kể trên. Đây là giai đoạn khó khăn nhất sau 2 năm đại dịch vừa qua, các đơn vị chưa kịp hồi phục thì tác động của giá xăng dầu đã bồi thêm những khó khăn mới cho họ”, ông Phú nói.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cũng cho rằng ngư dân không có đất đai, chỉ có con tàu làm kế sinh nhai, khi không ra biển nghĩa là mất nghề, mất thu nhập và mất đi cơ hội bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngư dân ra khơi không chỉ làm kinh tế mà còn thực hiện chủ quyền trên nền tảng các hoạt động kinh tế, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Do đó, ông Hồi nhấn mạnh ngư dân đánh bắt trên biển cần được hưởng những chính sách đặc thù.

Nên hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân ra khơi

Bộ Nông nghiệp cho biết số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân, cơ quan này đề xuất hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng mức lương tối thiểu theo vùng quy định tại Nghị định 90, tức khoảng 3-4,4 triệu đồng/người trong vòng 6 tháng.

Thay vì chỉ hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá đang dừng hoạt động như đề xuất của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị nên bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

"Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu - loại nhiên liệu mà ngư dân sử dụng, tăng so với đầu năm 2022, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay", Bộ Công Thương đề xuất.

Ngoài ra, Bộ cũng cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống của người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

ngu-dan-2.png
PGS-TS Đinh Trong Thịnh (Học viện Tài chính)

Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trong Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng ngoài chính sách hạ nhiệt giá xăng dầu thì cần nhanh chóng hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, nên hỗ trợ ngư dân ra khơi thay vì ngư dân nằm bờ (ngư dân nằm bờ có thể hỗ trợ bằng chính sách khác).

“Theo tôi, dựa trên công suất của tàu ra khơi, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí xăng dầu cho ngư dân theo tỷ lệ nào đó. Điều này cần thực hiện sớm, đúng đối tượng”, ông Thịnh nói.

Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây để xem xét, quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bên cạnh biện pháp giảm thuế, cần nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ những đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giảm giá xăng dầu mà vẫn gặp khó khăn như ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp. Các chính sách hỗ trợ cần được triển khai sớm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân nằm bờ vì “tiền dầu quá tiền cá”, hỗ trợ thế nào cho hiệu quả?